Trao đổi chiều 16/5, ông Đức cho biết: “HAGL đang thuê một tổ chức độc lập của quốc tế để điều tra tại các khu vực bị cáo buộc để chứng minh rằng công ty không hoạt động phạm luật. Nếu có bất cứ sai phạm nào, chúng tôi sẵn sàng sửa đổi. Tuy nhiên, tôi tự tin HAGL không làm gì sai cả. Chúng tôi không phá rừng, không mua bán gỗ và các dự án của HAGL đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động bản địa”.
Người dân tỉnh Attapeu (Lào) làm việc tại vùng cao su của HAGL ở địa phương này. |
Theo cáo buộc của GW, Tập đoàn HAGL liên quan đến việc “chặt đốn rừng nguyên vẹn trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền”. Ông trả lời cáo buộc này như thế nào?
Việc cáo buộc HAGL khai thác gỗ là hoàn toàn sai sự thật. Theo quy định tại Lào và Campuchia, gỗ trên đất làm dự án là của nhà nước, HAGL chỉ được phép thuê đất trong 50 năm.
Cụ thể, sau khi ký hợp đồng cho thuê đất, chính phủ thuê một doanh nghiệp nào đó khai thác gỗ trên đất, sau đó tổ chức bán đấu giá số gỗ khai thác. HAGL chỉ nhận đất sạch chứ không đụng vào bất cứ một cây gỗ nào. Và xin nói rõ là dù được phép tham gia đấu giá mua gỗ này nhưng HAGL đã từ chối tham gia.
Thông tin này muốn kiểm tra không khó. Chỉ cần đến Bộ lâm nghiệp các quốc gia này kiểm tra, xem họ đã ký cho doanh nghiệp nào khai thác, rồi số gỗ này đã bán cho ai...
Tôi xin khẳng định rõ HAGL không tham gia khai thác gỗ, cũng không mua gỗ tại bất cứ khu đất làm dự án nào.
Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HAGL |
Nhưng GW trưng bằng chứng cho rằng khu vực trước kia là rừng, nay là dự án?
Đã trồng cao su từ đất rừng bắt buộc phải khai hoang, chặt cây mới trồng cao su được. Nhưng những khu vực này là rừng nghèo, dự án mới được duyệt để chúng tôi trồng cao su.
Cũng xin nói thêm việc cấp đất làm dự án tại Lào và Campuchia đều thực hiện theo một quy trình cực kỳ chặt chẽ.
Trước hết, các bộ đến tận khu vực dự án để đánh giá xem đó có phải là rừng già, rừng nguyên sinh hay rừng nghèo.
Sau đó họp lại xem xét có được phép làm dự án hay không và chỉ cho phép làm dự án ở rừng nghèo. Sau khi các bộ đánh giá, hồ sơ được đưa qua Thủ tướng xem xét, đồng ý phê chuẩn cho dự án thực hiện thì Bộ kế hoạch - đầu tư mới phê duyệt.
GW cũng cho rằng HAGL và các công ty liên kết đang nắm giữ hơn 47.000ha đất trồng cao su tại Campuchia, thưa ông?
Con số này cũng sai lệch hoàn toàn. Tại Campuchia, hiện HAGL chỉ có ba dự án do ba công ty riêng lẻ triển khai đúng luật với tổng diện tích 29.000ha chứ không phải 47.000ha như cáo buộc. Có một thực tế là tại Campuchia hiện có nhiều doanh nghiệp “ăn theo” tên tuổi HAGL bằng cách gắn chữ Hoàng Anh vào đầu tên công ty...
Theo cáo buộc của GW, tại các vùng dự án, người dân đang đối diện với nguy cơ nghèo đói do “cơ hội làm việc tại các đồn điền của HAGL thường rất hạn chế...”?
Tôi xin lấy tỉnh Attapeu (Lào) làm bằng chứng để cho thấy cáo buộc này là hoàn toàn sai sự thật. Trước khi HAGL đầu tư vào Attapeu năm 2008, đây là tỉnh nghèo nhất tại Lào, người dân chủ yếu làm nghề săn bắn hái lượm.
Tuy nhiên hiện nay Attapeu là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 30% mỗi năm. Đặc biệt, địa phương này đã được đầu tư điện, đường, trường, bệnh viện... khá hoàn chỉnh.
Trong đó HAGL đã xây tặng 2.000 căn nhà cùng nhiều trường học, bệnh viện, chưa kể hàng chục ngàn người dân địa phương có được việc làm.
