Những mẩu tweet khuynh đảo kinh tế thế giới

Thứ năm, 25/04/2013, 07:11
Tin bịa đặt Obama bị thương trên Twitter làm chứng khoán Mỹ "bốc hơi" 136 tỷ USD, giá dầu thô tăng vọt và tỷ phú Abramovich mất hơn 130 triệu USD trong một ngày.

Trên tiểu blog Twitter, tất cả các thông tin, dù thật hay giả, đều được lan truyền rất nhanh chóng. Mỗi lượt "retweet" (đăng lại) càng khiến tin tức được nhiều người tiếp cận và gây ra những hệ quả khó lường với thế giới thật.

1h7 phút chiều 23/4 (giờ New York), chứng khoán Mỹ chao đảo bởi thông tin giả về hai vụ nổ bom tại Nhà Trắng khiến Tổng thống Obama bị thương, đăng trên tài khoản Twitter của hãng thông tấn AP. Chỉ trong ba phút, thị trường chứng khoán Mỹ đã bốc hơi gần 136,5 tỷ USD.

S&P 500 phục hồi vài phút sau đó, khi AP thông báo tài khoản của họ đã bị lấy cắp và chẳng có vụ nổ nào cả. Chốt phiên, chỉ số này tăng 1%. Dow Jones cũng mất 145 điểm vì tin tức trên. Cổ phiếu các công ty lớn như Exxon Mobil, Apple, Johnson & Johnson và Microsoft đều giảm 1% trong hai phút.

tin đồn
Chứng khoán Mỹ chao đảo vì tin đồn đánh bom tại Nhà Trắng. Ảnh: Bloomberg

Đây không phải lần đầu tiên thị trường thế giới chao đảo vì một tin tức được lan truyền trên Twitter. Tháng 8 năm ngoái, đoạn tweet về việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể "bị giết hoặc bị thương" đã khiến giá dầu thô ngay lập tức tăng thêm 1 USD, lên hơn 92 USD một thùng. Nguyên nhân là các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng ở Trung Đông sẽ gia tăng, đe dọa nguồn cung dầu mỏ.

Tài khoản này còn cập nhật không chỉ Tổng thống mà cả vợ ông cùng hai người khác cũng thiệt mạng. Thông tin sau đó bị phát hiện do một phóng viên Italy giả mạo Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev. Anh giải thích mục đích của mình chỉ là chứng minh mạng xã hội không hề đáng tin cậy.

Cuối tháng 3 năm nay, tin đồn tỷ phú Nga Roman Abramovich bị FBI bắt giữ ở New York (Mỹ) cũng lan truyền chóng mặt trên Internet. Một vài website tại Nga đã đưa tin trước khi tung lên Twitter. Sau đó, cả đại diện tỷ phú Nga và FBI đều lên tiếng phủ nhận.

Dù vậy, sự việc cũng khiến cổ phiếu Công ty Thép Evraz của Abramovich giảm 6% trên sàn chứng khoán London (Anh), trước khi hồi phục 3,4% ngày hôm sau. Theo ước tính, tỷ phú Nga đã mất khoảng 132 triệu USD vì tin tức này.

Không chỉ tin giả mạo, ngay cả thông báo thật trên Twitter cũng có khả năng gây biến động lớn trên thị trường. Vài tuần trước, CEO Elon Musk của hãng sản xuất ôtô Tesla (Mỹ) cũng cho biết trên Twitter rằng họ sắp thông báo một tin "cực kỳ thú vị". Việc này đã khiến cổ phiếu Tesla tăng gần 3% chỉ trong 15 phút. Vài ngày sau, tin tức trên hóa ra chỉ là một chương trình hỗ trợ mua hàng gây tranh cãi.

Tháng 6/2011, Bill Gross - giám đốc quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO từng dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tung gói nới lỏng định lượng (QE3) vào tháng 8/2011. Đoạn tweet sau đó đã bị xóa đi. Tuy nhiên, nó cũng khiến chứng khoán Mỹ khởi sắc đáng kể khi Dow Jones tăng gần 50 điểm trong vòng nửa tiếng.

Susan Etlinger, nhà phân tích tại Altimeter Group (Mỹ) cho rằng đây chính là sự nguy hiểm của truyền thông xã hội. Tuy nhiên, theo bà, việc đó không có nghĩa là phải từ bỏ hoàn toàn truyền thông vì đây là công cụ quan trọng với các doanh nghiệp. "Con người chỉ cần áp dụng các biện pháp kiểm duyệt thông tin hiệu quả hơn mà thôi", Etlinger nói.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn