Nội dung trên được nêu trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Theo đó, Chính phủ yêu cầu thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng ở mức hợp lý, tạo điều kiện đạt mục tiêu tăng trưởng 12%.
Lãi suất huy động liên tục giảm thời gian qua. |
Hiện nhiều doanh nghiệp than phiền vẫn phải tiếp cận vốn với chi phí đắt dù lãi suất huy động thời gian qua liên tục hạ. Trần lãi suất huy động hiện nay là 7,5% một năm nhưng vẫn có những khoản vay tại ngân hàng được tính với lãi suất 12-15% một năm. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng vẫn đang hưởng lợi nhuận lớn từ mức chênh lệch lãi suất này.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, phó tổng một ngân hàng quốc doanh giải thích, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra được các ngân hàng tính toán theo phương thức bình quân gia quyền các khoản cho vay ngắn, trung và dài hạn. Hơn nữa, rất nhiều khoản cho vay hiện nay đã được huy động từ trước đó vài tháng với mức lãi suất cao.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng - Học viện Ngân hàng cũng cho rằng lợi nhuận biên của nhiều nhà băng không tính theo cách lấy lãi suất cho vay trừ đi lãi suất huy động. "Theo tính toán, nghiên cứu của chúng tôi, trong vòng 10 năm qua, chênh lệch lãi suất cao nhất cũng chỉ 3,5%. Riêng trong năm 2012, mức chênh lệch bình quân là gần 2,2%", ông Trung lấy dẫn chứng.
Ngoài chỉ đạo yêu cầu giảm chênh lệch lãi suất huy động và cho vay, trong phiên họp này Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp cũng được chỉ thị đẩy nhanh tiến độ.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu thầu vàng và nhiệm vụ kiềm chế lạm phát cũng như hoàn thiện việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Theo VnExpress