HDBank “nuốt” DaiABank

Thứ hai, 13/05/2013, 14:11
Tin đồn Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) sáp nhập với Ngân hàng Đại Á (DaiABank) nay đã dần trở thành sự thật khi tại Đại hội cổ đông HDBank cuối tháng 4 vừa qua, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank, thừa nhận Ngân hàng đang tìm hướng sáp nhập với DaiABank. Vậy sau sáp nhập, hai ngân hàng này sẽ được gì và mất gì?

HDBank mạnh hơn so với DaiABank cả về quy mô lẫn hoạt động kinh doanh và là đơn vị chủ động sáp nhập. Chắc chắn thương vụ này sẽ mang lại sức mạnh đáng kể cho HDBank. Ngân hàng mới mặc dù có quy mô tổng tài sản chỉ ở mức trung bình nhưng vốn điều lệ của nó lại được cho là ở mức cao trong khối các ngân hàng.

Đó là chưa kể đến việc HDBank có thể tiếp cận được khách hàng và khối doanh nghiệp truyền thống trên địa bàn Đồng Nai mà DaiABank có thế mạnh. Trong đó, có cả cổ đông lớn của DaiABank là Công ty Tín Nghĩa và Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Nai.

Bên cạnh việc bổ sung sức mạnh tài chính, sáp nhập cũng giúp HDBank phát triển mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, vốn là mảng ngân hàng này đang chú trọng phát triển.

sáp nhập ngân hàng
Chủ trương sáp nhập DaiABank với HDBank đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua.

Năm 2012, HDBank đã triển khai khá rầm rộ hoạt động bán lẻ và có được một số thành công nhất định. Cả huy động vốn và cho vay khách hàng cá nhân đều tăng mạnh. Nhưng năm này, chỉ có thêm 1 chi nhánh được thành lập. Bằng cách sáp nhập với DaiABank, số điểm giao dịch của HDBank sẽ tăng lên.

Tương tự trường hợp sáp nhập giữa SHB với Habubank. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB, thừa nhận một trong những cái lợi lớn của SHB giai đoạn hậu sáp nhập chính là việc mạng lưới kinh doanh được mở rộng.

Trong khi cổ đông của HDBank vui mừng khấp khởi, cổ đông của DaiABank có vẻ như là những người buồn nhất vì thương hiệu DaiABank sẽ bị mất đi sau sáp nhập và tỉ lệ nắm giữ cổ phần của họ sẽ bị giảm xuống. Còn về nhân sự, câu chuyện này có thể nhìn rõ từ vụ Habubank sáp nhập vào SHB. Khi đó, cơ cấu và hoạt động nhân sự vẫn giữ nguyên như bộ máy của SHB, kể cả ban quản trị và ban điều hành.

Nhưng để được sở hữu DaiABank, HDBank sẽ phải vất vả. Bởi DaiABank cũng là một ngân hàng hoạt động khá ổn định trước năm 2012 và không nằm trong diện buộc phải tái cấu trúc cho dù là một ngân hàng quy mô nhỏ. Vì thế, DaiABank có vị thế thỏa thuận khác hơn nhiều so với Habubank, vốn không có nhiều sự lựa chọn.

Bởi vậy, thị trường xuất hiện một số thông tin bên lề cho rằng HDBank đang âm thầm cố gắng kiểm soát DaiABank. Nhưng HDBank và DaiABank đều chưa niêm yết nên mọi chuyện sẽ khó kiểm chứng hơn. Đáng chú ý là gần đây, ACB, một cổ đông lớn của DaiABank, đã công bố việc thoái vốn khỏi ngân hàng này.

Cho đến bây giờ hầu như chắc chắn thương vụ này sẽ diễn ra với chủ trương sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua, tuy chưa biết theo chiều hướng nào. Trước mắt, công việc đầu tiên khi sáp nhập sẽ phải là xử lý và tái cơ cấu những khoản nợ xấu của cả hai bên. Xử lý nợ và tài sản như thế nào là một dấu hỏi lớn cho sự thành công của các thương vụ sáp nhập ngân hàng, ngoài yếu tố giá cả.

Một thách thức khác HDBank phải giải quyết là việc cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh với số vốn điều lệ được coi là khá lớn trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Đó còn là việc đồng bộ văn hóa doanh nghiệp và văn hóa làm việc của hai bên. Đây là một yếu tố quyết định cho việc ngân hàng mới sáp nhập có hoạt động tốt hay không. 

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn