Biết trước nhưng vẫn buồn
Thực tế, nhìn vào hoạt động trong cả năm qua của DN, cả thái độ không lấy gì làm hào hứng, hoành tráng của sếp trong mỗi cuộc họp thì mỗi nhân viên đều tự biết trước tết năm nay khó có thu nhập ‘xông xênh’. Đơn giản là làm ăn khó khăn, nhân sự cắt giảm, chi tiêu thắt chặt... lương còn nợ thì lấy đâu thưởng Tết.
Biết vậy, nhưng khi biết những thông tin đầu tiên về cắt hẳn lương tháng 13 và thưởng Tết âm lịch chỉ gọi là cho có thì nhiều người không giấu nổi thất vọng. Dẫu sao, thưởng Tết vẫn là điều mong đợi, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn như năm nay.
Chị Nguyễn Thị Hằng (quê Ý Yên - Nam Định) - nhân viên văn phòng một công ty kinh doanh đồ gia dụng tại Thanh Xuân - Hà Nội, cho biết, năm qua chị chỉ nhận vẻn vẹn được 6 tháng lương, còn lại sếp hứa thanh toán vào dịp cuối năm và cộng thêm tiền thưởng.
Đủ kiểu làm thêm, tranh thủ kiếm tết. (ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, càng gần cuối năm lời hứa đó càng trở nên mơ hồ khiến chị vô cùng lo lắng. Mới đây, bên kế toán ‘bật mí’ chỉ nhận thêm 3 tháng lương và khoản tiền Tết mang tính chất động viên khiến chị vô cùng lo lắng vì chưa biết sẽ lo tết cho gia đình ra sao khi cả hai bên nội ngoại đều trông chờ đồng lương của anh chị.
Chị Nguyễn Thanh Huyền (Quốc Oai - Hà Nội) là công nhân một công ty may ở Gia Lâm - Hà Nội bày tỏ nỗi lo sợ thưởng Tết năm nay lại giống năm ngoái.
Nhớ lại Tết trước chị Huyền vẫn chưa hết rùng mình khi DN thưởng đồng loạt cho mỗi nhân viên 80 chiếc quần đùi. “Tình hình năm nay không khá hơn năm ngoái, khi mà đến giờ này công ty vẫn nợ chị 3 tháng lương. Nhưng năm nay hy vọng sếp dùng chiêu khác để lĩnh thưởng còn tiêu được chứ như năm ngoái thì chẳng biết làm sao mà ‘tiêu hóa’. Năm ngoái, ra Tết mình vừa bán vừa biếu đến hè mới giải quyết hết số quần đùi’, chị Huyền kể.
Nghe “lõm bõm” năm nay công ty thưởng cho mỗi nhân viên nghỉ một tuần không lương thay vì sẽ có quà hay tiền thưởng, anh Đinh Xuân Hoàng (Từ Liêm - Hà Nội), nhân viên một doanh nghiệp thương mại xuất khẩu có tiếng ở Hà Nội, cảm thấy hụt hẫng.
“Nếu như tin đồn đó là thật thì anh quả là sếp chơi khăm nhân viên quá” - anh Hoàng than thở.
Anh Hoàng tâm sự: “Mình quê xa, cả năm làm việc lương hàng tháng chỉ đủ sống, đến ngày Tết hy vọng được thưởng để có tiền về quê sắm Tết, mừng tuổi bố mẹ... rồi còn dự phòng ăn ra Giêng khi làm ăn chưa đến vụ. Nghỉ dài mà không có tiền tiêu đúng là chơi khăm nhau quá”.
Kiếm thêm đâu dễ
Thất vọng với khoản thưởng cuối năm, lại thêm gánh nặng nỗi lo sắm Tết, nhiều nhân viên đã tranh thủ tìm kiếm bất cứ công việc gì phù hợp để làm thêm bù đắp khoản thưởng thiếu hụt, tích góp trang trải chi tiêu. Tuy nhiên, kiếm việc làm thêm không dễ. Trong khi đó, những “được - mất”, bi hài khi làm thêm kiếm Tết cũng khiến nhiều người dở khóc dở cười.
Chị Hồng Liên (Tôn Đức Thắng - Hà Nội), nhân viên hành chính Công ty Cơ khí xây dựng Minh Long cho biết, xây dựng cả năm không có việc, cuối năm càng rỗi hơn. Ngồi rảnh không biết làm gì chị xin chân chuyển phát hàng cuối năm cho một DN kinh dinh doanh vật phẩm văn hóa.
Lúc đầu cũng xác định làm thêm buổi trưa hay cuối chiều, không ngờ nhiều việc lại toàn việc gấp nên phải bỏ việc cơ quan chạy suốt. May mà sếp cũng bỏ cơ quan đi lo việc cuối năm nên vắng cả buổi không sao. Đi nhiều có thù lao nhưng mệt rã người vì việc chuyển bưu phẩm không còn phù hợp với người gần 40 tuổi như chị.
Chị Nguyễn Thị Nga - nhân viên kinh doanh của một DN điện tử có tiếng tọa lạc trên đường Láng Hạ - Hà Nội dự tính cuối năm được thưởng, chị sẽ gửi toàn bộ số tiền đó về cho bố mẹ để giúp một phần sửa ngôi nhà chuẩn bị đón Tết.
Nhưng xem ra Tết năm nay tiền thưởng giảm hoặc không có nên chị Nga tính sớm tới việc phải kiếm thêm việc để làm. Trớ trêu khi không có việc gì khác ngoài công việc gọi là “đạo chích thời gian công sở” để đi bán mỹ phẩm. Việc chị nhận thường không thể làm ngoài giờ vì phải ra ngoài giao hàng mỹ phẩm đến tay các chị em trong giờ hành chính. Việc trốn ra ngoài nhiều làm cho chị cảm thấy lo lắng nếu chẳng may mà sếp phát hiện.
“Khốn khổ là cả năm rảnh rỗi, cuối năm cơ quan cũng bận gặp khách hàng, đi đòi nợ... một thân chia sẻ làm đôi khiến chị nhiều lúc cảm thấy rã rời”.
Vợ vừa bị nghỉ việc do công ty cắt giảm nhân sự, anh Nguyễn Văn Hiệu (quê Kinh Môn - Hải Dương), nhân viên một công ty phần mềm máy tính nằm trên phố Thái Hà - Hà Nội hai tháng nay cũng chơi dài vì công ty hết việc. Rất may, nhờ bạn bè anh nhận được hợp đồng làm phần mềm cho một doanh nghiệp với giá 60 triệu đồng và hoàn tất trong vòng 30 ngày.
Có việc, anh mừng khôn xiết vì năm nay vẫn có tiền ăn tết mặc dù công ty không có thưởng. Oái ăm thay, vừa bắt tay vào công việc chưa được bao lâu thì sếp bất ngờ giao cho anh một núi việc phải hoàn thành trước tết dù không có lời hứa nào về thưởng.
“Đứng giữa hai dòng nước, đành phải phá hợp đồng để giữ chân ở lại doanh nghiệp”, anh Hiệu cho biết.
Đã đành làm thêm vào những dịp cuối năm khi việc chi tiêu ngày càng nhiều hơn, đáp ứng cho một cái Tết đầy đủ hơn thì ai cũng dễ thông cảm. Nhưng trước khi quyết định lãn việc để làm thêm mọi người cũng cần cân nhắc “được - mất” để đối phó với những tình huống xấu như nguy cơ bị mất việc trong năm mới.
Theo VEF