Đây là một trong những chỉ đạo khá mới và cụ thể của Chính phủ so với các nghị quyết trước đó. Suốt thời gian qua, nội dung nghị quyết thường tập trung vào yêu cầu hạ lãi suất (LS) cho vay. Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) thì luôn khẳng định khoảng cách giữa LS huy động và cho vay là phù hợp với khả năng huy động vốn, kinh doanh, cũng như mục tiêu lợi nhuận, năng lực quản trị của các NH thương mại. Thậm chí, tuần trước, Thanh tra Giám sát NHNN cũng khẳng định toàn hệ thống NH đang kinh doanh kém hiệu quả, nhiều NH thua lỗ.
Theo số liệu từ cơ quan này, ước tính từ số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, năm 2012 các tổ chức tín dụng đã trả lãi tiền gửi, tiền vay khoảng 408.000 tỉ đồng. Trong khi đó, thu lãi cho vay từ nền kinh tế khoảng 420.000 tỉ đồng. Khoản chênh lệch thu chi toàn ngành NH trong năm 2012 ước đạt hơn 20.000 tỉ đồng.
|
Chênh lệch bất hợp lý
Tuy nhiên nhiều chuyên gia dẫn số liệu cho rằng các NH đang huy động vào thấp, còn cho vay ra rất cao. Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của NHNN, hiện tại LS huy động phổ biến đối với tiền gửi không kỳ hạn 1-2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng từ 6 - 7,5%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 9,5 - 10,5%/năm. Ở phía đầu ra, LS cho vay ngắn hạn của các NH thương mại đối với sản xuất kinh doanh thông thường, kỳ hạn ngắn từ 11 - 13%/năm (NH thương mại nhà nước) và từ 12 - 15%/năm đối với NH cổ phần. Còn lãi suất trung - dài hạn từ 13 -16%/năm.
Các mức LS trên đã có sự thay đổi nhất định. Từ ngày 10/5, NHNN đã đi trước một bước khi quyết định cắt giảm LS cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) từ 11%/năm xuống còn 10%/năm. Đồng thời, NHNN cũng kêu gọi các NH thương mại giảm LS cho vay các khoản nợ cũ có LS cao trên 15%/năm xuống còn 13%/năm.
Tuy nhiên, với các mức LS huy động - cho vay kể cả trước và sau khi cắt giảm, theo TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, khoảng cách chênh lệch vẫn còn khá lớn. Nếu xét về cơ cấu kỳ hạn huy động ngắn cho vay ngắn, huy động dài cho vay dài thì có thể thấy các NH thương mại hiện huy động kỳ hạn ngắn với LS 6 - 7,5%/năm trong khi cho vay ra 11 - 13%/năm, khoảng cách này từ 5 - 6%/năm. Đối với kỳ hạn dài, NH huy động 9,5 - 10%/năm, cho vay ra 14 - 16%/năm, khoảng cách được duy trì ở mức 4,5 - 5%/năm.
TS Kiêm cho rằng để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận NH thường duy trì chênh lệch này ở mức 2,5 - 3%/năm. Như vậy, việc NH duy trì khoảng cách cao gấp đôi là chưa hợp lý, phản ánh việc các NH dùng nguồn vốn huy động chưa hiệu quả, chi phí quản lý hệ thống còn cao.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư, cho rằng khoảng cách này không phải bây giờ mới cao, mà đã diễn ra trong khoảng thời gian rất dài trước đó. Sở dĩ như vậy vì NH nào cũng muốn huy động vào thấp, cho vay ra cao đảm bảo được mức lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, trước những khoản nợ xấu khổng lồ hiện tại, cũng như bộ máy cồng kềnh và năng lực quản trị yếu kém của nhiều NH cỡ vừa và nhỏ, vấn đề đáng lo ngại theo TS Doanh, liệu các NH có chấp nhận cắt giảm các chi phi đó, ăn “bớt lãi” đi để thu hẹp khoảng cách theo chỉ đạo của Chính phủ hay không?
Trao đổi với PV, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng nhìn nhận việc Thủ tướng chỉ đạo giảm chênh lệch LS huy động - cho vay về mức hợp lý. Đó là vì trên thực tế NHNN vừa qua giảm LS huy động, nhưng LS cho vay lại chưa giảm tương xứng, vẫn còn ở mức cao. “Cái quan trọng là phải giảm LS đầu ra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, còn để như hiện tại doanh nghiệp rất khó cạnh tranh”, TS Ngoạn nói.
Giảm tối thiểu 30% chi phí hội họp, đi nước ngoài Cùng tại Nghị quyết tháng 4, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phải rà soát, sắp lại các nhiệm vụ chi, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên 7 tháng còn lại trong dự toán năm 2013 (không bao gồm các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi cho con người theo chế độ…). Đặc biệt, phải tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí chi cho việc tổ chức hội họp, đi nước ngoài. Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng cho phép phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, mở rộng quốc lộ 1A (tuyến Hà Nội - Cần Thơ) và quốc lộ 14 cũ (đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên). |
Theo Thanh Niên