Tám tuyệt chiêu giúp thoát nợ tín dụng

Chủ nhật, 14/04/2013, 15:06
Trốn nợ thường được nhiều người sử dụng khi mất khả năng thanh toán. Nhưng đó không phải phương án hay. Motley Fool giới thiệu 8 cách có thể giúp bạn từ từ giải quyết khoản nợ của mình một cách an toàn.

1. Trả nợ nhiều hơn mức tối thiểu

Trước hết, hãy loại bỏ thói quen trả nợ bằng số tiền tối thiểu được yêu cầu mỗi tháng. Việc thanh toán mỗi kỳ ở mức tối thiểu, thường là 2 – 3% giá trị khoản vay chỉ kéo dài thêm thời gian trả nợ. Đây chính xác là những gì ngân hàng muốn ở bạn. Bạn càng chậm trả nợ, ngân hàng càng có thêm tiền lãi.

 chi tiêu thẻ tín dụng

Thay vào đó, mỗi tháng, bạn nên cố gắng chi trả hết khả năng có thể. Nếu mức tối thiểu là 100 USD, hãy thanh toán gấp đôi, 200 USD hoặc hơn. Giảm bớt chi tiêu hàng ngày, bạn sẽ tiết kiệm được thêm một khoản. Ví dụ, thay vì đi ăn ở ngoài, bạn có thể tự nấu tại nhà, hạn chế ăn thêm món tráng miệng, bớt thời gian đi bar hoặc vui chơi.

Hy sinh một chút nhưng có thể tăng khả năng thanh toán nợ của mình không phải là một cái giá quá đắt. Việc này còn giúp bạn tiết kiệm được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD khi trả lãi. Thêm nữa, bạn sẽ thoát khỏi hố sâu do chính mình tạo ra nhanh hơn, không phải lo sợ khi hóa đơn gõ cửa mỗi tháng.

2. Trả nợ một cách khôn ngoan

chi tiêu thẻ tín dụng

Hãy dành một khoảng thời gian để xem lại tất cả thẻ tín dụng của mình, đặc biệt chú ý đến loại thẻ có mức lãi suất thấp nhất. Bạn đã sử dụng tối đa hạn mức của chiếc thẻ đó chưa? Nếu chưa, bạn nên chuyển các khoản nợ tín dụng khác sang chiếc thẻ này. Một số loại thẻ cho phép bạn thực hiện điều đó và thật ngớ ngẩn khi phải chịu lãi suất 18% thay vì 12%.

Nếu khoản nợ vượt giới hạn tối đa của chiếc thẻ lãi suất thấp đó, bạn có thể làm như sau. Chi trả mức tối thiểu cho khoản nợ ở các thẻ còn lại và tập trung thanh toán dứt điểm cho thẻ có lãi suất thấp nhất. Khi dư nợ ở thẻ có lãi suất thấp này là 0, bạn tiếp tục chuyển các khoản nợ khác về đây và tiếp tục trả nợ.

Dồn nợ lại và thanh toán, sau đó lặp lại. Cách thức thanh toán này được gọi là "Snowballing" (dựa theo hình ảnh tuyết lăn). Khoản nợ giảm, số tiền để trả nợ gia tăng, cứ thế cho đến khi bạn hết nợ.

Một cách khác để chuyển những món nợ nặng lãi xuống mức an toàn hơn là tận dụng chương trình khuyến mại của một số ngân hàng khi thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm tín dụng. Bạn có thể nhìn thấy một số quảng cáo như "Hãy chuyển tất cả dư nợ của bạn về chúng tôi và chỉ phải trả mức lãi suất 5,9% cho tới năm sau". Và số tiền tiết kiệm từ việc chuyển mức lãi suất 18% xuống còn 5,9% sẽ giúp bạn giảm dư nợ.

Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi "cắn câu" những ngân hàng này. Lãi suất sau thời gian ân hạn có cao hơn mức bạn đang phải chịu không? Nếu có, bạn có thể tiếp tục tìm một chương trình khuyến mãi của một ngân hàng khác và làm tương tự như trên. Ngoài ra, hãy chú ý đến mức phạt của ngân hàng đối với hành động này của bạn.

3. Rút tiền từ tài khoản tiết kiệm

 chi tiêu thẻ tín dụng

Bạn có thể rút tiền từ tài khoản tiết kiệm của mình, đầu tư và sử dụng nguồn lợi thu được để trả nợ. Không ai muốn làm việc nhiều rủi ro như vậy nhưng đôi khi đó lại là một giải pháp tốt. Ngay cả khi lãi suất nợ tín dụng ở mức 12%, khoản đầu tư của bạn vẫn có thể mang lại một khoản lãi 18% trước thuế. Rút tiền về và trả nợ, số lãi bạn tránh được cũng có giá trị tương đương với 18% mà hoàn toàn không có rủi ro.

4. Mượn lại tiền từ bảo hiểm nhân thọ của chính mình

 chi tiêu thẻ tín dụng

Bạn có đóng bảo hiểm nhân thọ bằng tiền mặt không? Nếu có, hãy vay lại số tiền đó. Bạn tự vay tiền của chính mình nhưng lãi suất sẽ thấp hơn so với lãi suất thương mại và có thêm thời gian để trả nợ. Nếu bạn qua đời trước khi hoàn trả đủ, số dư nợ còn lại cùng với tiền lãi sẽ được trừ vào các khoản phúc lợi từ chính sách.

5. Dựa vào người thân, bạn bè

chi tiêu thẻ tín dụng

Rất có thể người thân hoặc bạn bè sẽ cung cấp cho bạn một khoản tiền để trả nợ nếu như bạn được tin tưởng và yêu thương. Bạn có thể thanh toán cho họ trễ hạn một chút nhưng vẫn phải có tiền lãi. Các bên nên có một giao kèo trên giấy với thông tin rõ ràng về số tiền vay, kế hoạch trả nợ để tránh hiểu nhầm.

Dĩ nhiên bạn phải tuân theo kế hoạch đó nếu không muốn bị loại khỏi những buổi họp gia đình hay không nhận được quà vào những dịp đặc biệt.

6. Tìm kiếm một khoản vay thế chấp nhà

 chi tiêu thẻ tín dụng

Cách này chỉ áp dụng nếu căn nhà đang ở thuộc sở hữu của bạn sau khi đã thanh toán khoản vay mua nhà. Khoản vay thế chấp nhà (Home Equity Loan – HEL) cung cấp 2 cách giúp bạn tiết kiệm.

Thứ nhất, bằng số tiền vay thế chấp, bạn giảm mức lãi suất phải trả từ 18% trên thẻ tín dụng xuống chỉ còn 6 – 7%. Thứ hai, lãi phải trả trong HEL là một khoản được khấu trừ 25% khi kê khai thuế, nhờ đó lãi suất thực sự bạn phải chịu chỉ ở mức 4,5%. Đây thực sự là một mức lãi suất thấp cho một khoản vay cá nhân.

Tuy nhiên, cách này lại có một rủi ro thường gặp từ chính chủ căn nhà. Một số người thực hiện HEL, trả hết nợ rồi lại chi tiêu vượt mức trong thẻ tín dụng. Hố nợ nần ngày càng được đào sâu và nguy cơ mất đi ngôi nhà của bạn sẽ rất lớn.

7. Đàm phán với các chủ nợ

 chi tiêu thẻ tín dụng

Sau khi đã làm hết những điều có thể, lôi hết tiền tiết kiệm, tận dụng hết mối quan hệ hay không có nhà, tài khoản 401 (k) thì đã đến lúc đàm phán lại với các chủ nợ. Hãy để họ biết tình trạng của bạn hiện tại và xem xét lại các điều khoản.

Thử đề nghị một kế hoạch trả nợ chậm hơn, mức lãi suất thấp hơn để phù hợp với mong muốn nhận được nhận lại tiền của họ. Các chủ nợ chắc chắn sẽ xem xét các đề nghị đó nếu như họ không muốn mất toàn bộ khoản cho vay.

8. Khéo léo làm thủ tục vỡ nợ

chi tiêu thẻ tín dụng

Vỡ nợ là điều tất yếu nếu bạn không thể trả nợ theo bất cứ cách nào ở trên. Hồ sơ tín dụng của bạn sẽ lưu trữ các thông tin này trong vòng 10 năm, đồng nghĩa với việc khó khăn để tiếp cận một khoản tín dụng mới.

Lúc này, bạn nên tìm sự giúp đỡ của luật sư để tận dụng những điều khoản có lợi cho mình đối với từng loại nợ trong Luật phá sản của mỗi quốc gia. Các tài sản thế chấp sẽ bị tịch thu và bạn sẽ phải tiếp tục làm lại từ bàn tay trắng.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn