Từng được biết đến là một trong những cổ phiếu hấp dẫn bậc nhất trên thị trường với mức giá lên tới 700.000 đồng, SJS đã bị HSX ngừng giao dịch. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012, SJS lỗ 302,7 tỉ đồng.
Đáng chú ý, ở phần ý kiến kiểm toán, kiểm toán viên của Ernst & Young đã đặt dấu hỏi về khả năng tiếp tục hoạt động của SJS. Lý do được đưa ra là: Khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2012 với số tiền 304,5 tỉ đồng (trên báo cáo, con số là 286,6 tỉ đồng).
Tại thời điểm cuối năm, SJS có khoản lỗ lũy kế 387,7 tỉ đồng. Đồng thời, tổng dư nợ ngắn hạn của công ty lên đến 2.255 tỉ đồng, vượt tổng số dư tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao (loại trừ hàng tồn kho) với số tiền là 1.755,6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo ý kiến của kiểm toán viên của Ernst & Young thì, Hội đồng Quản trị và Ban giám đốc SJS đã có kế hoạch tài chính để công ty có khả năng xử lý và thanh toán các khoản nợ đến hạn trả và tiếp tục hoạt động trong năm tài chính tiếp theo (mặc dù kế hoạch vẫn chưa được nêu cụ thể).
SJS tự tin kinh doanh có lãi trong năm 2013. |
Giải trình những vấn đề trên, trong văn bản số 196/CV-CT-TCKT về việc giải trình kết quả kinh doanh năm 2012 và phương hướng khắc phục năm 2013, SJS lý giải về số lỗ của công ty như sau:
Thời gian qua, do tinh hình chung của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản nên trong năm 2012, Công ty chