Danh gia vọng tộc
Dương Chí Dũng (SN 1957) là con trai cả của cựu đại tá Dương Khắc Thụ, nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Dương Chí Dũng không thi đậu đại học nên đi lao động xuất khẩu bên CHDC Đức.
Được ít năm, Dương Chí Dũng buộc phải trở về nước do các nhà máy phía Đông Đức bị đình trệ, đóng cửa. Sau đó Dương Chí Dũng về làm việc tại văn phòng công đoàn Cảng Hải Phòng.
Dương Chí Dũng sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 12/12 tới về hai tội danh "Tham ô tài sản" và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. |
Năm 1994, Dương Chí Dũng về làm cán bộ tại Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (lúc đó là Liên hiệp các xí nghiệp nạo vét). Cũng trong năm này, Dương Chí Dũng được đưa về làm Phó giám đốc Công ty Nạo vét sông 1.
Trong khoảng thời gian này, Dương Chí Dũng học lớp tại chức ngắn hạn ngành Kinh tế vận tải biển (3 năm) tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông làm luôn luận văn thạc sĩ rồi luận án Tiến sĩ kinh doanh thương mại tại Trường Đại học Thương mại.
Sau khi có bằng Tiến sĩ kinh tế, tháng 9/2003, Dương Chí Dũng được điều sang làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco).
Tuy nhiên, khi lèo lái Vinawaco, Dương Chí Dũng đã đẩy công ty này liên tiếp rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Hiện Vinawaco vẫn phải gánh hơn 130 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm trong khi lợi nhuận cao nhất 4 năm gần đây chỉ đạt gần 30 tỷ đồng/năm.
Tháng 8/2005, Dương Chí Dũng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines.
Đến tháng 7/2011, ông Dũng tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty này.
Trong 6 năm lèo lái Vinalines, Dương Chí Dũng dính nhiều lùm xùm liên quan tới tham ô, hối lộ. Công việc kinh doanh của Vinalines bị thua lỗ nặng, số tiền nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Đầu tháng 2/2012, sau khi thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vinalines, ông Dũng được điều động sang giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Xung quanh việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng, Bộ GTVT khẳng định vẫn làm đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền và trình tự.
Cụ thể, Bộ GTVT giải thích: "Trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ thông tin gì từ thanh tra, công an hay đơn tố cáo ông Dũng".
"Đục khoét" Vinalines
Năm 2007-2008, Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam với tổng đầu tư 3.854 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh dự án lên đến hơn 6.488 tỉ đồng và quyết định mua ụ nổi 83M từ Nga.
Dù biết ụ nổi 43 năm tuổi này bị hư hỏng nhiều, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng Dương Chí Dũng vẫn tìm cách móc nối, hợp thức hóa dự án này. Giá mua ụ nổi lên tới 9 triệu USD, trong khi giá gốc chỉ có 2,3 triệu USD.
Ụ nổi 83M đắp chiếu nhiều năm nay, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. |
Sau khi mua về nước, do không thể sử dụng, Dương Chí Dũng chỉ đạo cấp dưới vung tiền ra để sửa chữa. Số tiền chi cho việc sửa chữa ụ nổi ngày càng lớn, cộng với tiền trả lãi ngân hàng, tiền bến bãi đã khiến tổng thiệt hại lên đến gần 370 tỷ đồng và con số này vẫn không ngừng tăng.
Thương vụ trót lọt, Dương Chí Dũng cùng Mai Văn Phúc (cựu TGĐ Vinalines), Trần Hữu Chiều (cựu phó TGĐ kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M) và Trần Hải Sơn (cựu giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) được "lại quả" 1,66 triệu USD (28 tỷ đồng).
Trong đó ông Dũng và Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng, Sơn nhận hơn 7,8 tỷ đồng và Chiều 340 triệu đồng.
Liên quan đến vụ mua ụ nổi, ngày 1/2/2012, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố và bắt tạm giam bốn bị can Trần Hải Sơn, giám đốc; Trần Văn Quang, trưởng phòng kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng, cán bộ Hyundai Vinashin và Phạm Bá Giáp, giám đốc Công ty Nguyên Ân - Nha Trang, về hành vi “tham ô tài sản”.
Hành trình chạy trốn
Chiều 17/5/2012, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc (phó vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT, nguyên TGĐ Vinalines), Trần Hữu Chiều (phó TGĐ Vinalines) về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, đến khi CQĐT tống đạt quyết định khởi tố thì Dương Chí Dũng hoàn toàn biến mất trước sự bất ngờ của lực lượng cảnh sát điều tra khi sáng cùng ngày ông Dũng vẫn đến cơ quan làm việc. Nhiều nghi vấn được đặt ra về việc lộ thông tin, bao che cho bị can này được đặt ra.
Ngày 18/5/2012, truy nã đặc biệt đối với ông Dương Chí Dũng.
Ngày 4/6/2012, ban tổng thư ký Tổ chức Interpol ban hành lệnh truy nã đỏ (truy nã quốc tế) đối với bị can Dương Chí Dũng.
Ngày 24/7/2012, khởi tố thêm 6 bị can liên quan đến vụ án này gồm Bùi Thị Bích Loan (cựu kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên), Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines), Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa) về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Khởi tố bổ sung đối với bị can Trần Hải Sơn về tội danh trên.
Trong quá trình Dương Chí Dũng "biến mất", cơ quan điều tra đã truy tìm ra được đường dây đưa người trốn đi nước ngoài, trong đó "mắt xích" chính là Dương Tự Trọng (nguyên đại tá, Phó GĐ Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, em ruột Dương Chí Dũng) cùng gần 10 người trong ngành công an khác như Nguyễn Bình Kiên (em rể Dương Chí Dũng), Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh....
Dương Tự Trọng bị bắt giữ và khởi tố về tội danh "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài". |
Cụ thể, khi biết cơ quan điều tra chuẩn bị thực hiện lệnh bắt anh trai mình, Dương Tự Trọng đã hướng dẫn anh trai đến nhà bồ Dương Chí Dũng tại đường Nguyễn Khánh Toàn (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), tạm thời trốn ở đó chờ triển khai kế hoạch vượt biên.
Sau đó, Trọng đã bàn bạc với Vũ Tiến Sơn (Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội (TTXH) - Công an TP Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hải Phòng); Nguyễn Trọng Ánh (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hải Phòng) lên kế hoạch đưa Dương Chí Dũng đi trốn.
Tham gia kế hoạch này còn có Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn") - giang hồ có tiếng ở Hải Phòng. Kế hoạch ban đầu dự định đưa Dương Chí Dũng từ Hà Nội xuống Quảng Ninh rồi sang Trung Quốc.
Tuy nhiên khi xem quẻ bói, thấy không thuận nên Dương Chí Dũng quyết định chuyển hướng trốn sang Campuchia qua Singapore rồi sang Mỹ. Dương Tự Trọng lại lên kế hoạch đưa anh trai vào miền Nam để vượt biên.
Do Interpol quốc tế đã nắm được thông tin, Dương Chí Dũng không được phép nhập cảnh vào Mỹ nên buộc phải quay lại Campuchia.
Đến ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị bắt, kết thúc cuộc trốn chạy suốt 3 tháng đầy công phu.
Ngày 6/12/2012, Vũ Tiến Sơn bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài theo Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Ngày 23/2/2013, Dương Tự Trọng bị bắt tạm giam và bị tước quân tịch để điều tra với tội danh tương tự.
Ngày 7/11/2013, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Dương Tự Trọng về tội danh "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài".
Việc bắt Dương Tự Trọng từng gây xôn xao dư luận đất Cảng. Theo đánh giá, Dương Tự Trọng có nhiều tố chất nổi bật để có thể vươn cao hơn nữa, từng là nỗi kinh hoàng của tội phạm đất cảng.
Mua nhà cho bồ nhí
Dương Chí Dũng kết hôn với bà Phạm Thị Mai Phương (SN 1959) và có 3 cô con gái. Hai cô con gái lớn hiện đang học đại học.
Tuy đã có vợ con đề huề, nhưng Dương Chí Dũng vẫn cặp bồ với Ph.T.T (SN 1982, quê Thiệu Hóa, Thanh Hóa, từng làm tiếp viên nhà hàng) và có với người này một cậu con trai.
Tại cơ quan điều tra, Dương Chí Dũng cũng khai, vì trách nhiệm với giọt máu của mình đã có chung với Ph.T.T. nên Dũng đã cho tiền để T. mua, đứng tên một căn hộ cao cấp ở tòa nhà Skycity (88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) và một căn hộ ở tòa nhà Pacific (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với tổng giá trị trên 32 tỷ đồng.
Tuy nhiên vào đầu tháng 12 vừa qua, bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) đã gửi đơn lên HĐXX TAND TP.Hà Nội kêu oan cho chồng.
Trong đơn, bà Phương khẳng định số tiền ông Dương Chí Dũng mua 2 căn hộ chung cư nói trên là tiền của bà đưa cho chồng. Bà cũng thừa nhận đã biết chuyện ông Dũng có con trai riêng với người phụ nữ khác từ lâu, nhưng chấp nhận.
Ngoài ra, bà Phương phủ nhận việc Dương Chí Dũng nhận hối lộ. Ba luật sư cũng đã bay sang nước ngoài để xác minh gốc gác vấn đề.
Ngày 12/12 tới, Dương Chí Dũng sẽ bị đưa ra xét xử với 2 tội danh "Tham ô tài sản" và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo VNN