Kết quả, số lượng vàng này tiếp tục được các doanh nghiệp, NH thương mại đặt mua gần hết (mua 39.200 lượng) với giá trúng thầu bằng đúng giá sàn của NH Nhà nước, 43,3 triệu đồng/lượng.
Theo NH Nhà nước, đấu thầu vàng miếng nhằm tăng cung cho thị trường do có sự mất cân đối cung - cầu, kéo giảm giá vàng trong nước về sát giá thế giới như yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, qua 5 phiên đấu thầu, giá vàng trong nước hiện vẫn cao hơn giá thế giới 3,4 triệu đồng/lượng.
Đáng nói hơn, từ khi có các phiên đấu thầu, giá vàng trong nước thường biến động lệch pha với giá thế giới: Tăng nhanh, giảm nhỏ giọt và phụ thuộc lớn vào mức giá sàn của NH Nhà nước đưa ra.
Lãnh đạo NH Nhà nước cho rằng thị trường cần thời gian và có độ trễ nhất định để “hấp thụ” lượng vàng bơm ra này. Nhưng theo nhiều đơn vị tham gia đấu thầu, với mức giá trúng thầu quá cao, họ không thể bán giá thấp hơn để chịu lỗ, nhất là khi nguồn cung lại phụ thuộc chủ yếu vào các phiên đấu thầu từ NH Nhà nước...
Vậy đấu thầu vàng miếng để làm gì? NH Nhà nước khẳng định đấu thầu nhằm bình ổn thị trường nhưng không bình ổn giá, cung vàng không nhằm mục tiêu bù lỗ cho đối tượng nào và cũng không vì lợi nhuận...
Thế nhưng, giới phân tích đang đặt vấn đề: Với mức chênh lệch 3,5-4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới, mỗi tấn vàng NH Nhà nước bán ra sẽ thu về lợi nhuận khoảng 100 tỉ đồng.
Như vậy, với khoảng 4,4 tấn vàng đã được bán ra, con số lợi nhuận là khá lớn. Còn các đơn vị trúng thầu khối lượng lớn, ngoài việc tất toán trạng thái sẽ bán ra thị trường một phần cũng giúp thu được khoản lợi nhuận nhất định... Chỉ có người dân là mất cơ hội mua vàng giá rẻ khi giá thế giới hiện chỉ xấp xỉ 40 triệu đồng/lượng (quy tiền Việt).
Về lâu dài, nếu cứ tiếp tục các phiên đấu thầu bán vàng kiểu này, NH Nhà nước liệu có trở thành “nhà buôn vàng” thay vì tập trung vào nhiệm vụ chính là quản lý thị trường dưới góc độ vĩ mô và giải quyết nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn như xử lý nợ xấu, tái cấu trúc ngành NH…?
Theo NLĐ