Thách thức phát triển cao su tại miền núi phía Bắc

Thứ hai, 16/12/2013, 13:22
Cao su không chỉ là cây trồng tiềm năng ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam mà còn có thể mở rộng phát triển ngay cả ở nơi có điều kiện khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB). Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững của cây cao su tại khu vực này, cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như thẩm định kỹ các DN tham gia; nghiêm túc thử nghiệm, đánh giá việc trồng cao su; đầu tư cho giống cây trồng phù hợp…
Lựa chọn giống phù hợp là yếu tố quan trọng giúp cây cao su phát triển bền vững
Lựa chọn giống phù hợp là yếu tố quan trọng giúp cây cao su phát triển bền vững. Ảnh: S.T.

Khó chồng khó

Cao su là cây có diện tích trồng lớn nhất trong các cây lâu năm. Trong năm 2012, đây là mặt hàng nông sản có giá trị XK lớn thứ 13, đóng góp 3,7% vào tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Từ năm 2007 đến nay, kim ngạch XK sản phẩm cao su của Việt Nam tăng liên tục và đã xuất siêu vào năm 2011 và 2012, đạt khoảng 1 tỷ USD năm 2012. Những sản phẩm cao su chủ lực trong XK là lốp (33%), linh kiện cao su và sản phẩm cao su lưu hóa (30%), đế giày (12%), săm lốp (7%) và găng tay (6%). Ngoài nguyên liệu cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su, gỗ cao su và đồ gỗ cao su cũng được đầu tư phát triển mạnh và tăng trưởng tốt trong XK vào những năm gần đây.

TS. Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: Tính đến hết năm 2012, tổng diện tích cao su trồng tại khu vực MNPB khoảng hơn 23 nghìn ha, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên. Sản phẩm cao su ở khu vực MNPB có những thuận lợi nhất định về mặt thị trường bởi trong tương lai, nhu cầu sử dụng cao su thế giới ngày càng tăng. Việt Nam có thể XK lượng lớn cao su sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, sự phát triển của các DN trong nước như săm lốp Sao Vàng, Đà Nẵng...  cũng là thị trường tiềm năng đối với cây cao su.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phùng Giang Hải, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) bổ sung: Mặc dù có không ít cơ hội nhưng khu vực MNPB đang tồn tại quá nhiều điều kiện gây bất lợi cho sự phát triển của cây cao su.

Đó là nhiệt độ quá thấp vào mùa Đông, ảnh hưởng đến sự sống còn của vườn cây trồng mới và trong thời kì kiến thiết cơ bản. Điều này cũng gây bất lợi đến khả năng sinh trưởng và sản lượng khai thác. Ngoài ra, hầu hết các tỉnh MNPB có địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng vườn cây.

Bà Thúy Hoa cho rằng, xuất phát từ những khó khăn nêu trên, miền Bắc có thể phát triển cây cao su nhưng cần nghiêm túc tuân thủ, giám sát chặt chẽ việc chọn đất trồng, áp dụng quy trình kỹ thuật đặc thù theo hướng đa dạng sinh học và bộ giống phù hợp. Cây cao su có nhiều triển vọng mang đến những lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường cho vùng trồng ở miền Bắc nhưng rủi ro thời tiết, khí hậu là không nhỏ, cần có chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước để người sản xuất vượt qua những thời điểm khó khăn. “Ngoài ra, cần tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan trong nước và quốc tế để kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho cây cao su miền Bắc phát triển bền vững”, bà Thúy Hoa nói.

Nghiêm túc thử nghiệm

GS. TS Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Cao su là một trong những cây công nghiệp kén chọn nhất về điều kiện đất đai, khí hậu, chăm sóc… Do đó, để có thể phát triển bền vững cây cao su ở khu vực có điều kiện nghèo nàn như MNPB, cần có những bước đi hết sức thận trọng.

Cụ thể, cần nghiêm túc trồng thử nghiệm, đánh giá kết quả ở từng địa phương trước khi triển khai trên diện rộng. “Diện tích trồng thử nghiệm khoảng 20 ha, thí điểm trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Sau quá trình thử nghiệm, phải có các nhà khoa học tham gia đánh giá kết quả, nếu thấy khả thi mới áp dụng mở rộng diện tích. Việc thử nghiệm này cần tiến hành lặp đi lặp lại khoảng 3-4 lần, đảm bảo sự bền vững mới triển khai trong thực tế”, ông Lung khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Quang Tuấn, Phó ban Đổi mới DN (Vụ Quản lý DN-Bộ NN&PTNT) bổ sung: Ngoài việc tiến hành thí điểm và nghiêm túc đánh giá kết quả đạt được, yếu tố sống còn đảm bảo sự phát triển bền vững của cây cao su còn là có giống tốt. Ông Tuấn đưa ra dẫn chứng, ở Trung Quốc, một số vùng sát biên giới Việt Nam trồng rất nhiều cao su xanh tốt. Cây cao su chịu được rét, không rụng lá trong mùa đông nhưng khả năng cho mủ lại khá kém.

Do đó, cây cao su chủ yếu phục vụ mục đích lấy gỗ. “Để tránh rơi vào tình trạng tương tự, Bộ NN&PTNT cần nghiêm túc chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ tổng kết, khảo nghiệm, chỉ ra khu vực MNPB vùng nào trồng được cao su, giống nào phù hợp, diện tích trồng bao nhiêu để không gây ảnh hưởng tới các loại cây trồng khác, đem lại lợi nhuận cao”, ông Tuấn nói.

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, ngoài điều kiện tự nhiên, giống, yếu tố rất quan trọng khi phát triển cây cao su khu vực MNPB là cần quy hoạch, giám sát nghiêm ngặt các nhà máy, có chế tài cụ thể về chất lượng sản phẩm cao su, cân đối giữa số lượng nhà máy và vùng nguyên liệu.

Điều này nhằm tránh tình trạng, do thiếu quy hoạch rõ ràng ngay từ đầu nên các nhà máy phát triển ồ ạt, không tương xứng với nguồn nguyên liệu, dẫn tới việc tranh mua tranh bán lộn xộn. “Đối với các DN, Nhà nước cần có sự thẩm định kỹ lưỡng trước khi cấp phép cho DN triển khai dự án trồng cao su. DN cần có nguồn vốn đầu tư dài hạn, đảm bảo sinh lợi nhuận. Đặc biệt, cần yêu cầu DN ưu tiên sử dụng lao động tại phương, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, xử lý chất thải”, bà Thúy Hoa khẳng định.

Theo HaiQuanOnline

Các tin cũ hơn