Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Ngân hàng Á Châu (Mã CK: ACB), ngân hàng này đã cho 6 công ty mà ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) là Chủ tịch hoặc là thành viên Hội đồng quản trị vay hơn 3.511 tỷ đồng. Trong đó, một công ty trong nhóm 6 công ty này đang bị điều tra từ bên ngoài từ hồi tháng 8/2012, sau khi ông Kiên bị bắt giữ. Hiện cơ quan chức năng đang tìm kiếm thông tin liên quan đến các giao dịch và số dư giữa ACB với các công ty này.
Ngoài khoản cho vay trên, ACB còn có số dư đầu tư vào chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn và khoản phải thu khác với 6 công ty của bầu Kiên. Tại ngày 31/12/2012, các khoản tiền này lần lượt tương đương 2.450 tỷ và 1.167 tỷ đồng.
6 công ty của bầu Kiên nợ ACB khoảng 7.400 tỷ đồng. |
Bên cạnh đó, nhà băng này còn một khoản lãi phải thu từ trái phiếu do 3 trong số 6 công ty của bầu Kiên phát hành đến hạn với số tiền tổng cộng trên 287 tỷ đồng. Khoản lãi này đã đến hạn thanh toán nhưng ACB đã gia hạn cho tới năm 2015 và 2018.
Theo báo cáo, tổng dư nợ 7.415 tỷ đồng nêu trên đều có tài sản thế chấp và phía ngân hàng cũng cho biết đã có thỏa thuận với 6 công ty để đảm bảo việc thu nợ.
Một khoản nợ khác cũng được kiểm toán công bố là số tiền hơn 900 tỷ mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) còn nợ ACB. Trong số này, nhà băng cho vay gần 854 tỷ, chủ yếu phục vụ việc mua và đóng tàu biển, vốn lưu động cho Vinalines.
ACB cho biết chưa nhận được chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý các khoản nợ này. Ngoài ra, ACB còn 87 tỷ đồng cho một khoản phải thu khác từ trái phiếu đến hạn, nhưng Tổng công ty Hàng hải chưa trả được.
Tại báo cáo, kiểm toán cũng lưu ý về hai khoản tiền gửi lớn của ACB tại hai ngân hàng. Trong số này có 719 tỷ đồng gửi tại Vietinbank đã quá hạn và 1.095 tỷ gửi tại một nhà băng khác đang trong quá trình đàm phán gia hạn trả nợ.
Năm 2012, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, mua bán chứng khoán đầu tư của ACB đều lỗ nặng so với 2011. Trong đó, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng bị âm tới 1.863 tỷ đồng (năm 2011 âm 161 tỷ). Khoản dự phòng rủi ro tín dụng tăng 75% so với cùng kỳ. Do đó, lãi sau thuế hợp nhất của ACB chỉ bằng một phần tư so với 2011 đạt 784 tỷ đồng.
Theo VnExpress