Trực tiếp ĐHCĐ: Chủ trương sáp nhập HDBank và DaiABank đã được NHNN chấp thuận

Thứ năm, 25/04/2013, 15:21
Cổ đông cho rằng, cổ tức giảm thì thù lao cho HĐQT cũng nên giảm và ngân hàng cần cân nhắc việc thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài với kinh phí tới hàng trăm nghìn USD.

11h20, Đại hội tiến hành thông qua các tờ trình, báo cáo và kết quả bầu cử

Đại hội đồng cổ đông đã thông qua toàn bộ 11 tờ trình và báo cáo.

Về kết quả bầu cử, bà Nguyễn Thị Tâm được bầu vào HĐQT với tỷ lệ 99,4%; bà Nguyễn Thị Tích được bầu vào BKS với tỷ lệ 99,5%. 

sáp nhập HDBank DaiABank

10h20, Đại hội bước vào phiên thảo luận

Tại Đại hội năm ngoái, ngân hàng có đặt kế hoạch lên sàn chứng khoán. Hiện tại kế hoạch đó thực hiện như thế nào?

Bà Lê Thị Băng Tâm, chủ tịch HĐQT cho biết, do diễn biến thị trường xấu và hoạt động của ngân hàng cũng chưa như kỳ vọng, trong khi thị trường chứng khoán lại đang thiếu thanh khoản, nên việc niêm yết có nhiều bất lợi; sẽ không đạt hiệu quả cao nên HĐQT thận trọng.

Sau khi thực hiện tái cơ cấu và tăng quy mô, làm xong mô hình quản trị mới, có đối tác chiến lược mới thì niêm yết sẽ kỳ vọng giá của HDBank sẽ được cao.

Kế hoạch sáp nhập ngân hàng như thế nào?

Bà Lê Thị Băng Tâm cho biết, đúng là HDBank và DaiABank đã có kế hoạch, chủ trương đã được NHNN đồng ý. Hai bên đang hoàn tất thủ tục và khi nào thành công sẽ báo cáo chi tiết tới cổ đông.

HĐQT xin hứa, phương án mà sẽ làm cho HDBank tốt lên thì HĐQT mới thực hiện, còn nếu không thì sẽ không thực hiện.

Bà Phương Thảo bổ sung thêm, hiện HĐQT đang tích cực, có trách nhiệm triển khai phương án hợp tác, hợp nhất, sáp nhập với Đại Á sau khi đã được NHNN ủng hộ về chủ trương.

Cổ đông cho rằng, mức thù lao dành cho HĐQT nên giảm và về ngang mức của các năm trước, do cổ tức trả cho cổ đông năm 2012 không được như 12% đã đề ra, mà chỉ thanh toán 7%. HĐQT nên chia sẻ với cổ đông vì lợi ích của ngân hàng?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT cho rằng, do nhu cầu phát triển theo chuẩn mực ngày càng khắt khe của ngành tài chính, cũng như quy định của NHNN về việc mời các thành viên HĐQT độc lập tham gia vào HĐQT để hoạt động minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Năm 2013, ngân hàng dự kiến tăng 2 tỷ quỹ thù lao cho HĐQT, BKS so với năm trước. Nguồn quỹ này sẽ chi trả cho các thành viên chuyên trách sẽ mời thêm và tham gia quản trị ngân hàng. HĐQT có mời các chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín, người nước ngoài có kinh nghiêm.

Ngoài ra, HĐQT cũng rất cân nhắc trong việc sử dụng quỹ này. HĐQT mong cổ đông thông qua việc sử dụng quỹ thù lao như vậy để dự phòng cho việc mời các chuyên gia.

Theo bà Thảo, thu nhập của một chuyên gia nước ngoài khoảng từ 200.000 - 500.000 USD/năm, tức trên dưới 10 tỷ/chuyên gia/năm.

Liên quan đến chỉ tiêu cổ tức không đạt kế hoạch. HĐQT đã được ủy quyền điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, năm qua, HĐQT đã quyết định điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận và chia cổ tức cho phù hợp diễn biến thực tế.

Để thể hiện sự nghiêm túc, minh bạch, HĐQT và Ban điều hành đã quyết định trích các nguồn cho việc giải quyết nợ xấu, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Hiện nay, ban lãnh đạo ngân hàng đang đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, khi thu được tiền này thì sẽ hoàn nhập vào trả cho cổ đông.

Trong bối cảnh thực tế của ngành ngân hàng năm 2012, lợi nhuận và cổ tức của các ngân hàng cũng rất thấp. Trong báo cáo gần nhất của NHNN chi nhánh TP.HCM, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng thành phố đã giảm 96% trong năm 2012. HĐQT mong cổ đông chia sẻ và cam kết sẽ tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh, hoạt động rủi ro chặt chẽ, linh hoạt.

