Ông Dũng bị cáo buộc có hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng khi mua ụ nổi 83M. Ông trình bày, giá mua ban đầu từ Công ty AP - Singapore là 9 triệu USD, tuy nhiên sau đó phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 14 triệu USD do phải lai dắt từ Nga về cộng với chi phí sửa chữa.
Vì thời tiết bất ổn phải thay đổi phương thức vận chuyển khiến tổng tiền đổ vào lên tới hơn 19 triệu USD.
Điều đáng lưu ý, ụ nổi này mua với giá hàng triệu USD như vậy nhưng chưa đưa vào sử dụng được một ngày. Như vậy, rõ ràng việc mua này không hoàn toàn vì mục đích sử dụng trong công việc chung.
Chiếc ụ 83M nằm chết tại bến thuộc Cảng Đồng Nai. |
Tới đây, chợt giật mình với việc mua sắm ở các đơn vị hưởng ngân sách. Cứ mỗi dịp cuối năm, các đơn vị này lại rà soát lại số tiền đã được cấp từ đầu năm, xem chi tiêu đến đâu rồi.
Nếu số tiền đó chưa sử dụng hết, không ít trong số các đơn vị này liền lập kế hoạch chi tiêu để bằng mọi giá phải tiêu hết sạch trước khi năm tài khóa cũ kết thúc. Cuối năm nếu tiêu không hết tiền đã cấp, năm sau ngân sách rót về có thể sẽ không tăng, thậm chí bị giảm bớt.
Từ đây, hàng loạt các vụ mua sắm không vì mục đích phục vụ hiệu quả cho công việc đã nảy sinh. Máy in cũ đang dùng tốt vẫn mua máy in mới, giá đắt càng tốt. Hàng loạt trang thiết bị thường chỉ dùng mỗi năm một lần, hoặc vài năm một lần, cũng lập tức đi mua với giá cao chất ngất (vì hàng chuyên dùng nên rất đắt).
Nếu một doanh nghiệp tư nhân phải bỏ tiền túi, họ sẽ không mua mà có thể ra ngoài thuê làm khi có dịp, bởi loại thiết bị đó thực ra không dùng thường xuyên.
Ngoài mua sắm, một hạng mục khác thường được các đơn vị hưởng ngân sách duyệt chi là xây dựng cơ sở làm việc. Có trường đại học năm nào cũng kê khai sửa chữa hạ tầng, dù thực chất cái mới có thể thấy là quét sơn.
Nhiều hạng mục còn dùng được cũng đập đi xây lại, nhiều phòng chức năng không thực sự cần thiết vẫn được phê duyệt xây nên theo chuẩn này, chuẩn kia, mà không hề xuất phát từ nhu cầu thực sự.
Quay lại vụ xét xử Dương Trí Dũng, bị cáo Trần Hải Sơn (Phó Ban quản lý dự án, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) thừa nhận sau khi ụ nổi được mua về, công ty AP (công ty Singapore đã môi giới việc mua đống sắt rỉ từ Nga) đã gửi “lại quả” hơn 1,6 triệu USD.
Ông Sơn khai số tiền này đã được chia cho ông Dũng, ông Phúc mỗi người 10 tỉ đồng, ông Chiều 340 triệu, còn lại ông Sơn giữ.
“Lại quả”, một từ gây giật mình nữa khi nghĩ về các đơn vị hưởng ngân sách. Nắm được ý đồ mua sắm không hoàn toàn vì chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nhiều công ty cung cấp hàng hóa đã chú trọng tới việc trích lại phần trăm cho những người thay mặt đơn vị mang tiền ngân sách đi tiêu.
Dường như, những người mua kiểu này quan tâm tới tỉ lệ phần trăm được trích lại và việc tìm kiếm hóa đơn, chứng từ sao cho hợp thức hóa được số tiền mua khống hơn là xem xét chất lượng, đối chiếu dịch vụ và kiểm tra hồ sơ nhà cung cấp.
Việc lại quả này đã trở thành quen thuộc tới mức, các đơn vị không đề cập tới phần trăm khi chào hàng cho người mua hiện nay có khi bị coi là thiếu tâm lý, hay nặng hơn là “những kẻ ngố”, không biết làm ăn.
Lại quả, chuyện quá bình thường. Nó chỉ bất thường khi những người trong cuộc cảm thấy phần của mình thiệt thòi hơn đồng nghiệp. Khi đó, mọi chuyện có thể vỡ lở, và từ đó, người dân mới giật mình thấy tiền của mình đóng vào ngân sách đôi khi cũng bị kẻ xấu tiêu sai.
Theo NCĐT