Theo báo cáo mới nhất, đến chiều 11/4 chỉ có 44 trong tổng số 210 nghệ sĩ được gửi thư mời đến kê khai thuế. Có danh hài hải ngoại thậm chí còn chưa từng kê khai thuế thu nhập cá nhân nhiều năm qua.
Đứng đầu danh sách “đen” của cơ quan thuế là một nữ ca sĩ nhạc thị trường thuộc top catsê cao và gần đây càng nổi danh trong vai trò giám khảo một chương trình truyền hình thực tế. Cô này cũng làm đại diện hình ảnh cho nhiều nhãn hàng lớn nhưng số thuế phải nộp rất thấp.
Cả năm 2009, ca sĩ này chỉ nộp 37 triệu đồng tiền thuế, tương đương 3,1 triệu đồng/tháng, quy ra thu nhập mỗi tháng chỉ ở mức trên dưới 20 triệu đồng.
Danh tiếng càng ngày càng tăng, catsê cũng đi lên theo chiều thẳng đứng nhưng bất thường ở chỗ số thuế phải nộp mỗi năm của nữ ca sĩ này ngày càng giảm. Năm 2010, số thuế phải nộp của cô giảm còn 30,6 triệu đồng, đến năm 2011 con số này giảm đột ngột chỉ còn hơn 8,1 triệu đồng.
Theo đại diện Cục Thuế, nguồn thu của ca sĩ vô cùng đa dạng, đến từ nhiều nguồn khác nhau. Có những khoản có chứng từ, nhưng nhiều khoản nghệ sĩ không ký hợp đồng, chỉ thỏa thuận miệng, trao tiền “tươi” cơ quan thuế không thể nào kiểm soát hết được. Trong ảnh: các ca sĩ tại lễ trao giải Làn sóng xanh năm 2012 |
Một nữ ca sĩ khác cũng nổi tiếng không kém trong vai trò ca sĩ, MC, thí sinh của nhiều cuộc thi truyền hình, thậm chí gần đây ngồi ghế ban giám khảo nhưng đặc biệt từ năm 2009 đến nay chưa từng kê khai thuế thu nhập cá nhân. Một danh hài hải ngoại rất đắt sô trong nước cũng trong tình trạng tương tự. Ghi chú trong mục nộp thuế của danh hài này luôn trong tình trạng chưa hoặc không kê khai.
Cũng theo Cục Thuế TP.HCM, có “sao” vẫn đều đặn khai thuế nhưng số thuế phải nộp chưa tương xứng. Cụ thể, một nam MC một thời thống lĩnh vai trò MC các game show trên đài truyền hình cũng chỉ nộp một số thuế rất khiêm tốn. Năm 2009, nam MC này nộp thuế 18,8 triệu đồng, đến năm 2010 tăng lên 27,8 triệu, năm 2011 số thuế phải nộp của MC này là 54 triệu đồng.
Theo tiết lộ của cơ quan thuế, mức thuế cao nhất mà một nam ca sĩ thuộc hàng catsê cao nhất hiện nay nộp trong năm 2011 chỉ ở mức 373 triệu đồng. Không đồng ý, cơ quan thuế đã mời ca sĩ này lên kê khai lại thì số thuế phải nộp của ca sĩ này tăng thêm 400 triệu đồng, lên mức 773 triệu đồng.
Chóng mặt hơn, một nữ ca sĩ chuyên trị dòng nhạc dân ca năm 2009 khai thuế chỉ có 13,3 triệu đồng, nhưng khi cơ quan thuế buộc phải kê khai lại thì “lòi” ra số thuế phải nộp thêm lên đến 400 triệu đồng.
Bà Lê Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho biết bốn năm qua Cục Thuế giao cho các chi cục thuế quận huyện quản lý việc kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân của giới văn nghệ sĩ nhưng kết quả không khả quan.
Từ nhiều tuần nay, Cục Thuế TP.HCM đã triển khai kế hoạch thu thập thông tin về thu nhập của giới văn nghệ sĩ. Theo đó, Cục Thuế đã phối hợp vớiSở VH-TT&DL lấy giấy phép biểu diễn, Sở Công thương cấp phép quảng cáo, Công an TP.HCM về các chương trình biểu diễn ở nước ngoài của văn nghệ sĩ...
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng lập danh sách các đơn vị chi trả thu nhập như các công ty tổ chức biểu diễn, phòng trà... để làm việc, yêu cầu các đơn vị này hằng tháng kê khai số thuế vãng lai của các nghệ sĩ.
Theo bà Hương, nhiều nghệ sĩ lý giải việc không kê khai thuế vì sau buổi diễn bên chi trả đã trừ 10% tiền catsê. Tuy nhiên, đó mới chỉ là thuế tạm thu. Ca sĩ có thu nhập ở nhiều nơi, do nhiều đơn vị khác nhau chi trả thu nhập nên không thể biết được tổng thu nhập trong tháng để tính số thuế phải nộp.
Vì vậy phải tạm khấu trừ 10% sau mỗi lần biểu diễn để sau này quyết toán. “Nhiều nghệ sĩ hiểu chưa đúng, cứ tưởng sau khi khấu trừ 10% là hết nghĩa vụ nên không đi quyết toán” - bà Hương nói.
Ông Nguyễn Thái Sơn (nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM): Không công bằng với người làm công ăn lương Việc bàn giao văn nghệ sĩ về cho chi cục thuế quản lý, theo tôi, là không ổn. Kết quả là bốn năm qua Cục Thuế gần như buông lỏng hoàn toàn đối tượng này. Đành rằng khi bàn giao về các chi cục, Cục Thuế đã đính kèm danh sách nghệ sĩ cư trú trên địa bàn. Tuy nhiên, cán bộ thuế tại các chi cục hầu như không có kinh nghiệm trong việc quản lý đối tượng văn nghệ sĩ, hơn nữa lực lượng mỏng khiến họ không thể làm tập trung, sâu sát như Cục Thuế quản lý trước đây. Vì thế, từ chỗ đã tạo được nề nếp kê khai nộp thuế, cơ quan thuế đã bỏ phí bốn năm, nay phải xây dựng lại từ đầu. Như vậy không chỉ thất thu thuế, mà còn không công bằng với người làm công ăn lương đã bị chặn trừ từng đồng từ cơ quan chi trả. Nhiều chiêu để né thuế thu nhập Theo một chuyên gia thuế, không chỉ cố tình giấu giếm thu nhập với cơ quan thuế, nhiều “sao” còn có các chiêu để làm giảm thu nhập chịu thuế. Phổ biến nhất là lập công ty riêng và mọi giao dịch gì liên quan tới nghê sĩ này đều phải thông qua công ty riêng mà đại diện là người quản lý, cũng là người nhà của chính ngôi sao này. Từ đó, công ty sẽ ký hợp đồng lại với chính ngôi sao này với tiền catsê thấp hơn rất nhiều so với mức thực tế. Dĩ nhiên lợi nhuận thu được cũng do chính ngôi sao này hưởng. Ngoài chuyện lách được catsê, việc lập công ty này cũng có rất nhiều mặt lợi, mà lợi lớn nhất là được giảm trừ các chi phí hợp lý. Hiện nay theo Luật thuế thu nhập cá nhân, nghệ sĩ không còn được khấu trừ 25% thu nhập (được hiểu là tiền son phấn, phục trang... của nghệ sĩ như trước kia), nên càng ngày càng có nhiều ngôi sao có công ty riêng. Một chiêu khác là thể hiện giá catsê trên giấy tờ thấp hơn thực tế, catsê mỗi sô vài chục triệu nhưng chỉ ghi vài triệu đồng... |
Theo Tuổi Trẻ