12h30: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình
12h10: Vấn đề về các khoản nợ liên quan đến ông Kiên vẫn thu hút khá nhiều sự quan tâm và tiếp tục bị chất vấn.
Theo ý kiến của một cổ đông, dư nợ cho vay liên qua đến ông Kiên 9.400 tỷ đồng, trong khi vốn tự có của ngân hàng ở mức 13.000 tỷ đồng. Như vậy khoản vay này đã chiếm tỷ trọng 75% vốn tự có và lớn hơn tỷ lệ 25% theo quy định của Luật các TCTD.
Trả lời cổ đông về việc này, ông Toàn cho biết cơ cấu khoản vay liên quan đến ông Kiên bao gồm 3 phần nợ vay, trái phiếu và khoản phải thu, trong đó nợ vay chiếm khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo luật các TCTD cũ, khoản vay đối với cá nhân và tổ chức liên quan không vượt quá 60% và không bao gồm các khoản trái phiếu, khoản phải thu. Trong khi Luật TCTD mới có hiệu lực từ 01/01/2011 quy định tỷ lệ này là 25% bao gồm cả trái phiếu và khoản phải thu.
Tuy nhiên, quy định này không hồi tố các khoản vay đã phát sinh trước thời điểm có hiệu lực. Do đó, khoản vay này không vi phạm theo quy định. HIện ACB vẫn đang khắc phục và tìm biện pháp thu hồi, giảm dần số dư nợ vay này.
12h00: Cổ đông chất vấn việc trở lại HĐQT của ông Trần Mộng Hùng có khiến ACB trở lại cơ chế gia đình trị không?
Ông Julian Fong Loong Choon - Thành viên HĐQT cho biết cơ cấu thành viên HĐQT bao gồm một số thành viên độc lập nhằm đảm bảo hoạt động minh bạch của HĐQT.
Cũng liên quan đến gia đình ông Hùng, cổ đông có ý kiến HĐQT quản trị ngân hàng dựa vào cơ sở nào để đưa một người trẻ tuổi như ông Trần Hùng Huy đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ông Julian Fong Loong Choon cho biết, tuổi tác không giải thích cho sự thông minh. Lý lịch của ông Huy đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại ACB và ngân hàng khác. Điều quan trọng cần chú ý là các thành phần trong HĐQT.
Tại ACB, cơ cấu HĐQT bao gồm nhiều thành phần có kinh nghiệm từ nhiều ngành khác nhau trong lĩnh vực ngân hàng cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà không chỉ chú trọng về mặt tuổi tác. Ông Julian Fong tin tưởng vào hiệu quả làm việc của HĐQT ngân hàng.
11h17: ACB đã hoàn thành việc tất toán trạng thái kinh doanh vàng
Ông Toàn cho biết sẽ không còn lỗ tiềm năng trong lĩnh vực này.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng miếng trong thời gian gần đây, tính đến ngày 15/04, ACB đã có lợi nhuận đạt tỷ lệ 17%.
11h10: Thoái toàn bộ vốn khỏi 5 ngân hàng
Về sở hữu chéo tại ngân hàng, ACB đã thoái toàn bộ số cổ phần tại Eximbank (EIB), mang về khoản lãi cho ngân hàng và sẽ hạch toán vào năm 2013.
ACB cũng đã thoái vốn khỏi DaiABank, đang làm thủ tục chuyển nhượng sang tên và khoản đầu tư này cũng có lời.
Khoản đầu tư vào KienLongBank hiện ACB cũng đang làm thủ tục chuyển nhượng và ACB cũng có lãi.
Tại VietBank, ACB hiện còn nắm tỷ lệ dưới 5% và cũng sẽ thoái vốn tại ngân hàng này.
Với bối cảnh kinh doanh hiện tại, ACB sẽ thoái hết vốn đầu tư vào các TCTD khác và tập trung vào hoạt động kinh doanh của ACB.
Tuy nhiên, ông Toàn không công bố chi tiết về những con số lãi này.
11h00: Khoản vay của Vinalines giảm xuống còn 700 tỷ đồng, ACB vẫn nhận được lãi
Đối với khoản nợ của Thủy sản Bình An (BAF), ACB đã xử lý toàn bộ, bán nợ và thu hồi toàn bộ.
Về khoản vay của Vinalines đang giảm dần xuống còn 700 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo, hiện Vinalines vẫn trả một phần lãi cho ACB.
Khoản vay của Hãng hàng không Đông Dương (ông Hà Dũng) là khá nhỏ, ACB đã trích lập dự phòng 100%.
Còn khoản tiền gửi hơn 700 tỷ đồng tại Vietinbank, ACB nhận định có khả năng thu hồi đầy đủ và các cơ quan chức năng vẫn tích cực đưa vụ án ra xét xử.
10h50: Dư nợ 9.400 tỷ đồng liên quan đến ông Kiên đã thu hồi được 2.400 tỷ đồng
Trả lời thắc mắc của cổ đông về các khoản vay liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), ông Đỗ Minh Toàn – Tổng giám đốc ACB cho biết, tổng dư nợ liên quan đến ông Kiên tại ACB là 9.400 tỷ đồng với tài sản đảm bảo bao gồm số dư tiền gửi, cổ phiếu , bất động sản và vàng. Trong đó ACB đã thu hồi được 2.400 tỷ đồng.
Ông Toàn cho biết tài sản đảm bảo đủ để trả khoản nợ còn lại liên quan đến ông Kiên.