Một cổ đông có hỏi, vấn đề lớn yêu cầu HĐQT là phải bảo toàn vốn và đảm bảo cổ tức cho cổ đông.  Ngoài ra, việc thuê chuyên gia nước ngoài phải cân nhắc, nếu thuê tư vấn hết hàng trăm ngàn USD, thì họ phải đem về cho ngân hàng nhiều hơn thế. Ngân hàng cũng nên xem lại các nguồn tài trợ, để vì cổ đông, vì lợi ích ngân hàng chứ không phải có tiền muốn làm gì thì làm?

Bà Lê Thị Băng Tâm, chủ tịch HĐQT cho rằng yêu cầu của cổ đông là rất chính đáng. Các thành viên HĐQT cũng phải có trách nhiệm cao và vì quyền lợi của cổ đông.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng rất khó khăn, thậm chí “thảm hại”, một số ngân hàng phải tìm kiếm đối tác để sáp nhập, HDBank đã đạt được kết quả rất khả quan so với mặt bằng chung.

Năm 2013, ngành ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn, HDBank đang nỗ lực đưa từ vị trí top 15 lên tốp 10, bằng việc mua lại một công ty tài chính và sáp nhập với một ngân hàng.

Trong bối cảnh như vậy, các khoản chi phí phải cao, phải đầu tư. Chúng ta phải thuê chuyên gia giỏi để họ giúp chúng ta hoàn thành các mục tiêu, còn đòi hỏi một chuyên gia mang lại lợi nhuận ngay lập tức là điều không thể.

Chúng ta tái cấu trúc năm nay, và sẽ thu lại lợi ích những năm sau. Cổ tức những năm sau cũng sẽ được đặt trong bối cảnh cụ thể của từng thời kỳ. Tôi e rằng, tình hình sẽ còn khó khăn đến năm 2014.

Cổ đông nên chia sẻ với ngân hàng. HĐQT chỉ cam kết sẽ đưa quy mô của ngân hàng lên lớn hơn, an toàn hơn và lợi nhuận cao hơn.

10h00, Đại hội tiến hành bầu cử bổ sung thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2012 - 2016

Bà Nguyễn Thị Tâm được đề cử vào HĐQT. Bà Tâm sinh năm 1956 và có 35 năm làm việc tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (từ 1977 - 2012), trong đó là ủy viên HĐQT Vietcombank từ năm 1999 - 2011. Năm 2012, bà Tâm làm tư vấn cho HĐQT ngân hàng này và hiện đã nghỉ hưu.

Bà Nguyễn Thị Tích được đề cử vào Ban kiểm soát. Bà Tích sinh năm 1950, đã từng làm việc tại các Chi nhánh NHNN tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên. Bà Tích nguyên là Phó/Tổng giám đốc Techcombank giai đoạn từ năm 1997 - 2006. Từ năm 2007, bà chuyển sang công tác tại HDBank với chức vụ Trưởng ban đại diện khu vực phía Bắc của ngân hàng.

...........................

Sáng nay 25/4, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013.

Tham dự đại hội có đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM là ông Tô Duy Lâm. Có 296 cổ đông có mặt tại đại hội, sở hữu hơn 475,5 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 95,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại Đại hội lần này, HDBank sẽ trình cổ đông một loạt các tờ trình, trong đó đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến hoạt động M&A.

Theo đó, HDBank có kế hoạch tiếp cận nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đồng thời sáp nhập, M&A một ngân hàng khác vào HDBank. Ngân hàng cũng có kế hoạch mua lại 100% vốn chủ sở hữu của một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng để trở thành công ty của HDBank.

Về mua lại công ty tài chính

Ban lãnh đạo HDBank cho biết, xu hướng phát triển tài chính tiêu dùng tại các nước đang phát triển là rất mạnh, song so với các nước, tỷ lệ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất thấp so với khu vực. Các chuyên gia đánh giá lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh mẽ trong 2 – 3 năm tới. Do đó, nắm bắt cơ hội này, HDBank đã đặt ra chiến lược phát triển mạnh mảng ngân hàng bán lẻ và tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng.

Về tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài

Theo báo cáo của HĐQT, hiện HĐQT đã thuê công ty tư vấn chuyên nghiệp để triển khai tìm đối tác chiến lược nước ngoài.

Hiện HĐQT đã tiếp xúc và làm việc với các đối tác đến từ Nhật Bản và Anh Quốc. Các tập đoàn này đều có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và muốn mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường Việt Nam. HĐQT đang trong giai đoạn đàm phán và các đối tác này đều thể hiện quan tâm sâu sắc về việc hợp tác với ngân hàng.

Về mua lại một ngân hàng khác

HĐQT đã thuê công ty tư vấn chuyên nghiệp đánh giá phân tích khả năng sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các đối tác tiềm năng phù hợp, đồng thời xây dựng phương án M&A theo quy định của pháp luật. Khi có điều kiện phù hợp, HĐQT sẽ báo cáo phương án và tờ tình để xin HĐQT quyết định

(Tiếp tục cập nhật)

 Theo TTVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích