Tại phiên họp chiều 16/4, Bộ Tài chính (TC) đã trình Dự thảo Nghị quyết Quốc hội (QH) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Ngoài ra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UB TC-NS) cũng đã báo cáo thẩm tra dự thảo này và một số vấn đề lớn còn tranh cãi về Dự thảo luật thuế sửa đổi luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
DN có thể hy vọng khi UB TVQH nhất trí sớm áp dụng luật Thuế TNDN từ 1/7/2013 |
Tiếp thu ý kiến của TVQH trước đó, lần này Bộ TC đã giảm mức thuế suất thuế TNDN xuống còn 22% (thay vì giảm từ 25% xuống 23% như đề xuất trước đó), áp dụng từ 1//.2014. Đồng thời công bố luôn lộ trình giảm thuế suất phổ thông còn 20% cho giai đoạn 2016 - 2020 để DN yên tâm đầu tư, kinh doanh.
Bộ TC cũng đề xuất tháo gỡ khó khăn 3 nội dung thuế TNDN và 3 nội dung thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, sẽ áp thuế suất 20% cho một bộ phận DN vừa và nhỏ, áp thuế suất 10% và giảm từ 30-50% thuế GTGT đối với kinh doanh, đầu tư nhà ở xã hội. Thời gian áp dụng từ 1/7/2013.
Tôi nói thật, DN khó khăn, bảo mất 6.000 tỉ, 12.000 tỉ nhưng có lợi nhuận đâu mà mất. Các đồng chí bảo mất tôi không tin, họ có làm ra đâu mà nộp, không nộp lấy gì mà thu thuế. |
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng |
“Tôi không tin con số giảm thu”
Về quy mô của gói hỗ trợ thuế 2.647 tỉ đồng như tính toán của Bộ TC, Chủ nhiệm UB TC-NS Phùng Quốc Hiển khẳng định gần như không có tác dụng hỗ trợ gì cho DN.
“Tiền ít, mà mục tiêu lại quá lớn thì sức lan tỏa không có. Gói hỗ trợ chỉ mang tính kích thích thôi”, ông Hiển nói. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng lo ngại gói hỗ trợ nhỏ manh mún, chỉ là lát cắt nhỏ.
Những lo ngại này, cùng với khoảng thời gian quá ngắn giữa nghị quyết - luật Thuế TNDN, luật Thuế GTGT là 6 tháng (từ 1/7 so với 1/1/2014 có hiệu lực) khiến nhiều đại biểu nhất trí “bác bỏ” nghị quyết, yêu cầu lồng ngay vào trong luật và rút ngắn lộ trình để luật thực thi ngay từ 1/7/2013.
Sau một hồi lắng nghe, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng kết luận: “Không cần làm nghị quyết nữa, vì chỉ có mấy khoản hỗ trợ thôi, chỉ cần làm luật là được, vấn đề nghị quyết như thế là xong không phải bàn nữa”.
Đi vào phân tích cụ thể, với mức thuế suất giảm còn 22% và lộ trình còn 20%, Chủ tịch QH cho rằng như thế là ổn, nếu được có thể công bố thêm thời điểm sau 2020 áp 18%.
Tuy nhiên, về thời điểm thực thi luật thì ông đề nghị áp dụng ngay từ 1/7/2013. Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ TC giải trình rằng quý 1/2013 thu ngân sách chỉ đạt có hơn 20% so với dự toán, trong khi mọi năm 25-27%. Tình hình nhiều khó khăn, năm nay nhiều khả năng hụt thu ngân sách. Nếu thực hiện bị giảm thu thêm 9.000 tỉ đồng.
Chủ tịch QH “phê” Bộ TC làm nhiều thứ, tính toán nhiều nên không biết thế nào mà theo. Như giảm 1% thuế suất mất 6.000 tỉ đồng, 3% mất 18.000 tỉ đồng, áp dụng sớm từ 1/7 thay vì 1/1/2014 mất 9.000 tỉ đồng.
