Những tin đồn liên quan đến tiền xuất hiện trong vài năm gần đây phần lớn đều dựa trên một vấn đề có thật xảy ra trước đó.
Gần đây nhất, tin đồn Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi tiền râm ran trên thị trường khi Ban soạn thảo Hiến pháp đưa ra ý kiến đổi tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn trước đó, cuối năm 2011, khi lạm phát bắt đầu leo thang, Ngân hàng Nhà nước chính thức phá giá đồng Việt Nam 9,3% bằng cách nâng tỷ giá liên ngân hàng từ 18.932 đồng/USD lên mức 20.693 đồng, trên thị trường cũng lan truyền thông tin sẽ đổi tiền và phát hành tờ 1 triệu đồng.
Điểm chung của nhiều tin đồn là đều có xuất phát điểm từ những nguồn không chính thức. Tin đồn sẽ đổi tiền khi đổi tên nước ban đầu được một số trang mạng đưa tin, ngay sau đó, lan truyền nhanh tới mức trên thị trường, tỷ giá đôla Mỹ bất ngờ nhảy vọt, bất chấp ngày cuối tuần và đang ở kỳ nghỉ lễ giỗ tổ 10/3.
Tỷ giáUSD/VND trên thị trường tự do ở Hà Nội có lúc đã lên tới 21.500 đồng - mức cao đột biến trong nhiều tháng trở lại đây. Còn trước đó, thông tin sẽ đổi tiền cộng với việc phát hành tờ 1 triệu đồng xuất hiện năm 2011 cũng do một số trang mạng đăng tải, sau đó lan truyền rộng rãi, “đến tai” giới truyền thông và cơ quan hữu quan.
Thất thiệt và không có cơ sở, song những tin đồn liên quan đến tiền trong thời gian vừa qua vẫn có "đất sống" một phần nhiều là do tâm lý yếu, ít tin tưởng vào đồng Việt Nam của một bộ phận người dân. |
Trước những sự việc đó, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng bác bỏ. Với thông tin đổi tiền khi đổi tên nước, sau bài phỏng vấn với một quan chức thuộc Vụ quản lý Ngân hàng Nhà nước xuất hiện, đến chiều 22/4, văn bản công khai với nội dung đó là tin đồn thất thiệt và khuyên người dân nên bình tĩnh được đưa ra.
Còn trước đó, với tin đồn phá giá Việt Nam đồng sẽ dẫn tới đổi tiền, phát hành tờ 1 triệu đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, đó hoàn toàn là thông tin bịa đặt, không có cơ sở.
Bình luận về các tin đồn liên quan đến tiền tại Việt Nam diễn ra trong thời gian qua, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng, cần phải hiểu những tin đồn đó hoàn toàn không có cơ sở. Vị này đánh giá cao sự phản ứng nhanh của Ngân hàng Nhà nước trước mỗi tin đồn, đặc biệt là tin sẽ đổi tiền diễn ra trong những ngày vừa qua.
“Tâm lý người Việt mình khá yếu, nếu không nói là thường xuyên nghe và hành động kiểu ‘té nước theo mưa’, do đó, nhiều khi bị lợi dụng chỉ vì những tin tức vô căn cứ, vô hình trung làm lợi cho những đối tượng tung tin đồn”.
Ông này cũng cho biết, một số tin đồn xuất hiện từ cơ sở các sự việc thực tế, nhưng chiếu ra hoàn cảnh kinh tế, xã hội tại thời điểm đó đều không thể là sự thật, nên hoàn toàn không tin được.
Vị chuyên gia cũng nói thêm, tại Việt Nam, trong thời gian qua, đồng Việt Nam có giá hơn, song sức hấp dẫn của nhiều kênh đầu tư khác như vàng, USD cũng không nhỏ. Do đó, để tạo biến động, giới đầu cơ khôn ngoan có thể tung ra một số tin đồn thất thiệt để tạo lợi ích cho mình, đánh vào tâm lý yếu đuối của một bộ phận người dân để “thổi” cái mà họ định “thổi”.
“Tin đồn luôn gắn với con người, và nếu suy nghĩ logic một chút với những thông tin kiểu đổi tiền khi đổi tên nước, phát hành tờ 1 triệu đồng khi lạm phát tăng… chẳng ai không ‘có vấn đề’ lại đi tin để rồi làm lợi cho một nhóm người nào đó”, ông kết luận.
Còn theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính đã từng có thời gian làm ngân hàng ở Mỹ, trong nền kinh tế có độ mở ít, thông tin không thông thoáng và đầy đủ, cơ quan chức năng không đưa nhiều tin tức thì việc xuất hiện tin đồn là hiện tượng tất yếu.
Khi hiểu được đó là những tin đồn vô căn cứ, không có thật, người dân và nhà đầu tư cần phải bình tĩnh để không bị “lợi dụng” bởi những kẻ tung ra các tin đồn này.
“Ngay với tin đồn Ngân hàng Nhà nước đổi tiền xuất hiện trong những ngày vừa qua và bị bác bỏ, nghe cũng biết đó chỉ là sự đồn thổi vô căn cứ vì chẳng có lý do gì để đổi tiền ở thời điểm này khi mà tất cả các mệnh giá được sử dụng khá hữu hiệu, giá trị đồng Việt Nam đang ổn định”, chuyên gia nói trên nhận định.
Từng có kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, ông Hiếu bày tỏ, thị trường tài chính nước này cũng có những tin đồn, chủ yếu liên quan đến một số kế hoạch, động thái lên xuống của lãi suất.
Ở những nền kinh tế có độ mở cao hơn, tin đồn chủ yếu xuất hiện với mục đích “làm giá” cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhưng cũng dễ kiếm chứng hơn do hệ thống thông tin mở không giới hạn. Do đó, việc các cơ quan lên tiếng để dập tắt tin đồn sau khi xuất hiện, theo chuyên gia này, là điều cần thiết trước khi nó gây nên hậu quả xấu.
Theo Infonet