Lương thấp, sao vẫn “chạy” vào làm Nhà nước?

Thứ bảy, 11/05/2013, 10:01
Nhấn mạnh con số 12,6 triệu đồng/năm của mức lương tối thiểu chính thức năm 2012, ông Jairo Acuña Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính công (thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam) đã đưa ra câu hỏi trên tại buổi tọa đàm do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức sáng 10/5.
chạy chức
Xoay quanh các vấn đề về tài chính - ngân sách của Việt Nam trong năm 2013 và định hướng trong thời gian tới, việc cải cách tiền lương được đặt ra với không ít băn khoăn.

Xoay quanh các vấn đề về tài chính - ngân sách của Việt Nam trong năm 2013 và định hướng trong thời gian tới, việc cải cách tiền lương được đặt ra với không ít băn khoăn.

Bởi, theo ông Jairo Acuña Alfaro, dù mức lương hiện nay quá thấp để đảm bảo cuộc sống, nhưng đã là một gánh nặng đáng kể cho ngân sách nhà nước khi đã chiếm đến khoảng 7% tổng chi tiêu.

Và trên thực tế, để xin được việc ở cơ quan nhà nước không ít người vẫn phải đưa tiền “lót tay”. Nhiều người nói chả biết làm gì mà lại muốn có công việc ổn định, nên cố “chạy” vào cơ quan nhà nước, vị cố vấn bình luận.

Ông cũng chỉ ra nguyên nhân tiếp theo là ngoài lương thì công chức còn có nhiều khoản thu nhập khác, cả trong và ngoài ngân sách. Từ hai nguyên nhân này đặt ra vấn đề hiệu suất làm việc và cơ cấu lương, tạo ra sân chơi không công bằng trong tuyển dụng. Đồng thời khiến cho cán bộ công chức luôn ở tâm thế phải tìm kiếm nguồn thu nhập bổ sung.

Chính phủ cần nỗ lực và chú trọng hơn đến việc giải trình và giám sát chặt chẽ các nguồn thu nhập bổ sung, bao gồm cả việc xiết chặt việc thẩm tra kê khai tài sản, ông Jairo Acuña Alfaro khuyến nghị.

Lương tối thiểu thì 12,6 triệu đồng/năm song không có công chức nào nhận mức lương đó, bởi nếu tốt nghiệp đại học thì mức lương khởi điểm đã là 2,34 rồi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trao đổi.

Theo ông Lợi, tiền lương tối thiểu từ 1993 đến nay năm nào cũng tăng, cứ chỉ số giá tiêu dùng tăng lên là lương cũng được điều chỉnh, nhưng đời sống thực lại không tăng. Vì thế, tiền lương chưa thể đóng vai trò đòn bẩy thúc đẩy năng suất lao động. Giống như “người bệnh cần uống 10 thang thuốc mới khỏi bệnh, nhưng chỉ đủ tiền cắt 6 thang thôi thì không đủ sức khỏe được”.

Bên cạnh nguyên nhân GDP liên tục giảm thì việc ngân sách đang phải gánh quá nhiều đối tượng cũng được ông Lợi nhìn nhận là “lực cản” của cải cách tiền lương.

Đề xuất được ông đưa ra là cần tách bạch các khoản chi cho chính sách xã hội ra khỏi chi cho tiền lương. Tiền lưương khu vực doanh nghiệp cần áp theo Bộ luật Lao động, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của họ và phù hợp với cung cầu lao động của thị trường. Bên cạnh đó rất quan trọng là cần trả lương phải theo vị trí việc làm.

Ngay ở các cơ quan của Quốc hội, có những vị ở cương vị phó chủ nhiệm các ủy ban mấy khóa liền, nhưng tiền lương còn thua cả những ủy viên thường trực mới trúng cử. Vì khi trúng cử, các vị này đang nắm giữ trọng trách ở địa phương, như ở trong ban thường vụ tỉnh ủy chẳng hạn, nên khi về cơ quan mới lương vẫn giữ nguyên ở mức cao.

Phó giám đốc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, ông Bakhodir Burkhanov cũng cho rằng cần xem lại cơ cấu lương nên phụ thuộc vào thâm niên hay chất lượng công việc. Và cải cách tiền lương cần phải song song với cải cách hệ thống bảo trợ xã hội, vì các thành phần chính sách đang chiếm tỷ trọng do đặc thù ở Việt Nam.

Bên cạnh tiền lương, nhiều vấn đề khác của chính sách tài chính - ngân sách cũng được bàn thảo tại buổi tọa đàm. Theo TS. Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, nhìn chung thu chi ngân sách năm 2013 khá tương đồng với năm 2012, với khoản thâm hụt ngân sách ước khoảng 4% GDP.

Nhận xét tốc độ cải cách kinh tế hiện nay rất chậm trong khi mức độ phục hồi phụ thuộc rất nhiều vào quá trình này, đại diện IMF cho rằng nếu cải cách mạnh mẽ thì dư địa tài khóa sẽ cao hơn, thâm hụt ngân sách thấp hơn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quá trình cải cách sẽ rất tốn kém trong khi ngân sách lại eo hẹp. Hiện ngân sách chưa bố trí khoản nào cho cải cách cả, nhưng nếu quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế thì phải đặt ra và xem xét nghiên cứu vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã nhấn mạnh.

 
Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn