Họa trên trời?
năm 2013, giới đầu tư còn nhiều lần đau tim vì những thông tin xấu từ trên trời rơi xuống khiến giá cổ phiếu giảm thê thảm.
Cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) hôm 23/8 bất ngờ rớt gần 5% (-7.000 đồng/cp), mức giảm điểm mạnh nhất trong một năm khiến vốn hóa của DN này bốc hơi gần 6.000 tỷ đồng
Nguyên nhân về phiên giảm điểm lịch sử này không được đề cập nhưng sau đó vài ngày Vinamilk đã lên tiếng bác bỏ tin sai sự thật về sữa bị nhiễm độc, không chứa vi khuẩn Clostridium Botulinum như một số thông tin chưa chính xác.
Hồi giữa tháng 5, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai đã mất hàng trăm tỷ đồng do cổ phiếu giảm mạnh sau cáo buộc phớt lờ luật pháp của Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness).
Những tin đồn vô căn cứ, thông tin thiếu trách nhiệm đã khiến nhiều cổ phiếu sụt giá bất ngờ. |
Trong phiên giao dịch 14/5, cổ phiếu này giảm 1.400 đồng (-6,1%) sau khi Global Witness công bố những cáo buộc sai lệnh và được cho là thiếu căn cứ về thưc trạng đầu tư của HAG tại Lào và Campuchia .
Hồi tháng 9, thông tin về vụ tai nạn khiến giám đốc nhà máy và 5 nhân viên tử vong tại Nhà máy tinh luyện dầu cá của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia (IDI) cũng đã khiến cổ phiếu của công ty này giảm kịch sàn, mất 6%.
Mới đây nhất, các nhà đầu tư lại một lần nữa bất ngờ mất tiền tỷ sau những cú số tin xấu được bung ra trong năm 2013.
Sáng 10/12, cổ phiếu HLA của CTCP Hữu Liên Á Châu giảm hết biên độ cho phép. Với 4 phiên giảm sàn liên tiếp, HLA rớt thẳng từ 6.500 đồng xuống 4.800 đồng/cp, giảm hơn 26%.
Nguyên nhân là do HLA hôm 9/12 bất ngờ công bố báo cáo tài chính quý IV niên độ 1/10/2012 - 30/9/2013 với khoản lỗ lên tới hơn 131 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, công ty lỗ ròng 115,5 tỷ đồng, khiến mỗi cổ phiếu mất đứt hơn 3.350 đồng/cp.
Trước đó, 4/10, cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam bị các NĐT bán tháo ở mức giá sàn sau khi DN này công bố báo cáo soát xét bán niên 2013 gây sốc cho toàn thị trường với khoản lỗ tăng thêm 952 tỷ đồng.
Với khoản lỗ ròng gần 1.600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013, PVX gần như nắm chắc kết cục “hủy niêm yết bắt buộc” do đã thua trong 2 năm liền trước. Cổ phiếu này đã liên tục giảm mạnh 4 phiên liên tiếp có phiên mất trọn 10% và tộng cộng rớt 27% từ mức 3.000 đồng xuống 2.200 đồng/cp.
2013, Các nhà đầu tư tiếp tục có một năm đen đủi khi hàng loạt các DN bị thua lỗ nặng, hoặc/và bị hủy niêm yết bắt buộc, hoặc/và bị âm vốn khiến cổ phiếu mỗi lần đón tin dữ đều giảm dữ dội. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, có khoảng 150 DN niêm yết đang ngập trong thua lỗ.
Tiền tỷ bay hơi sau những cú sốc trên trời rơi xuống. |
Nỗi đau tỏ cùng ai
Có thể thấy, giới đầu tư khi mang tiền bỏ vào một kênh nào đó đã chấp nhận rủi ro. DN làm ăn tốt hay xấu, đón nhận những rủi ro bất khả kháng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, số lượng các thông tin sốc trên TTCK Việt Nam năm 2013 dường như quá nhiều khiến cho các nhà đầu tư ngày càng cảm thấy khó khăn trong cuộc chơi bám sàn.
Trong trường hợp HLA, DN này lý giải nguyên nhân thua lỗ là do nền kinh tế năm vừa qua không khả quan. Các ngành BĐS, xây dựng, trang trí nội thất, xe máy, vận tải biển....là các ngành sử dụng dầu ra sản phẩm của công ty đều bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù vậy, cú thua lỗ khủng hơn 130 tỷ đồng trong quý vừa qua vẫn thực sự quá bất ngờ với đa số các NĐT bởi DN này chưa hề thua lỗ trong 4 năm liền trước đó.
Gần đây, giới đầu tư cũng đã ngã ngửa với cổ phiếu POM của Thép Pomina khi mà DN này báo cáo 9 tháng lỗ rõng 240 tỷ đồng trong khi trước đó đại hội cổ đông đã “khiêm tốn” đặt ra lợi nhuận cho 2013 là 200 tỷ đồng.
Trong trường hợp cổ phiếu HAG giảm mạnh sau cáo buộc của Global Witness, bầu Đức sau đó phản pháo mạnh mẽ về những cáo buộc vô căn cứ và chỉ ra rằng, thông tin này đã gây bất lợi lớn khi đã gây hiểu nhầm cho các cổ đông lớn.
Hàng loạt các DN, doanh nhân cũng tung ra các kế hoạch, tuyên bố hoặc những điều chỉnh khá bất thường như trường hợp: VHG điều chỉnh kế hoạch từ lỗ thành lãi 130 tỷ đồng; Alphanam (ALP) vạch ra kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ trong khi 9 tháng lỗ khoảng 150 tỷ; TTF kỳ vọng lãi 40 tỷ (9 tháng mới lãi chưa tới 3 tỷ); TMT lên kế hoạch thưởng ban điều hành 1,5 triệu cổ phiếu nếu đưa giá TMT từ mức 6.000 đồng lên 50.000 đồng sau 3 năm; GTT vẽ ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế 66 tỷ đồng cho dù 2 năm trước chỉ đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng/mỗi năm nhưng thực tế 9 tháng mới lãi khoảng 1 tỷ…
Hay các trường hợp DN lỗ thêm, lỗ sâu hơn nhiều, thậm chí lỗ hồi tố các năm trước nữa hoặc lãi tụt giảm, tăng vọt… sau hoạt động kiểm toán như: VID, ITA, VNE, DXV, PVX, VCG, XMC… cũng khiến nhiều NĐT lo ngại.
Có thể thấy, tính minh bạch có lẽ vẫn là vấn đề lớn và nó khiến cho giới đầu tư, nhất là các NĐT cá nhân thường rơi vào tình trạng hoảng loạn mỗi khi DN gặp biến cố hoặc/và tin đồn. và hàng tỷ đồng cũng theo đó mà bốc hơi. Đây có lẽ cũng là điểm yếu giúp các “cá mập” có thể thực hiện được các hành vi thao túng giá, làm giảm niềm tin trên thị trường.
Theo VEF