Theo chia sẻ của nhiều DN trong ngành, chuyện liên doanh, liên kết là điều mà hầu hết các nhà bán lẻ sẽ tính đến trong tương lai để gia tăng sức mạnh và tiềm lực. Cũng bởi, trước áp lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng, sẽ có nhiều tập đoàn nước ngoài với tiềm lực mạnh nhòm ngó và nhảy vào thị trường Việt Nam - vẫn được đánh giá là đầy tiềm năng và hấp dẫn.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhận định, việc liên doanh, liên kết với nhà bán lẻ ngoại chỉ là chuyện trong nay mai. Tuy nhiên, hiện các nhà bán lẻ nội đang tranh thủ vì còn những rào cản thị trường để tăng cường sức mạnh của mình nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Đặt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thay đổi thói quen và nhu cầu mua sắm do chịu những tác động của sự phát triển công nghệ và kỷ nguyên số, bán lẻ hiện đại cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nhà bán hàng online. Không cần cửa hiệu, quầy kệ trưng bày sản phẩm, bán lẻ trực tuyến ngày càng tận dụng tốt những tiện ích của internet để giới thiệu và bán hàng hoá.
Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), phương thức mua sắm không cần đến cửa hàng mà thông qua mạng internet đã bắt đầu có sự khởi sắc, như báo hiệu cho một thời kỳ bùng nổ của bán lẻ trực tuyến.
Ông Phạm Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, ước tính quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2012 lên đến 2,77 tỷ USD, với giá trị mua hàng online của một cá nhân khoảng 150 USD/năm. Tuy nhiên, do những trở ngại về vấn đề chất lượng sản phẩm chưa được đảm bảo, giá cả, dịch vụ vận chuyển, thanh toán… đang phần nào "kìm hãm" sự phát triển của phương thức bán lẻ này.
Song có thể nhận thấy, nhiều nhà bán lẻ Việt Nam đã nắm bắt xu hướng này và đầu tư mạnh vào khâu giới thiệu, quảng bá, bán hàng qua các kênh online như mạng xã hội, website thương mại điện tử.
Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn và sẽ càng trở nên sôi động hơn với những cuộc tranh đua khốc liệt giữa các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, phần thắng sẽ chỉ thuộc về những DN nào biết nắm bắt đúng xu hướng thị trường, đưa ra những chiến lược kinh doanh bài bản và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Liên doanh để củng cố vị thế
Cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ trở nên sôi động hơn trong năm 2013 khi hàng loạt các DN trong ngành đua nhau không ngừng mở rộng chuỗi hệ thống. Cả kẻ cũ lẫn người mới đều nhận thấy rằng, một trong những sức mạnh của nhà bán lẻ hiện đại chính là sở hữu nhiều điểm bán.
Cũng bởi, việc mở rộng điểm bán lẻ, tăng sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường giúp DN tăng khả năng chiếm lĩnh thị phần. Thực tế cho thấy, từ những ông lớn như BigC, SaigonCo.op, Metro, LotteMart, HaproMart, Satra, Fivimart… đến những anh lính mới như Hiway, OceanMart… đều chạy đua trong cuộc chiến mặt bằng để sở hữu những điểm bán phù hợp nhất.
Theo đánh giá của TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR, sự gia tăng điểm bán là do kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam mới chỉ chiếm 25% thị phần, vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan 34%; Trung Quốc 51%, Malaysia 60%, Singapore 90%...
Đáng chú ý, đây cũng là kênh mua sắm ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, với số lượng tham gia mua sắm nhiều hơn. Trong khi đó, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị và cần thêm khoảng 550 trung tâm thương mại so với hiện tại. Hiện trên toàn quốc mới chỉ có 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm, tức là cần thêm 200 trung tâm. Do vậy, chiến dịch mở điểm bán phân phối sẽ tiếp tục là xu hướng diễn ra trong năm 2014 và điều này cũng khiến cho thị trường bán lẻ trở nên sôi động hơn.
Tuy nhiên, cuộc chạy đua mở điểm bán chưa thể đem đến sức mạnh cho các nhà bán lẻ trong việc thu hút và giữ chân khách hàng. Để gia tăng thêm nguồn lực, với những hạn chế về vốn và kinh nghiệm quản trị, nhiều nhà bán lẻ đã tính đến chuyện liên doanh với các đối tác nước ngoài. Thực tế, xu hướng này đã bắt đầu được manh nha và hình thành trong các năm trước, đặc biệt phát triển mạnh trong năm 2013 khi có không ít nhà bán lẻ nội đã "bắt tay" với hãng ngoại.
Điển hình, nhà bán lẻ chiếm thị phần lớn nhất cả nước là SaigonCo.op đã liên doanh với Công ty Ntuc FairPrece - nhà bán lẻ của Singapore để mở các đại siêu thị tại Việt Nam. Hãng bán lẻ điện máy Trần Anh cũng nhận 64 tỷ đồng, tương đương 10% cổ phần từ Tập đoàn Nojima Nhật Bản… Những cuộc "hôn phối" đầy tham vọng này được kỳ vọng sẽ mang lại thêm sức mạnh cho các nhà bán lẻ trong chiến dịch mở rộng và củng cố vị trí vững chắc trên thị trường.
Theo TBNH