Thúc đẩy tín dụng: “Khi xăng đã rẻ nhưng xe không thể chạy”

Thứ hai, 13/05/2013, 09:25
Cuối tuần qua, ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm một loạt lãi suất chủ chốt, giúp các ngân hàng thương mại có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay vốn, song “cửa ra” tín dụng vẫn mờ mịt.
hạ lãi suất

Trước mắt, Việt Nam sẽ tiếp tục phải dựa vào xuất khẩu để tăng tổng cầu. Trong ảnh: Sản phẩm ruột thanh long hữu cơ sấy lạnh xuất khẩu của công ty cổ phần nông nghiệp GAP. 

Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng cho rằng “tín dụng cũng không bế tắc lắm đâu”, khi cho biết, ngân hàng phải xin vượt room tăng trưởng tín dụng 12% vì đã tìm được nhiều dự án cho vay là công trình trọng điểm.

Cuối tháng 3 vừa qua, ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiếp tục cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay thêm 100 triệu USD, nâng tổng giá trị vốn vay của doanh nghiệp lên 200 triệu USD. Có thể nói, hợp đồng tín dụng với Vietnam Airlines đã giúp Eximbank thúc đẩy đáng kể tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù đều nằm lòng định hướng “tìm khách hàng tốt, dự án tốt” để cho vay, song để tìm được những khách hàng, dự án như ở LienVietPostBank và Eximbank không dễ chút nào, bởi lẽ, thị trường có được một ít “khách tốt” thì ngân hàng nào cũng “thèm muốn”, giành nhau cho vay.

Nói “thèm muốn” cũng không ngoa, trong bối cảnh vốn đầu ra tắc nghẽn suốt từ năm ngoái, kéo dài đến gần nửa đầu năm 2013 mà vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, dù cũng trong bằng ấy thời gian, thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm khá nhanh, mạnh của lãi suất tín dụng.

Cuối tuần trước, ngân hàng Nhà nước quyết định giảm thêm 1%/năm một loạt lãi suất chủ chốt, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm thêm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng đều không quá kỳ vọng vào công cụ lãi suất trong thúc đẩy tín dụng, bởi họ đều đã mạnh tay giảm lãi suất từ trước đó; song từ đầu năm tới nay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống vẫn ì ạch dưới 2%.

Nhiều việc ngoài khả năng

Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước, cho rằng, nếu so sánh sự vận hành của doanh nghiệp như một cỗ xe thì lãi suất tín dụng là giá xăng. Để cỗ xe đó chạy được, chiếc xe đó phải tốt, chí ít là không hỏng hóc; người lái xe phải có đủ sức, đủ khả năng điều khiển, con đường phải đi được… Nền kinh tế hiện nay trong tình trạng xăng đã giảm giá rất nhanh, mạnh, nhưng đường tắc, nhiều cỗ xe đã hỏng hóc, rệu rã; người điều khiển xe cũng ốm yếu… nên dù xăng đã giảm và kể cả rẻ nữa, xuống 0 đồng thì cũng khó bán ra được!

Ông Phước nhấn mạnh: “Các ngân hàng đã làm hết sức: Cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, tìm kiếm khách hàng… song để thúc đẩy tín dụng, cần những biện pháp ngoài khả năng của hệ thống, trong đó quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế”.

Tín dụng ưu đãi cũng ế

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần – gần đây tung ra gói tín dụng ưu đãi gần chục ngàn tỉ đồng, thừa nhận: Sau gần hai tháng triển khai, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng gần như vẫn dậm chân tại chỗ. Ông giải thích: Đa phần khách hàng vay để đảo nợ, nghĩa là vay mới để hưởng lãi suất thấp và trả nợ cũ đang phải trả lãi suất cao hơn.

Đại diện lãnh đạo ngân hàng ACB, cũng cho biết, ngay cả các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng cũng “ế”. Vietcombank, mặc dù luôn là ngân hàng dẫn đầu “phong trào” giảm lãi suất cho vay vốn, song cũng trong tình trạng “muốn cho vay mà doanh nghiệp không vay vì không biết vay để làm gì!”

Chính vì vậy, Vietcombank mới đây đã mạnh tay đưa lãi suất huy động xuống dưới mức trần của NHNN, mà theo tổng giám đốc Nguyễn Phước Thanh, là để “doanh nghiệp bớt gửi tiền ngân hàng mà rút vốn ra làm ăn, giảm bớt áp lực cho ngân hàng”.

“Quan hệ tín dụng của ngân hàng với doanh nghiệp giờ được ví như cọc đi tìm trâu”, phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPost Bank Nguyễn Đức Hưởng so sánh một cách hình ảnh.

Theo ông, trâu tức khách hàng được tạm phân làm ba loại: Trâu ngửi cọc có thơm không mới đến – là nhóm những doanh nghiệp chuyên gửi tiền, có tiềm lực tài chính rất mạnh; trâu xem cọc có chơi được hay không – là những doanh nghiệp có khả năng phát triển và đang cần vốn; và trâu mà “lãi suất nào cũng vay, vay xong mới xin hạ lãi suất”. “Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm trâu loại một và loại hai”, ông Hưởng nói.

Quá trình hồi phục sẽ chậm

Theo HSBC Việt Nam, nhờ có lạm phát chậm lại, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thể giảm lãi suất chính sách thêm 100 điểm.

Tuy vậy, vấn đề tăng trưởng tín dụng trì trệ ở Việt Nam không phải do cung mà do cầu. Để có thể nâng cầu tín dụng, NHNN sẽ cần khôi phục lòng tin và giải quyết vấn đề nợ xấu. Trừ khi một kế hoạch cụ thể và chắc chắn để cải tổ lĩnh vực ngân hàng và khu vực nhà nước được công bố, Việt Nam sẽ tiếp tục dựa vào xuất khẩu để tăng tổng cầu và quá trình hồi phục sẽ diễn ra chậm chạp.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn