Trong nước, có thể nhiều ngân hàng cũng lần đầu tiên choáng váng đến như vậy.
“Có thể dùng từ “khủng hoảng giá vàng”. Nói khủng hoảng là chính xác. Nó tạo nên cơn bão lớn, nếu không tỉnh táo, không chỉ các tổ chức, nhà đầu tư mà cả nhà quản lý trong nước sẽ bị cuốn theo”, một nhà quản lý ngoại hối nói vào tối muộn hôm qua.
Ông dè chừng, diễn biến tối 15/4 (theo giờ Việt Nam) có thể tạo thêm cú sốc mới.
Giá vàng có giảm choáng váng thêm nhiều phiên nữa, vẫn có những người không bao giờ lỗ. Chỉ có điều, vì sao họ có vàng? |
Lỗ cả đôi đường!
Cuối chiều 15/4, PV đã trao đổi với lãnh đạo một số ngân hàng thương mại. Thông tin nhận được có hai điểm được lưu ý: Một là, họ đang bị “ép” phải nhanh chóng tất toán trạng thái vàng, với sự giám sát của cơ quan thanh tra; hai là, thực tế vẫn chưa hết nợ với vàng tài khoản ở nước ngoài.
Theo đó, nếu với tiến độ và sức ép vừa qua, rất có thể hoạt động tất toán sẽ xong cả trước thời hạn 30/6/2013. Lần này nhiều khả năng sẽ không có sự nhượng bộ, khi mà thanh khoản tiền đồng đang ủng hộ, cũng như hoạt động đấu thầu liên tục cung hàng.
Song, qua trao đổi, một số ngân hàng trong cuộc cho biết, họ đang lỗ và có thể bị lỗ nặng ở cả hai chiều, gắn với hai điểm thông tin trên.
Với sức ép tất toán, các nhà băng đang phải mua vàng miếng từ cửa đấu thầu Ngân hàng Nhà nước, mức giá “chát” với chênh lệch lớn so với thế giới, từ 3 - 4 triệu đồng/lượng trong 6 phiên mở đầu. Với những cú rơi liên tiếp của giá thế giới, chênh lệch đang bị doãng rộng, vẫn phải tất toán, vẫn phải mua vào và “cắn răng” lỗ.
Trên vàng tài khoản ở nước ngoài, những cú rơi vừa qua, đặc biệt là phiên lao thẳng tối qua, khả năng bốc hơi tài sản vàng cũng là đáng chú ý.
Hiện không rõ mức độ, các dữ liệu tham chiếu cho cả hai chiều tại bao nhiêu ngân hàng, mức độ tại mỗi thành viên ra sao để có thể ước định tác động. Nhưng chắc chắn là rất lớn.
Một ý kiến trong cuộc cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể được “giảm sức ép” tất toán, tránh dồn lỗ; còn hoạt động đấu thầu cũng xem xét yêu cầu thu hẹp chênh lệch giá hơn là biến động của nó, bởi trước đây các ngân hàng cũng thực hiện chính sách bán vàng ra để bình ổn…
Trả giá cho quá khứ
Không hẳn vậy. Yêu cầu tất toán trạng thái hiện nay gắn với hai hoạt động: Bán vàng của người gửi, dùng vàng huy động để cho vay.
Nếu nhóm “G5” trước đây bán ra bình ổn theo chủ trương chính sách, nay một sự xem xét từ Ngân hàng Nhà nước như ý kiến trên có thể xem là công bằng. Cũng lưu ý rằng, việc bán ra đó có giới hạn chỉ là 40% lượng vàng tồn quỹ, không phải 40% tổng lượng huy động.
Song, sẽ là một sự trả giá đáng chú ý cho hoạt động chuyển đổi xa hơn nữa, cũng như hoạt động huy động và cho vay vàng trước đây.
Trước khi Ngân hàng Nhà nước từng bước cắt bỏ nghiệp vụ huy động và cho vay vàng trong năm 2011 và 2012, một lượng lớn vốn vàng đã được đổi đời. Hàng trăm nghìn lượng vàng đã theo kênh này chảy vào nền kinh tế, mà những hệ lụy còn dai dẳng.
Theo tìm hiểu của PV, có những khoản vay quy mô lớn, kỳ hạn rất dài trong quá khứ, có thể gắn với những bất cập. Nhiều cầu hỏi đặt ra: những ai có khả năng được vay vàng quy mô lớn, sự mạo hiểm khi dùng vốn vàng huy động ngắn hạn cho vay tới 10 - 15 năm như thế nào và áp lực thanh khoản liên quan, vốn vay từ vàng đã đi đâu…?
Cái này dĩ nhiên chỉ các đối tượng liên quan, cơ quan quản lý biết, mà không dành cho số đông. Vấn đề là, cơ cấu kỳ hạn cho vay đó có thể tạo sức ép thanh khoản, lực cầu kích thích chênh lệch giá trong nước và thế giới thời gian qua; khả năng trả nợ của các “đại gia” đến đâu và không loại trừ rủi ro nợ xấu, hay chính ngân hàng phải thay mặt họ đi ra thị trường mua vàng trả lại cho nguồn huy động - thêm cầu đẩy giá và doãng chênh lệch.
Điểm quan trọng nữa là giả thiết, nguồn vốn vay từ vàng lớn có thể đã chảy vào chứng khoán, bất động sản và góp phần thổi thêm bong bóng trước đây; hoặc chảy vào những vụ mua bán để chi phối hoạt động của những ngân hàng thương mại nào đó… Nó là một dòng vốn vay mượn, tiềm ẩn nhiều rủi ro trước khả năng tạo chóng mặt của giá vàng.
Với riêng các ngân hàng thương mại, sự trả giá này, nếu có, cũng không hẳn là quá đắt. Vốn vàng dĩ nhiên đã sinh lãi cho họ trong quá khứ; nguồn vốn chuyển đổi từng thời gian dài ẵm lãi suất cho vay cỡ 20 - 25%/năm, thậm chí cao hơn nữa…
Phải bán cho “tay to”!
Đã 6 phiên đấu thầu, khoảng 6 tấn vàng đã được bán ra. Các ngân hàng thương mại là những “tay to” trúng thầu.
Dư luận thời gian rồi ồn ào theo hướng, Ngân hàng Nhà nước mở ra một cánh cửa để những “tay to” đó tất toán trạng thái. Điều đó là rất bình thường, nói đúng hơn là buộc phải khắc phục những vấn đề quá khứ để lại.
Câu hỏi đáng quan tâm hơn là: Nếu Ngân hàng Nhà nước không bán ra, họ lấy đâu ra nguồn để tất toán, bởi đã hai năm rồi việc chi ngoại tệ để nhập vàng (kể cả nhập lậu) đã bị cắt đứt? Khi không có cung qua đấu thầu, phải tất toán và tránh vỡ thanh khoản (mà cái giá phải trả nếu vỡ chắc chắn không gói gọn ở họ), họ phải mua bằng mọi giá. Mua bằng mọi cách, bằng mọi giá thì điều gì sẽ xẩy ra?
Dễ thấy hoạt động đấu thầu vàng miếng hiện nay trước hết là để trả lời cho những câu hỏi trên, khắc phục quá khứ, mà nói trả giá cho vàng trong quá khứ cũng không sai. Khi “xử” xong việc tất toán, thu hẹp chênh lệch giá vàng là bước tiếp theo, mà nó đã bớt áp lực từ cái rốn hút hàng tất toán.
Và những người không bao giờ… lỗ
Sau ba mươi năm, cú rơi khủng khiếp như lúc này mới diễn ra. Cứ cho là ngân hàng lỗ cả hai đầu, nhiều nhà đầu tư thua lỗ, tài sản nhiều người dân dành dụm bốc hơi một cách nhanh chóng… Nhưng vẫn có những người không lỗ! Họ là ai?
Hơn 20 triệu lượng vàng miếng SJC đã đưa ra thị trường từ trước tới nay. Một câu hỏi lớn, rất lớn, là nó đã đi đâu? Sao nguồn hàng không quay lại thị trường khiến nó thiếu cung căng thẳng suốt thời gian qua?
Nếu là giới đầu cơ, găm giữ lượng lớn với thời gian dài là điều tối kị. Với đại đa số người dân, vàng nữ trang mới phản ánh đúng sự chắt bóp, dành dụm của nhiều người…
Vậy thì, hàng triệu lượng vàng miếng SJC sẽ nằm ở đâu đó, nó không trở lại giao dịch, và dường như, nó không muốn lộ diện.
Nói cụ thể, hàng triệu lượng vàng có thể đang đóng vai trò che giấu tài sản, không phải kê khai, và đương nhiên không rõ nguồn tiền ở đâu để sở hữu. Với những người này, giá vàng có tạo thêm nhiều phiên choáng váng đi nữa, có thể họ vẫn không lỗ!
Còn giao dịch vài hôm nay, trao đổi với PV, cả đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn DOJI đều cho cái nhìn tổng quan: phần lớn người dân sau một thời gian dài mới thấy giá vàng thấp vậy, nên họ đi mua, lẻ tẻ như một sự dành dụm…
Theo VnEconomy