Thị trường vàng vẫn mơ về ngày sát giá

Thứ năm, 04/04/2013, 17:20
Ngân hàng Nhà nước "thiện chí" hơn khi phát giá đấu tương thích với thị trường, và bước đầu thực hiện thành công mục tiêu tăng cung, nhưng sẽ phải mất thêm nhiều thời gian để kéo giá trong nước tiệm cận với thế giới.

Giá sàn 43,23 triệu đồng đưa ra sáng nay thấp hơn tham chiếu đặt cọc gần 400.000 đồng và cũng rẻ hơn giá vàng SJC thu mua ngoài thị trường cùng thời điểm trên dưới 200.000 đồng. Điều này phần nào giải tỏa tâm lý cho các thành viên dự thầu sau gần hai tiếng hồi hộp chờ đợi.

20 trong tổng số 22 thành viên tham gia đã trúng thầu tổng cộng 25.700 lượng vàng ở mức giá từ 43,23-43,37 triệu đồng.

giá vàng
Gần 26.000 lượng được bán ra trong phiên đấu thầu sáng nay sẽ tạo ra nguồn cung cho thị trường.

Kết phiên, một số doanh nghiệp trúng thầu với khối lượng lớn bắt đầu thấy lo lắng. Sẽ là rủi ro không nhỏ với họ nếu giá thế giới tiếp tục đi xuống hoặc các phiên tới.

"Giá trúng đấu thầu rẻ hơn thị trường vài trăm nghìn đồng, nhưng vẫn cao hơn gần 4 triệu đồng so với thế giới. Ngân hàng Nhà nước có thể thở phào vì bán thành công. Nhưng nếu thế giới đêm nay tiếp tục giảm thêm vài chục đôla, doanh nghiệp mua vàng hôm nay cầm chắc lỗ", đại diện một doanh nghiệp nói.

Theo vị này, nếu ngay sáng nay, Ngân hàng Nhà nước chớp cơ hội mua vàng trên tài khoản nước ngoài, ngay lập tức có thể mang lại khoản lợi nhuận vài chục tỷ đồng cho ngân sách.

"Ngân hàng Nhà nước đang làm tốt nhiệm vụ bảo toàn ngân sách, chứ chưa thể thực hiện mục tiêu kéo sát giá nếu tiếp tục chào cao tới 3-4 triệu đồng một lượng so với thế giới", ông nói.

Tuy nhiên, phần đông doanh nghiệp tỏ ra thông cảm với trách nhiệm bảo toàn ngân sách của Ngân hàng Nhà nước khi không thể đưa ra giá thấp hơn nữa ngay phiên hôm nay.

"Vẫn cao hơn 3,7 đến 3,9 triệu đồng so với giá quốc tế nhưng mức sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra thấp hơn niêm yết bán của các doanh nghiệp trên thị trường ở cùng thời điểm. Khó có thể có một mức giá sàn sát hơn nữa so với giá quốc tế vì có thể gây lỗ cho chính Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến ngân khố quốc gia", bà Võ Thị Ngọc Tuyết, Phó Giám đốc Công ty Vàng Kim Ngọc Phú nói. Bay từ TP.HCM ra, Kim Ngọc Phú là một trong 22 đơn vị tham gia đấu thầu sáng nay.

Một chuyên gia trong ngành cũng cho rằng so với thế giới, mức chào sàn của Ngân hàng Nhà nước 43,23 triệu đồng vẫn cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đây được xem là mức giá "đầy thiện chí" của nhà quản lý nhằm mục đích tăng cung cho thị trường, thể hiện ở kết quả gần 26.000 lượng vàng chào bán đã được mua gần hết.

"Cơ quan này không hạ thấp hẳn giá bán để nhanh chóng thu hẹp chênh lệch với thế giới. Nhưng họ đã đạt được hiệu quả đầu tiên là khơi thông nút thắt đấu thầu, đưa nó trở thành một kênh tạo cung cho thị trường, gắn với vai trò người mua bán cuối cùng", ông nói.

