Miền Trung đang sôi động với dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội. |
Trong chuyến làm việc vừa qua, Bình Định và phía chủ đầu tư PTT đã thống nhất được những nội dung gì xung quanh dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội?
Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi đã nêu ra nhiều câu hỏi mà một số Bộ, ngành Việt Nam quan tâm về dự án lọc, hóa dầu quy mô lớn này. Phía chủ đầu tư đã trình bày dự án tiền khả thi. Họ cũng nói rõ là nguồn dầu thô đầu vào cho dự án sẽ nhập khẩu từ các nước Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ.
Lâu nay nhà máy lọc dầu của họ ở Thái Lan đang nhập dầu thô từ các đối tác ở những nước nói trên vẫn diễn ra bình thường, không có gì trở ngại. Về sản phẩm đầu ra, chủ đầu tư cam kết tính toán, cân đối kỹ cung, cầu của các nhà lọc dầu tại Việt Nam để cân nhắc tỷ lệ % giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài.
Từ nay đến 20/5, PTT khẳng định sẽ hoàn chỉnh dự án tiền khả thi, đề nghị tỉnh đăng ký lịch làm việc để cuối tháng 5 có thể giải trình trước Chính phủ về dự án này. Nếu được chấp thuận chủ trương, đến tháng 7 tới, PTT tiếp tục lập dự án khả thi, nghiên cứu chi tiết về dự án cũng như cụ thể hóa vấn đề thu xếp vốn để tiếp tục báo cáo Chính phủ.
Thu xếp hơn 27 tỷ USD vốn cho dự án đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Phương án cụ thể được nhà đầu tư đưa ra như thế nào, vốn đối ứng của phía Việt Nam ra sao?
Về vấn đề thu xếp vốn, PTT đưa hai hướng, với tỷ lệ vốn vay là 50% hoặc 60%. Số còn lại là vốn tự có, trong đó họ bỏ ra 5 tỷ USD trong cả 2 trường hợp, còn lại là huy động từ đối tác trong và ngoài nước. Hiện, chủ đầu tư vẫn chưa chốt phương án cuối cùng, do đó chưa thể tính toán được cụ thể vốn đối ứng trong nước là bao nhiêu. Tuy nhiên, tổng vốn cho nhà máy khoảng 27 - 28 tỷ USD.
Bình Định kỳ vọng dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội sau chuyến công tác Thái Lan trở về. |
Bình Định đánh giá như thế nào về phương án thu xếp vốn này?
PTT là Tập đoàn Dầu khí thuộc Chính phủ Thái Lan có tổng tài sản hơn 55 tỷ USD, tính đến hết năm 2012, do vậy tôi nghĩ phương án thu xếp vốn của họ đã được tính toán kỹ. Phía chủ đầu tư cũng như chúng tôi tin tưởng, khi triển khai dự án lọc, hóa dầu Nhơn Hội với công suất 30 triệu tấn mỗi năm ở Bình Định sẽ có nhiều đối tác Thái Lan tham gia góp vốn. Sau chuyến công tác vừa rồi, một số doanh nghiệp cũng đã nhận lời tới Nhơn Hội để khảo sát, tìm hiểu kỹ hơn.
Vậy lộ trình thực hiện dự án sẽ ra sao thưa ông?
Nếu thuận lợi, Chính phủ đồng ý, PTT thiết kế dự án để đến đầu năm 2016 bắt đầu xây dựng nhà máy. Dự kiến đến cuối năm 2019 hoàn thành và đầu năm 2020 đưa vận vận hành chế biến khoảng 20 dòng sản phẩm lọc, hóa dầu khác nhau, chủ yếu là để xuất khẩu.
Với một địa phương còn nhiều khó khăn như Bình Định, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng tiếp nhận, quản lý một dự án lớn như vậy là quá sức?
Giống như câu chuyện vốn, việc PTT chọn Bình Định để đầu tư dự án lọc, hóa dầu đã được họ nghiên cứu rất kỹ, dựa trên nhiều lợi thế sẵn có của địa phương. Ngoài ra, Khu kinh tế Nhơn Hội đã chuẩn bị sẵn mặt bằng, hạ tầng sạch nên khi nhà đầu tư vào là có thể xây dựng nhà máy được ngay không tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian. Tỉnh đã bố trí khoảng 2.000 ha đất cho chủ đầu tư thuê với giá ưu đãi 10 - 15 USD mỗi m2 trong thời gian 50 năm.
Còn về việc quản lý, nếu được cấp phép, tỉnh sẽ mời chuyên gia, tuyển chọn cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm, đưa đi đào tạo cán bộ trẻ để trở về làm việc. Chúng tôi cũng sẽ có một Ban quản lý riêng để theo dõi, quản lý dự án quy mô lớn này.
Ông đánh giá như thế nào về tác động của dự án này đối với thu hút FDI tại Bình Định?
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Định những năm gần đây có nhiều diễn biến tích cực. Riêng Khu kinh tế Nhơn Hội đã thu hút được 37 dự án, trong đó có 11 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 32.520 tỷ đồng.
Nếu dự án lọc, hóa dầu được triển khai, khu kinh tế này sẽ được lấp đầy 100% diện tích. Trong đó khu phi thuế quan giành cho dự án lọc dầu còn khu công nghiệp dành cho các cụm phân xưởng công nghệ hóa dầu. Theo tôi, dự án này không chỉ tác động thay đổi lớn cơ cấu kinh tế Bình Định mà còn có vai trò tạo động lực thúc đẩy nền công nghiệp chung trong tương lai gần.
Theo VnExpress