Margaret Thatcher là nữ thủ tướng đầu tiên và cũng là duy nhất của Anh cho đến thời điểm này. Nhiệm kỳ của bà kéo dài 12 năm (1979 - 1990), được ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi các biện pháp kiềm chế lạm phát, giảm chi tiêu, tư nhân hóa công ty nhà nước và nới lỏng kiểm soát tài chính.
Năm 1979, khi bà Thatcher mới nhậm chức, lạm phát ở Anh đang rất cao. Con số ghi nhận được vào năm 1980 lên tới 22%. "Bà đầm thép" kiên quyết đẩy lùi tình trạng này bằng cách đánh mạnh vào nguồn cung tiền, cố gắng kiểm soát và ngăn giá cả tăng cao. Logic cho lập trường này chủ yếu đến từ lý thuyết của Milton Friedman và nhiều nhà tiền tệ học khác mà Thatcher hâm mộ.
Margaret Thatcher giành chiến thắng tại cuộc bầu cử năm 1987. Ảnh: Telegraph. |
Trong nhiệm kỳ của mình, Thatcher xung đột gay gắt với Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh - Gordon Richardson. Vì thế, chính sách giá chủ yếu được quyết định bởi Bộ Tài chính, mà bà và Bộ trưởng Geoffrey Howe kiểm soát.
Các biện pháp như tăng thuế giá trị gia tăng lên gấp đôi (15%) hay giảm thuế thu nhập cao nhất đã được áp dụng và bắt đầu phát huy tác dụng. Lạm phát giảm từ 22% năm 1980 xuống chỉ còn 4,2% năm 1987.
Tuy nhiên, cái giá phải trả là thất nghiệp tăng cao và suy thoái xảy ra đầu thập niên 80, cũng giống như Mỹ dưới thời Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Paul Volcker khi ông tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Nữ thủ tướng duy nhất của nước Anh cho đến thời điểm này cũng kiên quyết bán các ngành công nghiệp chủ chốt Chính phủ đang sở hữu.
Đầu nhiệm kỳ, bà bán British Aerospace và Cable & Wireless, sau đó là British Telecom, Britoil, British Gas và Jaguar. Sang nhiệm kỳ ba, đến lượt British Airways, British Petroleum (BP), British Steel, Rolls Royce và nhiều công ty điện - nước khác. Tổng cộng trong nhiệm kỳ, bà Thatcher đã tư nhân hóa 40 doanh nghiệp nhà nước với hơn 600.000 lao động.
Rất nhiều hãng trong số này sau đó đã kinh doanh thành công và nổi tiếng trên toàn thế giới. Tư nhân hóa đã giải phóng một lượng tiền lớn hồi thập niên 80, tránh việc Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu hay tăng thuế, đồng thời đẩy mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông và năng lượng.
Tuy nhiên, nhiều người lại chỉ trích hành động này của bà khiến các công ty phải sa thải hàng loạt một cách không cần thiết, khi chính họ đang cố gắng cải thiện hiệu suất.
Thatcher cũng giảm thuế với những người thu nhập cao. Trong nhiệm kỳ của bà, thuế thu nhập cao nhất đã giảm từ 83% xuống 40%, thuế thấp nhất cũng xuống 25% từ 33%. Bà cũng giảm chi tiêu, dù khá nhẹ, phần lớn liên quan đến tư nhân hóa các công ty nhà nước.
“Bà đầm thép” từ chức Thủ tướng khi đang cố thay đổi nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương, từ thuế bất động sản sang loại thuế mà tất cả đều trả như nhau, không tính theo giá trị nhà. Việc này đã khiến bà bị bật khỏi chức lãnh đạo đảng Bảo thủ và ông John Major lên kế nhiệm chức Thủ tướng.
Thatcher cũng là người có công gây dựng London thành trung tâm tài chính châu Âu. Năm 1986, bà thực thi kế hoạch được thế giới coi là “Vụ nổ lớn” - giảm tối đa kiểm soát với ngành tài chính. Việc này đã khiến tăng trưởng bùng nổ, đặc biệt với các công ty cổ phần và quỹ đầu tư phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính.
Tuy vậy, việc bãi bỏ giới hạn vay của các công ty cũng có nghĩa nếu nợ xấu xuất hiện, ảnh hưởng của nó sẽ dễ dàng lan ra khắp các tổ chức khác.
Thatcher là người phản đối mạnh mẽ việc Anh gần gũi với Liên minh châu Âu (EU) và sự ra đời đồng euro. Bà cho rằng việc này sẽ là một thảm họa với các nước nhỏ khi nhu cầu kinh tế không trùng khớp với Đức hay Pháp. Vì thế, họ sẽ không thể theo được các chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Bà cũng nỗ lực chống lại Cơ chế tỷ giá châu Âu (ERM) - neo đồng bảng Anh vào mark Đức, trước khi phải từ chức vì áp lực của các thành viên ủng hộ EU trong đảng năm 1990.
Dù vậy, năm 1992, Anh vẫn bị buộc phải rời khỏi ERM sau khi tỷ phú đầu tư Geogre Soros kiếm được hơn 1 tỷ USD chỉ trong một ngày sau thương vụ bán khống đồng bảng Anh.
Theo VnExpress