10h00: Xin ý kiến hoàn nhập 663 tỷ đồng vào lợi nhuận 2012, mua cổ phiếu quỹ
Đại diện ngân hàng trình cổ đông tỷ lệ chia cổ tức năm 2012 dự kiến 6,85% bằng tiền mặt, tương đương hơn 642 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng trình cổ đông việc hoàn nhập 663 tỷ đồng từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ vào lợi nhuận chưa phân phối 2012.
Cụ thể, trong năm 2012, ACB đã trích bổ sung vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2011 số tiền 663 tỷ đồng. Hiện nay, ACB đánh giá việc tăng vốn điều lệ không phải là nhu cầu cấp thiết. Ngân hàng dự kiến tỷ lệ an toàn vốn đến cuối năm 2013 vẫn trong mức 11,5%-12% (kể cả sau khi mua cổ phiếu quỹ), cao hơn so với mức tối thiểu 9% do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Do đó, HĐQT ACB trình cổ đông thông qua việc hoàn nhập số tiền 663 tỷ đồng nói trên vào lợi nhuận chưa phân phối năm 2012. Mục đích của việc hoàn nhập là mua cổ phiếu quỹ.
09h20: Đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng trong năm 2013
Đại diện HĐQT ngân hàng trình bày kết quả kinh doanh năm 2012 và kế hoạch hoạt động năm 2013.
Theo đó, trong năm 2012, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 784 tỷ đồng, giảm 75% so với năm 2011 và tương đương 19% kế hoạch năm. Tổng dư nợ tính đến cuối năm 2012 của ACB đạt 102.815 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2011. Tiền gửi từ khách hàng của ngân hàng giảm 24% còn 140.735 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 2,5% trong khi cuối năm 2011 là 0,89%.
HĐQT ngân hàng trình kế hoạch kinh doanh năm 2013 với tổng tài sản dự kiến tăng lên 183.000 tỷ đồng, tăng trưởng huy động khách hàng và tín dụng ở mức 12%, lợi nhuận trước thuế tập đoàn khoảng 1.800 tỷ đồng.
09h15: HĐQT ACB đưa thêm nội dung thành lập công ty kinh doanh vàng
HĐQT ngân hàng cho biết, trước đây ACB đã xin ý kiến về việc thành lập công ty kinh doanh vàng nhưng NHNN tạm thời chưa chấp thuận trong năm 2012.
Tại đại hội năm 2013, HĐQT tiếp tục xúc tiến thành lập công ty kinh doanh vàng và bổ sung vào chương trình họp.
Công ty kinh doanh vàng dự kiến sẽ hoạt động dưới loại hình công ty TNHH với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
09h00: Đại hội có sự tham dự của các cổ đông đại diện tỷ lệ 82% số cổ phần biểu quyết của ngân hàng.
Những sự kiện nóng về ACB trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013
+ 17/08/2012: ACB "đồng ý cứu" công ty của đại gia Diệu Hiền. Theo đó, ACB được cho là đã đồng ý giải chấp 8 triệu cổ phần Bianfishco mà bà Phạm Thị Diệu Hiền từng cầm cố để vay vốn. Động thái này giúp công ty hoàn tất thủ tục cấp lại giấy phép đăng ký kinh doanh.
+ 21/08/2012: Tổng giám đốc ACB - ông Lý Xuân Hải đang hợp tác với cơ quan điều tra. Đồng thời, theo cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an), ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị khởi tố về tội Kinh doanh trái phép. Bước đầu điều tra sai phạm chỉ liên quan đến ba (03) công ty trên do ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT.
+ 22/08/2012: Ông Đỗ Minh Toàn tạm điều hành ACB thay ông Lý Xuân Hải.
+ 23/08/2012: Ông Lý Xuân Hải từ nhiệm Tổng giám đốc ACB. Ông Đỗ Minh Toàn được bổ nhiệm lên làm Tổng giám đốc thay thế. Ông Hải bị bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 - Bộ Luật hình sự, thời hạn tạm giam 4 tháng kể từ ngày 23/8/2012.
+ 18/09/2012: Chủ tịch Trần Xuân Giá và 2 Phó Chủ tịch đồng loạt từ nhiệm HĐQT (ông Lê Vũ Kỳ và ông Trịnh Kim Quang).
+ 25/10/2012: Ngân hàng mẹ ACB công bố quý 3/2012 bất ngờ lỗ ròng 496 tỷ đồng. Do hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng bị lỗ nặng nên trong quý 3/2012, ACB bất ngờ báo lỗ 496 tỷ đồng.
+ 15/12/2012: Bộ Công an đề nghị truy tố siêu lừa Huyền Như, ACB thiệt hại hơn 700 tỷ đồng.
+ 26/12/2012: Sau nhiều biến cố về pháp lý, ACB đã tìm được 4 thành viên HĐQT mới. Ngày 26/12, ĐHĐCĐ bất thường của ACB đã thông qua bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT thay thế những người cũ đã bị khởi tố. Theo đó, ông Trần Mộng Hùng, ông Nguyễn Thành Long, ông Đàm Văn Tuấn và ông Trần Trọng Kiên sẽ chính thức tham gia HĐQT ACB nhiệm kỳ 2008 – 2012.
+ 04/01/2013: Buộc ACB bàn giao hội sở chính đang thuê cho chủ cũ. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín vừa ký văn bản số 6497/UBND-PCNC ngày 15/12/2012 giải quyết khiếu nại của bà Vương Thị Khanh và ông Phan Bình liên quan đến căn nhà 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3).
+ 27/03/2013: Điều tra bổ sung vụ lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như.
Theo VietStock/Finfonet