“Tôi nói thật, DN khó khăn, bảo mất 6.000 tỉ, 12.000 tỉ nhưng có lợi nhuận đâu mà mất. Các đồng chí bảo mất tôi không tin, họ có làm ra đâu mà nộp, không nộp lấy gì mà thu thuế. Con số là không chính xác, các vị của UB TC-NS ngồi đây toàn phó giáo sư, tiến sĩ cả thử xem tôi nói thế có đúng không?”, Chủ tịch QH hỏi và đề nghị cho áp dụng luôn luật thuế từ 1/7, tránh nghị quyết này nghị quyết khác, trình lên vừa dài dòng lại tốn thời gian của QH.
Báo chí có cơ hội được ưu đãi thuế suất 10% từ 1/7 Nếu rút ngắn được lộ trình áp dụng luật Thuế TNDN sửa đổi từ 1/7/2013 thay vì 1/1/2014, không chỉ các DN sản xuất kinh doanh được tháo gỡ khó khăn, nhiều DN thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao, môi trường và cơ quan báo chí thực hiện hoạt động báo in (kể cả quảng cáo) sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế suất. Điều 13, dự thảo luật quy định các đối tượng trên được áp thuế suất 10%, giảm từ mức 25% so với hiện hành. Đây là một giải pháp hỗ trợ thiết thực cho các tờ báo in đang phải gánh chịu thua lỗ rất lớn trong suốt thời gian qua. |
"Tính toán tủn mủn chỉ phát sinh tiêu cực"
Về nội dung cụ thể của dự thảo luật và gói hỗ trợ thuế vẫn còn một số điểm gây tranh luận.
Cụ thể, ưu đãi đối với các DN hoạt động trong các khu công nghiệp, Chính phủ muốn giữ, UB TC-NS muốn bỏ.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, chỉ nên điều chỉnh theo hướng tăng thêm ưu đãi để thu hút đầu tư. Vì vậy, ông đồng ý với việc giữ ưu đãi như đề xuất.
Về chi phí quảng cáo tiếp thị và hoa hồng, Bộ TC đề xuất khống chế ở mức trần 15%, UB TC-NS đề nghị cần phải công bố lộ trình để dỡ bỏ.
Đối với các “tiểu tiết” như quy định DN vừa và nhỏ được hỗ trợ phải có doanh thu không quá 20 tỉ đồng, dưới 100 lao động hay nhà diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn góp ý: “Thuế đơn giản thôi, bày ra lắm loại DN quá sau này chỉ có tiêu cực. Ai mà biết 20 tỉ, 30 tỉ, 100 hay 200 lao động.
Đầu năm làm ăn được thì 200 lao động, giữa năm khó khăn còn 100 ai đi đếm được. Mình làm tài chính không nên chắt bóp quá, tính toán tủn mủn như vậy sau này chỉ có tiêu cực. Nên gọn gàng lại thôi”.
Được giải trình thêm sau giờ giải lao, bà Mai vẫn xin phép ban hành dự thảo nghị quyết và giữ nguyên lộ trình sửa đổi luật Thuế TNDN từ đầu 2014. Bà lo ngại Bộ TC không xoay xở kịp với các văn bản hướng dẫn trong thời gian quá ngắn.
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển tái khẳng định việc đưa nội dung của nghị quyết vào trong luật không có vấn đề gì.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận rằng UB TVQH nhất trí không ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho DN, mà sẽ nghiên cứu đưa vào 2 dự thảo luật sửa đổi luật Thuế TNDN và Thuế GTGT trong kỳ họp của Quốc hội khóa 13 vào tháng 5 tới, để có thể thông qua và sớm thực thi vào 1/7/2013.
Chưa đồng ý miễn thuế GTGT cho VAMC Theo đề xuất của Chính phủ về một số giải pháp hỗ trợ chính sách thuế GTGT, tài sản đảm bảo của các khoản nợ mua vào, bán ra của Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) do Chính phủ thành lập sẽ không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, nhiều Ủy viên UB TVQH không đồng ý vì hiện tại công ty này chưa được Thủ tướng đồng ý, chưa được thành lập. Tại phiên họp bà Mai cho biết, theo dự kiến công ty này sẽ được Chính phủ thông qua trong tháng 4, muộn nhất tháng 5 này sẽ được hình thành. |
Theo Thanh Niên