Ai tiêu thụ số vàng này, và vì sao giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới 6-7 triệu đồng/lượng?
Thùng không đáy
Với mức giá trung bình 42-43,5 triệu đồng/lượng, ước tính tổng trị giá số vàng mà NHNN tung ra thị trường lên đến hơn 1.500 tỉ đồng, bằng nửa vốn điều lệ của một ngân hàng (NH) thương mại loại nhỏ.
Giám đốc một công ty kinh doanh vàng tại TP.HCM ước lượng trên 90% số vàng đấu thầu của NHNN do các NH mua để bù đắp lại số vàng huy động trong dân cư trước đây và đã bán ra để lấy VND. Số ít còn lại là các công ty kinh doanh vàng đã mua, nhưng trong số này nhiều công ty là sân sau của các NH nên thực chất vàng cũng chảy về túi NH chứ không được đưa ra thị trường.
Loại doanh nghiệp nhỏ khỏi cuộc chơi đấu thầu Theo một số công ty vàng, hiện nay NHNN đã nâng khối lượng đặt thầu tối thiểu lên mức 1.000 lượng, tương đương 42 tỉ đồng, chưa kể phải chuyển trước một ngày nên cuộc chơi đấu thầu vàng gần như chỉ còn các NH và vài công ty vàng lớn như AJC, DOJI, PNJ. Trong khi những doanh nghiệp nhỏ chỉ có vốn khoảng 100 tỉ đồng nhưng nằm hết trong hàng hóa, nên việc huy động được một lúc 42 tỉ đồng là chuyện bất khả thi, chưa kể NHNN còn có lệnh cấm các NH cho các công ty vàng vay tiền để tham gia đấu thầu vàng. |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói với điều kiện mà NHNN đưa ra, trong đó tỉ lệ đặt thầu tối thiểu từ 500 đến 1.000 lượng tùy phiên, những doanh nghiệp nhỏ không thể nào có lực để tham gia đấu thầu.
Để tham gia doanh nghiệp phải có số vốn 20-40 tỉ đồng, chỉ những ông lớn đang cần mua vàng để bù đắp trạng thái mới có đủ lực tham gia. Lãnh đạo một NH từng nói vui rằng chỉ cần NHNN thông báo đấu thầu, ông có thể biết trước được đơn vị nào sẽ thắng thầu vì đã quá biết NH nào cần mua vàng, số lượng bao nhiêu.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, chủ tịch Công ty vàng Agribank (AJC), nhận định trong 11 phiên đấu thầu qua, lực mua chính xuất phát từ các NH cổ phần. Họ mua để bù đắp lại số vàng huy động của dân mà trước đây họ đã bán ra để lấy tiền đồng, nay phải mua để trả lại cho người gửi vàng trước thời điểm 30/6. Do vậy, dù NHNN bán ra số vàng rất lớn nhưng số vàng này không ra được thị trường mà nằm trong dự trữ của các NH để chi trả cho người gửi tiết kiệm.
Như vậy thực chất thị trường vàng không được tăng nguồn cung nên giá vàng trong nước không thể thu hẹp cách biệt với giá vàng thế giới.
Theo ông Trúc, trước đây có thông tin các NH cần phải mua 20 tấn vàng để đóng trạng thái. Nếu con số này chính xác, các NH vẫn còn thiếu gần 8 tấn vàng để chi trả cho dân do đến nay NHNN chỉ mới bán ra 12,1 tấn. “Có thể sau ngày 30/6, khi các NH đóng trạng thái xong thì NHNN sẽ đưa việc bình ổn thị trường vàng thành mục tiêu chính khi thực hiện đấu thầu” - ông Trúc nói.
20 tấn vàng hay nhiều hơn thế?
Chưa bao giờ NHNN chính thức đề cập số vàng thực chất mà các NH buộc phải mua trước hạn chót phải tất toán trạng thái là ngày 30/6. Tuy nhiên, số liệu của một số NH cho thấy con số này không hề nhỏ.
Trong báo cáo gửi đến cổ đông của mình, NH SCB cho biết trong năm 2012 đã mua tổng cộng 63.987 lượng vàng để giảm trạng thái âm nguồn. Tuy nhiên tính đến 31/12/2012, tổng trạng thái âm nguồn vàng của SCB vẫn còn 247.031 lượng và NH này phải tiếp tục mua vàng vật chất trong thời gian tới hướng đến đóng trạng thái hoàn toàn trong năm 2013 theo chủ trương của NHNN.
Còn số liệu của NHNN TP.HCM, tổng nguồn vốn bằng vàng của các NH trên địa bàn là hơn 1,6 triệu lượng, trong đó tính riêng tiền gửi bằng vàng của khách hàng là 664.776 lượng, tương đương 25 tấn. Số vàng giữ hộ cũng khoảng 24,7 tấn. Số vàng huy động này phải trả lại cho khách hàng chậm nhất vào ngày 30-6.
Đến nay chỉ có một số ít NH hoàn tất việc đóng trạng thái. Nhiều NH vẫn phải miệt mài mua từ nguồn đấu thầu của NHNN.
Tổng giám đốc một NH tại TP.HCM nói những năm trước khi bị áp lực thanh khoản tiền đồng, NH đã phải bán ra để chuyển một lượng vàng thành VND và sử dụng vàng làm tài sản thế chấp để vay vốn liên NH. Việc này vào thời điểm đó được NHNN cho phép, nhưng nay chính sách thay đổi và NH đang phải trả giá. Ngay cả NH hoàn tất việc đóng trạng thái cũng vẫn phải mua vào để hỗ trợ khách hàng vay vàng chuẩn bị đáo hạn.
Đến cuối ngày 24/4, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 6,32 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 42,22 triệu đồng/lượng.
Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho rằng việc đấu thầu thực chất chỉ nhằm giải quyết việc đóng trạng thái cho các NH chứ không thể bình ổn được thị trường ngay cả sau thời điểm 30-6 khi các NH hoàn tất việc đóng trạng thái.
Theo ông Hải, các NH bán vàng một năm trước khi vàng ở mức giá 41-42 triệu đồng/lượng, lấy tiền đồng cho vay với lãi suất có thời điểm lên đến hơn 20%/năm rõ ràng đang lời. “NHNN nên công khai các NH đang bị âm trạng thái và đề nghị tất toán ngay đợt này, không cần chờ đến 30/6. Bên cạnh đó NHNN cần kiểm soát chặt, tránh trường hợp NH lạm dụng ôm vàng chờ giá lên để bán” - ông Hải đề nghị.
“Dự báo sẽ bình ổn sau ngày 30/6” Sau 11 phiên tung ra bán hơn 12 tấn vàng, NHNN vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới mà ngược lại, khoảng cách ngày càng nới rộng, từ mức chênh lệch 3 triệu đồng/lượng vào phiên đấu giá vàng đầu tiên ngày 28/3, đến ngày 24/4 đã lên đến 6,29 triệu đồng/lượng. Một quan chức NHNN thừa nhận phần lớn số vàng được bán ra thời gian qua được các ngân hàng mua để tất toán số dư vàng huy động trước ngày 30/6. Đây cũng là lý do mà giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh nhau khá lớn. Theo vị này, thị trường cần có độ trễ nhất định, khi số vàng được đấu thầu ra thị trường, cung cầu sẽ cân bằng. Mức chênh lệch giá trong nước và thế giới sẽ giảm. “Thị trường vàng trong nước được dự báo sẽ bình ổn sau ngày 30/6. Lúc đó, khoảng cách giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới” - vị này nói. |
Theo Tuổi Trẻ