Dần mất vai trò đầu mối
Suốt nhiều năm trước, TP.HCM là cửa ngõ quan trọng nhất của cả nước khi hầu hết những chuyến bay quốc tế đều hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Thế nhưng, đó là do tình thế bắt buộc, vì các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng. Khi các sân bay Cam Ranh, Đà Nẵng… phát huy vai trò lớn hơn, TP.HCM dần mất vị thế đầu mối.
Theo Sở VH-TT-DL TP.HCM, năm 2012, địa phương này đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 56 % tổng lượng khách đến VN, con số này đã giảm so với tỷ lệ hơn 60% của những năm trước đó.
|
Ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore, cho rằng TP.HCM đang dần mất đi vị thế đầu mối của du lịch VN. Những năm trước, khách bay thẳng đến TP.HCM và bắt đầu di chuyển dài ngày để tham quan khắp VN.
Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng giao thông của VN ngày càng kém, nên hành trình tour dài ngày cũng bị rút ngắn. Cộng với kinh tế khó khăn, tour dài ngày cũng không còn là lựa chọn trước nhất. Đối với du khách quốc tế đặt mục tiêu nghỉ dưỡng và tham quan danh thắng, thì TP.HCM không phải là ưu tiên.
Không chỉ dần mất vị trí trung chuyển trong nước, TP.HCM còn mất vị trí kết nối với các điểm đến tới Campuchia và Lào khi nhiều chuyến bay cũng đã trực tiếp đưa khách đến các nước này. Hoặc du khách di chuyển từ Thái Lan qua Campuchia.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng TP.HCM có ưu thế trung chuyển rất lớn với điểm đến Campuchia, khi khách có thể di chuyển bằng cả đường bộ, đường sông và hàng không. Tuy nhiên, các kết nối này đang rất kém cỏi, nhất là đường bộ, khi cửa khẩu Mộc Bài chật chội, không tiện nghi cho du khách quốc tế, xử lý thủ tục chậm chạp…
Èo uột
Theo ông Tan, phát triển của nhiều thành phố du lịch lớn trên thế giới như Hồng Kông, Bangkok (Thái Lan), Singapore hay Kuala Lumpur (Malaysia) cũng giống như TP.HCM là dựa trên nền tảng sản phẩm du lịch nhân tạo.
TP.HCM có lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như mua sắm miễn thuế, hình thành những khu ẩm thực hay những khu vui chơi giải trí; làng văn hóa các dân tộc; nhà hát biểu diễn văn hóa truyền thống; chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm khu vực… Nhưng rất tiếc, đến nay các sản phẩm này hoàn toàn thiếu vắng hoặc phát triển một cách èo uột.
Chợ đêm Bến Thành (Q.1) dần biến dạng, trở thành điểm ăn uống bình dân chèo kéo du khách và bán hàng giả, hàng nhái. Các điểm mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ có quy mô nhỏ, không thể cùng lúc chứa được nhiều đoàn xe. Chương trình bán hàng miễn thuế không thực sự thu hút du khách do không đa dạng hàng hóa. Gần như không có các điểm vui chơi về đêm.
“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất mà ngành du lịch TP.HCM cần phải làm trước hết là ổn định lại an ninh trật tự”, ông Tan phát biểu.
Trên thực tế, sự sụt giảm của khách đã bắt đầu. Nhiều khách sạn ở TP.HCM cho biết công suất phòng khai thác trong năm 2012 và những tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân do lượng khách đến VN sụt giảm; khách không còn trực tiếp bay đến TP.HCM như trước (thường ở lại đêm đầu và đêm cuối).
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, thừa nhận việc địa phương mất dần lợi thế trung chuyển không chỉ tác động tiêu cực đến ngành du lịch, mà còn có nhiều lĩnh vực khác, như thương mại, dịch vụ… Vì thế, TP.HCM buộc phải định hướng cho mình một hướng phát triển khác.
“Đặc biệt thúc đẩy phát triển mua sắm, ẩm thực. Làm sao ẩm thực phải trở thành sản phẩm du lịch; khách vào VN phải nghĩ tới việc đến TP.HCM mua sắm. Hàng quý phải tổ chức tháng khuyến mãi cho du khách, cả mua sắm, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn cùng tham gia… Làm như vậy mới tránh được trường hợp chúng ta không bị khách bỏ rơi”, ông Khánh phân tích.
Bay thẳng “né” TP.HCM Từ đầu tháng 4/2013, Vietnam Airlines (VNA) chính thức bay thẳng từ Cam Ranh đến Moscow (Nga) vào thứ sáu hằng tuần. Ngoài ra, vào tháng 10/2013, VNA dự kiến sẽ tăng thêm một chuyến nữa vào ngày thứ hai. Trước VNA, năm 2010, Hãng hàng không Nga Vladivostok Air đã bay thẳng từ vùng Viễn Đông Nga đến Cam Ranh. Nhiều chuyến bay thẳng quốc tế cũng tấp nập tới Đà Nẵng. Mới đây là Dragon Air bay thẳng từ Hồng Kông và dự kiến từ tháng 4 mỗi tuần sẽ tăng lên 3 chuyến. Như vậy, đến nay đã có 9 đường bay thẳng quốc tế đến sân bay Đà Nẵng; chưa tính 5 đường bay thuê chuyến trực tiếp khác. Sắp tới, dự kiến từ Đà Nẵng có thể bay thẳng tới Nga. Sân bay quốc tế Nội Bài cũng ngày càng gia tăng thêm các chuyến bay trực tiếp. Riêng VNA, trong số 45 chuyến bay trực tiếp/tuần đến 4 thành phố lớn của Nhật Bản (Tokyo, Osaka, Nagoya, Fukuoka) và ngược lại có tới 21 chuyến xuất phát từ Hà Nội. |
Theo Thanh Niên