Các mối lo ngại xung quanh vấn đề "do thám" của phóng viên hãng tin Bloomberg đã trở thành tâm điểm cuối tuần trước, khi Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng có thể là nạn nhân. Ngày 10/5, scandal nổ ra khi phóng viên hãng này bị phát hiện từng sử dụng Bloomberg Terminal - dịch vụ theo dõi thông tin tài chính phổ biến tại Wall Street, để "giám sát" hoạt động của nhân viên Goldman Sachs.
CEO Bloomberg - Daniel Doctoroff sau đó đã ra thông báo cho biết việc truy cập của phóng viên với dịch vụ này đã bị hạn chế từ trước đó. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều khách hàng khác bày tỏ lo ngại họ có thể từng là mục tiêu theo dõi của Bloomberg.
Bloomberg Terminal là dịch vụ được sử dụng phổ biến tại Wall Street. Ảnh: BI |
JP Morgan nghi ngờ họ là nạn nhân với thắc mắc Bloomberg đã sử dụng thông tin từ Terminal thế nào khi theo đuổi vụ án về Bruno Iksil – người bị đổ lỗi gây ra thiệt hại 2 tỷ USD cho ngân hàng này năm ngoái.
Kể cả FED cũng cho biết: "Chúng tôi đang điều tra sự việc và sẽ liên lạc với Bloomberg để tìm hiểu thêm". Theo Reuters, một nguồn tin từ Bộ Tài chính Mỹ cũng tiết lộ cơ quan này có thể đang rà soát liệu các nhân viên của họ có bị Bloomberg bí mật theo dõi hay không. Một nhân vật có vai vế trong làng tài chính Mỹ cho hay Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đang điều tra về vấn đề này.
Cho đến hết ngày 10/5, chưa khách hàng nào của Bloomberg hủy đăng ký dịch vụ vì scandal trên. Tuy nhiên, sự việc cũng ảnh hưởng đáng kể đến danh tiếng của hãng.
Bloomberg có nguồn thu kha khá từ việc bán Bloomberg Terminal cho hơn 300.000 ngân hàng và tổ chức tài chính trên thế giới. Phần lớn người dùng được nhận diện bằng tên, và thông tin được gửi đến cho họ cũng được cá nhân hóa tối đa theo nhu cầu.
Chính vì vậy, biết được loại thông tin khách hàng muốn theo dõi sẽ giúp các phóng viên có những nhận định vô giá. Những thông tin đó có thể là loại cổ phiếu hay trái phiếu nào đang được các khách hàng cấp cao theo dõi. Phóng viên thậm chí còn biết được khi nào người dùng đăng nhập và tần suất sử dụng dịch vụ.
Trong một thông báo gửi nhân viên ngày 10/5, Doctoroff thừa nhận đây là một "sai lầm" khi cho phép phóng viên tiếp cận "các dữ liệu quản lý của khách hàng". Hãng còn chỉ định Steve Ross làm Giám đốc giải quyết khiếu nại dịch vụ.
Ngoài ra, một bài báo đăng tải trên trang tin Buzzfeed hôm qua (12/5) cũng cho hay các lãnh đạo Bloomberg đã biết trước mối nguy này từ năm 2011. Vấn đề sau đó được giải quyết nội bộ khi các nhân viên cấp cao đồng ý đóng chức năng cho phép phóng viên tiếp cận dữ liệu khách hàng.
Theo VnExpress