Đa số các doanh nghiệp đều cho rằng với múc trúng thầu sáng nay, giá trong nước chưa thể hạ ngay. Trò chuyện với PV bên lề phiên đấu thầu, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận nhìn nhận: "Trước mắt, việc đấu thầu vàng như thế này chủ yếu để tăng cung cho thị trường. Còn giá cả trên thị trường sẽ do cung cầu quyết định".

Chung quan điểm, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cho rằng, không thể nào kéo ngay giá trong nước sát với thế giới chỉ qua một vài phiên đấu thầu.

Điều quan trọng là trong phiên sáng nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mức giá mà các thành viên tham gia có thể chấp nhận được. Do đó, 25.700 lượng vàng đã được mua hết. Điều này đồng nghĩa với việc một nguồn cung vàng thực sự đã bắt đầu ra thị trường.

Theo ông Tường, nếu phiên đấu thầu ngày mai tiếp tục thành công và chẳng hạn một lượng vàng tương đương hôm nay được bán hết, khi đó, thị trường đã tiếp nhận hơn 50.000 lượng vàng, gần 2 tấn. "Đây là một con số khá lớn. Nếu duy trì đà này thì cung sẽ áp đảo cầu và không lâu giá trong nước tự khắc sẽ về sát với thế giới", ông nhận xét.

Bà Võ Thị Ngọc Tuyết, có thể sau nhiều phiên đấu giá, giá vàng trong nước mới về gần hơn với quốc tế. Các doanh nghiệp cho rằng hiện giá vàng thế giới đang trên đà giảm, nhưng giá trong nước hiện không hoạt động tuân theo giá quốc tế. Đó là lý do dù vàng thế giới hạ 650.000 đến 700.000 đồng mỗi lượng so với sáng qua, nhưng trong nước giảm chưa bằng nửa.

"Vàng trong nước hiện được dẫn dắt bởi yếu tố cung cầu là chủ yếu. Khi thị trường được tăng cung, giá vàng trong nước sẽ đi xuống", bà Tuyết nhìn nhận.

Thị trường vàng trong nước phản ứng khá nhanh với những thông tin đầu tiên lọt ra từ phiên đấu thầu. Giá niêm yết tại các doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh giảm xuống tương ứng với giá chào sàn của Ngân hàng Nhà nước. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn lúc 10h có giá 43,30-43,50 triệu đồng một lượng, ngay lập tức giảm về 43,20-43,40 triệu đồng.

Tập đoàn DOJI cũng nhanh chóng hạ giá từ mốc 43,36-43,49 triệu đồng xuống còn 43,26-43,40 triệu đồng lúc 10h.

Trước đó, trong khi chờ đợi giá chào sàn của phiên đấu thầu, doanh nghiệp này mở cửa ngày với mức giảm khá dè dặt, bất chấp thị trường thế giới vừa trải qua phiên giảm mạnh của ngày trước và rớt sâu trong sáng nay. Thậm chí, ít phút sau DOJI lại điều chỉnh tăng trở lại, dù thế giới tiếp tục giảm.

Đến 11h trưa, tuy phiên đấu thầu vẫn chưa kết thúc nhưng giá ngoài thị trường có dấu hiệu tăng lên nhẹ.

Theo đó, Công ty SJC yết giá thu gom tăng thêm 50.000 đồng, lên 43,25 triệu đồng, còn bán ra chạm 43,45 triệu đồng. DOJI cũng điều chỉnh mua bán sát mốc 43,36-43,45 triệu đồng. Các mức giá này giữ cho đến 14h chiều nay. Trong khi đó, giá vàng quốc tế đứng quanh 1.551 USD, tương đương 39,2 triệu đồng. Như vậy, chênh lệch giữa vàng nội và ngoại hiện nay vẫn còn duy trì 4,2 triệu đồng.

Biên độ mua bán cũng được các doanh nghiệp duy trì 150.000-200.000 đồng thay vì 50.000-70.000 đồng của ngày hôm qua. Động thái này cho thấy các đơn vị kinh doanh vàng đang ở thế "phòng ngự" trước rủi ro giá vàng thế giới giảm tiếp.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn