Đổ xô bán hàng online
Chưa khi nào xu hướng bán hàng qua mạng lại rộ lên như hiện nay, từ bán quần áo, đồ ăn cho tới hóa mỹ phẩm. Nguyễn Lan Anh (Triều Khúc, Thanh Xuân) là nhân viên hành chính một công ty truyền thông nhưng gần đây, công việc chính của Lan Anh lại là nhận và bán đồ sạch qua mạng.
Lan Anh cho biết, công ty đợt này ít việc nên sếp hay cho nghỉ và trừ lương theo ngày nghỉ. Để ổn định cuộc sống, chị và chị gái ở Ba Vì đã rủ nhau bán đồ sạch qua mạng. Chồng chị là dân IT nên đã lập một trang web để chị giới thiệu và đặt hàng sản phẩm.
Tuy việc bán hàng không ổn định lắm nhưng cũng giúp tăng được thu nhập cho vợ chồng Lan Anh. Lan Anh nhận hàng đặt từ thứ 2 đến thứ 6, giao hàng vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Việc giao, nhận hàng do chồng cô đảm nhiệm.
Các cửa hàng online xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng. |
“Vì đồ sạch này chủ yếu do chị gái mình và bố mẹ trồng, chăn nuôi nên số lượng không nhiều. Để đảm bảo cho khách, mình chỉ bán những thứ nhà mình có. Mức giá có cao hơn trên thị trường một chút nhưng mọi người đều cảm thấy an tâm về chất lượng. Tính ra mỗi tháng, trừ các khoản xăng xe, điện thoại... mình cũng kiếm được khoảng 2-3 triệu đồng”, Lan Anh khoe.
Công ty giải thể vì khó khăn kinh tế, Bùi Thị Loan đành phải ở nhà chơi. Một mình chồng đi làm không đủ trang trải cuộc sống, đặc biệt là cái Tết đang đến gần. Loan chuyển sang bán hàng qua mạng. Vào cuối tuần, cô cùng 2-3 người bạn sang bên chợ Ninh Hiệp tìm mua một số sản phẩm, chụp ảnh rồi tung lên facebook.
Ai đặt mua sản phẩm nào, Loan ghi lại cụ thể để cuối tuần sau sang lấy hàng. Theo Loan, cách làm này tính ra không có lãi nhiều và rất mất thời gian nhưng trong thời điểm khó khăn như thế này, kiếm được một đồng là quý lắm.
“Tuần đầu tiên, mình bán được duy nhất một chiếc quần tất và lãi được 10.000 đồng. Những tuần sau, mình chịu khó lần mò những mẫu quần áo đẹp, giá thành vừa phải chụp lại ảnh và đăng trên facebook. Mỗi sản phẩm mình lấy số tiền lãi không nhiều, chỉ từ 20.000-30.000 đồng, rẻ hơn so với những chỗ khác bán.
Ngày chủ nhật, mình còn mang ra chợ gần nhà bày bán. Số tiền kiếm được từ bán quần áo đủ để đóng tiền học cho con. Rồi cái Tết này còn phải mua sắm quà cáp cho hai bên nội ngoại nữa”, Loan tâm sự.
Xu hướng bán hàng trên mạng, bán hàng trên facebook, tranh thủ kiếm tiền tiêu Tết cũng đang được nhiều người lựa chọn. Theo Minh Thư (bán mỹ phẩm, nước hoa và đồ trẻ con), việc bán hàng trên mạng không mất thời gian và cũng không sợ ế.
Đơn cử như Thư, cô vừa làm ở công ty, vừa tranh thủ làm thêm. Những sản phẩm Thư đăng bán là lấy của bà chị họ. Khách hàng sẽ đăng ký trực tiếp, Thư mang sản phẩm đến xem, thuận mua, vừa bán. Nếu hàng không bán được, Thư mang trả lại chị họ, còn bán được thì Thư nhận hoa hồng.
“Trước mình ngại buôn bán nhưng giờ thấy cũng dễ mà lại kiếm thêm được tiền. Chuẩn bị Tết đến có rất nhiều khoản phải chi tiêu, cố gắng bán được nhiều hàng, hưởng nhiều hoa hồng để tết có đồng ra đồng vào”, Thư nói.
Chạy xe ôm, làm kế toán đêm
Là sinh viên năm cuối nên thời gian học không nhiều, Lan Anh (sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội) đã tìm cho mình một công việc làm thêm từ nay đến tết âm lịch. Công việc của Lan Anh là đưa đón và dạy cho một bé gái học lớp 2.
Sinh viên giờ cũng hào hứng với việc chạy xe ôm kiếm thêm tiền tiêu Tết (ảnh minh họa) |
“Cuối năm, bố mẹ bé bận nên em sẽ đón bé hàng ngày, về nhà cho ăn uống và dạy học đến 9h tối khi bố mẹ bé về. Mỗi tháng, em được trả 3 triệu đồng. Việc này chỉ kéo dài cho tới ngày 20 tháng 12 âm lịch”, Lan kể. Nhưng theo tính toán của Lan, với số tiền gần 6 triệu đồng, cô có thể làm được rất nhiều việc, đặc biệt góp tiền Tết với bố mẹ.
Kinh tế khó khăn khiến nhiều người mê kiếm việc làm thêm. Là nhân viên của một ngân hàng với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng khoảng 1 tháng nay, anh Vũ Tuấn đã đăng ký làm thêm kế toán cho một công ty tư nhân vào buổi tối. Theo anh Tuấn, năm nay ngân hàng anh làm sẽ cắt giảm thưởng Tết và khả năng là anh em trong cơ quan không đủ tiền chi tiêu.
Trong khi, kế toán của công ty này lại đang nghỉ sinh con mà phần việc cuối năm khá bận, Tuấn làm và quyết toán toàn bộ giấy tờ cho họ. Tính đến Tết, Tuấn có thêm hơn chục triệu đồng bỏ túi. Giờ anh lọ mọ làm tới 10h tối mới được về nhà.
Vất vả lo cho Tết nhất có lẽ là những người lao động chân tay. Nguyễn Văn Chung, công nhân KCN Nam Thăng Long (Hà Nội) đang loay hoay tìm thêm việc để có tiền về quê ăn Tết. Chung tâm sự, khoảng 2 tháng nay, công việc ở công ty không nhiều, lương của Chung chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng, đủ trả tiền nhà trọ và chi tiêu ở mức tối thiểu. Vì thế, sau giờ làm việc, Chung cùng với mấy người nữa, đi xe máy vào trong trung tâm thủ đô làm xe ôm.
Chung kể: “Bố mẹ em già rồi. Em lại là con lớn trong nhà nên tết cũng phải phụ giúp bố mẹ sắm Tết. Đi làm xe ôm chăm chỉ thì cũng được vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn đồng/ngày. Số tiền này em tích lại để mấy hôm nữa gửi về cho bố mẹ ở quê lo Tết”.
Theo VEF