Cũng xin nói thêm là theo quy định tại Campuchia và Lào, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 15% lao động nhập khẩu, còn lại là lao động tại địa phương.
Với mỗi dự án trồng cao su khoảng 10.000ha, chúng tôi cần 4.000-5.000 lao động, nếu không sử dụng lao động địa phương thì chúng tôi lấy người đâu để làm.
Thực tế chúng tôi chỉ đưa những lãnh đạo, công nhân kỹ thuật qua để điều hành dự án (được chính quyền địa phương cấp phép), hơn 90% lao động tại các dự án ở Campuchia và Lào đều là người địa phương. Do đó, không thể nói người dân địa phương không có cơ hội làm việc tại các dự án cao su của HAGL.
Ông bình luận gì về cáo buộc HAGL đã hối lộ cho một nhóm quyền lực tại các quốc gia này để lấy dự án?
Đây là cáo buộc mang tính bôi nhọ đối với các chính phủ này. HAGL chỉ là một doanh nghiệp trong số hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư vào hai quốc gia này, nếu có muốn chúng tôi cũng chẳng có khả năng để vận động được nhằm lấy dự án.
Nói thẳng là HAGL không đủ khả năng làm điều đó, cũng không cho phép mình làm điều đó.
Hơn nữa, cả Lào và Campuchia đều đang có nhiều chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư nước ngoài, miễn thuế 6-7 năm để kéo doanh nghiệp vào đầu tư.
Chính phủ các nước này cần mình hơn chứ, họ trải thảm mời mình vào thì làm sao bảo rằng mình đút lót để lấy dự án. Đây là những cục xương chứ không phải là những cục thịt. Nói thật, đầu tư vào Campuchia và Lào tôi chẳng mất đồng nào, trừ các chi phí đi lại.
Nhưng những cáo buộc của GW ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến HAGL?
Chắc chắn là có ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của HAGL rồi. Hiện HAGL có khoảng 30.000 nhân viên, lao động tại VN, Lào và Campuchia, chưa kể hàng chục ngàn cổ đông.
Những thông tin tiêu cực này chắc chắn sẽ gây hoang mang cho họ vì lo sợ chúng tôi làm trái pháp luật như cáo buộc. Bằng chứng là sau khi thông tin được GW tung ra ngày 13/5, giá cổ phiếu HAGL đã giảm mạnh.
Nhưng sau hai phiên giảm liên tiếp, cổ phiếu HAGL đã phục hồi vì dư luận rồi cũng biết chúng tôi không làm gì khuất tất, mờ ám cả. Mà có muốn giấu giếm thông tin cũng không được vì chúng tôi là công ty đại chúng, chưa kể các dự án lên tới hàng chục ngàn hecta chứ phải nhỏ đâu mà giấu giếm.
Campuchia chỉ trích báo cáo của Global Witness Campuchia vừa lên tiếng chỉ trích báo cáo của Global Witness và cáo buộc tổ chức này có “mưu đồ chính trị” chống lại chính quyền Phnom Penh. Đài RFA dẫn lời người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan khẳng định báo cáo của Global Witness là một âm mưu chính trị chống lại Chính phủ Campuchia. Ông nhấn mạnh theo chính sách phát triển nông nghiệp nhà nước, Chính phủ Campuchia không chỉ cấp đất cho các công ty Việt Nam để phát triển kinh tế mà còn cho cả các công ty vừa và nhỏ trong nước. Ông Phay Siphan cho biết việc giao đất cho các công ty dựa trên hai yếu tố cơ bản là khả năng đầu tư tài chính và năng lực chuyên môn của các công ty này. Và mục tiêu của Chính phủ Campuchia là hiện đại hóa ngành nông nghiệp để giảm nghèo và phát triển kinh tế. “Báo cáo của Global Witness không có ích lợi gì cho Campuchia. Đây không phải là một đối tác giúp ngăn chặn tội phạm lâm nghiệp”. Ông Phay Siphan cũng tuyên bố Global Witness là một “tổ chức môi trường đối lập với Chính phủ Campuchia”. Theo trang web Globalwitness.org, Global Witness là một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1993. Mục tiêu hành động là phản ánh nạn khai thác cạn kiệt tài nguyên tự nhiên, nghèo đói, tham nhũng, tình trạng vi phạm nhân quyền... trên toàn thế giới. Global Witness có trụ sở tại London (Anh) và Washington DC (Mỹ). |
Theo Tuổi Trẻ