Đầu tuần này, tổ chức hoạt động vì môi trường Global Witness (GW) công bố báo cáo mang tên "Các Ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Campuchia và Lào".
Theo đó, tổ chức này cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) “có liên quan đến việc chặt đốn khu rừng nguyên vẹn trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền, trái với các quy định của pháp luật”.
Trước cáo buộc này, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức tỏ ra bức xúc và cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ và chỉ nhằm quảng cáo tên tuổi cho GW.
Trao đổi với PV, Trưởng nhóm Chiến dịch Tài nguyên đất của GW - Megan MacInnes khẳng định những thông tin và kết luận trong báo cáo được xây dựng dựa trên ba nguồn khác nhau.
Thứ nhất là bản điều tra ý kiến người dân địa phương sống gần khu đất trồng cao su, thuộc các chi nhánh của HAGL hoặc công ty liên quan tại Campuchia và Lào. Bên cạnh đó, ảnh chụp vệ tinh cho thấy trước khi HAGL được phân đất, nơi này vẫn là khu rừng được pháp luật Campuchia và Lào bảo vệ. Phần rừng sau đó đã biến mất.
Ảnh chụp vệ tinh do Global Witness cung cấp, vào thời điểm tháng 1/2011vẫn còn rừng và tháng 2/2013 đã biến mất. |
"Bằng chứng quan trọng nhất là bản cáo bạch do chính HAGL công bố khi niêm yết ở sàn chứng khoán London, trong đó tập đoàn thừa nhận hoạt động kinh doanh tại Lào, Campuchia chưa hoàn toàn phù hợp với luật pháp các nước sở tại. Đặc biệt, HAGL cũng nêu trong báo cáo về việc một số dự án đang triển khai chưa có giấy phép cần thiết cũng như sự chấp thuận của chính phủ các nước", Trưởng nhóm Chiến dịch Tài nguyên đất của GW - Megan MacInnes nói. Bản cáo bạch cũng được HAGL công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore vào tháng 5/2011.
Megan MacInnes là một trong các tác giả của báo cáo “Các ông trùm cao su” (Rubber Barons).
"Với bằng chứng rõ ràng ở ngay cáo bạch tập đoàn, chúng tôi không hiểu tại sao ông Đoàn Nguyên Đức lại phủ nhận hoạt động trái phép tại Lào và Campuchia", bà nói.
Trước đó, bầu Đức cho biết đã trả lời 49 câu hỏi Global Witness đưa ra để mời tổ chức này sang Việt Nam thảo luận trực tiếp vào tháng 5, tuy nhiên tổ chức này đã không tới. Đại diện GW không đề cập đến cuộc gặp mặt vào tháng 5, chỉ cho biết đã hồi âm lời mời của HAGL và sẽ đến Việt Nam vào tháng 6. Thêm vào đó, vị này tiết lộ GW đã tới Việt Nam tháng 8/2012, gặp trực tiếp đại diện HAGL và Tổng công ty Cao Su Việt Nam, trình bày các bằng chứng và đề nghị hai công ty có biện pháp giải quyết mâu thuẫn với người dân địa phương, kinh doanh đúng pháp luật.
Trao đổi với PV chiều 15/5, Chủ tịch HAGL – ông Đoàn Nguyên Đức tiếp tục phủ nhận và cho rằng những cáo buộc đó "quá nặng nề, trong khi thực tế không phải như vậy nên chúng tôi cũng không thể nhận”.
Theo bầu Đức, những cáo buộc Global Witness đưa ra là quá nặng nề. |
Theo bầu Đức, HAGL chưa từng thừa nhận việc không tuân thủ pháp luật tại Lào và Campuchia. Những phần mà GW đề cập đến nằm trong bản cáo bạch là do một công ty luật của Anh thực hiện. “Đó là điều được cảnh báo với nhà đầu tư về rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Nhưng hiện tại những điều này cũng không xảy ra”, bầu Đức khẳng định.
Trong mục “Các yếu tố rủi ro” trang 15, 16 và 113 của cáo bạch, HAGL cho biết mặc dù hoạt động kinh doanh đang đáp ứng các quy định hiện hành của nước sở tại về trồng và khai thác rừng, song tập đoàn không thể lường trước rủi ro khi chính sách thay đổi. Tập đoàn cho biết thực tế các nước này thường xuyên cập nhật và thay đổi chính sách về trồng và khai thác rừng.
Mặt khác, vào thời điểm công bố cáo bạch, một số dự án HAGL đang phát triển mà chưa có đầy đủ các loại giấy phép cần thiết của Chính phủ. Nhưng tập đoàn khẳng định đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, giấy tờ cho các dự án của mình.
Ngoài ra, Chủ tịch HAGL cũng cho rằng các lập luận GW đưa ra thông qua ảnh vệ tinh không thể chính xác. Khu đất đã được Chính phủ Lào, Campuchia quy hoạch và cho phép tập đoàn khai hoang. Như vậy khi HAGL tiếp nhận cải tạo và phát triển kinh tế, diện tích cây cối trước đó buộc phải trở thành rừng cao su.
Các loại gỗ quý trong rừng, HAGL cũng không được phép đụng tới theo quy định pháp luật tại Lào và Campuchia. “Tài nguyên gỗ là tài sản quốc gia của họ, chúng tôi chỉ có quyền thuê đất 50 năm trồng cao su trên đó. Đến nay chúng tôi chưa bị xử phạt lần nào vì vi phạm pháp luật, lại còn được Chính phủ khen ngợi vì công tác xã hội tốt”, bầu Đức giải thích.
Về cuộc gặp hồi tháng 8/2012, bầu Đức khẳng định chưa từng làm việc trực tiếp với đại diện nào từ phía GW. “Có thể họ gặp một nhân viên nào đó trong tập đoàn, nhưng như thế không thể coi là đại diện của HAGL được. Ban lãnh đạo cao cấp hay người phát ngôn của chúng tôi cũng chưa từng gặp gỡ GW mà chỉ mới làm việc qua thư từ”, Chủ tịch HAGL chia sẻ.
Bầu Đức cho biết rất muốn hợp tác và sẵn lòng gặp GW để xử lý vấn đề. “Chúng tôi không bao giờ muốn chống đối, mà chống đối cũng không có lợi cho HAGL. Nếu thực sự HAGL không đúng, chúng tôi sẽ chấp nhận và tìm cách cải thiện ngay. Nếu cần, chúng tôi sẽ mời thêm tổ chức lớn am hiểu về môi trường trên thế giới để cùng làm việc”, bầu Đức tâm sự.
Chiều 15/5, một nguồn tin từ VRG cho biết doanh nghiệp được Chính phủ Campuchia ký kết giao đất đàng hoàng. “Trước khi chúng tôi nhận đất, các cơ quan ban ngành đã làm việc và mời người dân đến, chúng tôi cũng tuân thủ những quy định của pháp luật Campuchia”, nguồn tin cho hay. Theo nguồn tin này, báo cáo của GW không ảnh hưởng nhiều đến VRG. |
Theo VnExpress