Thông tin từ Phòng Chính sách Lao động - Tiền lương (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội) cho biết, 90 doanh nghiệp trên địa bàn đã được đơn vị này kiểm tra để nắm bắt việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.
Theo đó kiểm tra nguồn quỹ dành chi cho thưởng Tết, lương tháng 13 của phần lớn doanh nghiệp năm nay xấp xỉ năm trước. Dự kiến, trong khối doanh nghiệp FDI là khối luôn có mức thưởng Tết ở mức cao thì năm nay con số này khó vượt quá 30 triệu đồng/người.
Những con số thưởng Tết lệch nhau khiến nhiều người không khỏi nao lòng. |
Dự kiến lao động trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ nhận mức thưởng Tết trung bình 5-7 triệu đồng/người. Tuy nhiên, phát biểu trên báo chí hồi đầu tuần thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – một trong các doanh nghiệp thuộc khối nhà nước vẫn chưa công bố số lỗ, lãi cả năm và cùng với đó là chưa có con số cụ thể về thưởng Tết.
Và ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex có bật mí rằng: “Chế độ lương thưởng của Petrolimex là thực hiện theo quy định của Nhà nước. Ví dụ như năm ngoái (năm 2012) được xem là một năm kinh doanh rất khó khăn của Petrolimex, nhân viên của tập đoàn không có chế độ thưởng tết. Và năm nay chúng tôi cũng cố gắng duy trì như năm ngoái”.
Sau khối tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thì khối ngân hàng trước đây cũng từng được xếp vào top đơn vị có số tiền thưởng Tết đáng mơ nhưng năm nay cũng chưa có thống kê cụ thể. Tuy nhiên, tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã kịp đưa ra chỉ đạo đối với các ngân hàng thương mại rằng: Nếu chưa cơ cấu nợ, trích lập đủ dự phòng xử lý nợ xấu, các ngân hàng sẽ không được tăng lương, thưởng cán bộ, cấp quản lý, điều hành. Ngoài ra, các cổ đông có thể không được chia cổ tức nếu làm sai quy định.
Như vậy thì khối ngân hàng năm nay cũng nằm trong diện chờ đợi chẩn đoán chứ giờ này cũng chưa có con số cụ thể. Tại các tỉnh khác ở khu vực miền Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh thông tin về lương, thưởng Tết vẫn chỉ nằm ở dạng chờ doanh nghiệp báo cáo.
Tuy nhiên, theo Sở Lao động Thương binh & Xã hội các địa phương này thì nhìn chung mức lương, thưởng khó cao hơn năm ngoái. Tại Bắc Ninh, người lao động tại các loại hình doanh nghiệp dự kiến chỉ sẽ nhận được mức thưởng 500.000 - 2.000.000 đồng/người. Mức này tương đương với tháng lương thứ 13 mà các lao động ở các tỉnh này đang được hưởng.
Tại TP.HCM, ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (Hepza) cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các doanh nghiệp trong diện quản lý phải lập kế hoạch chi trả tiền lương, tiền thưởng cuối năm 2013. Theo đó, các thông số về mức lương, thưởng và thời hạn chi trả sẽ buộc doanh nghiệp phải công khai.
Số liệu do Hepza công bố cho thấy năm 2013 doanh nghiệp trong nước, mức thưởng cao nhất là 400 triệu đồng nằm trong nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, mức thấp nhất là 2,1 triệu đồng.
Đối với loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng cao nhất là 217,4 triệu đồng, thấp nhất là 2,3 triệu đồng. Trung bình, năm 2013, mỗi công nhân được thưởng Tết một tháng lương. Bình quân mức thưởng cao nhất là ngành điện - điện tử là 5 triệu đồng; ngành cơ khí thưởng 3,5 triệu đồng; ngành may mặc, da giày thưởng 3,4 triệu đồng; ngành chế biến thực phẩm thưởng 2,5 triệu đồng.
Như vậy con số 400 triệu đồng thưởng Tết có lẽ đến thời điểm này vẫn đang là đáng chú ý nhất và nhiều người đặt câu hỏi ai sẽ là người được nhận số tiền đó?
Theo Đất Việt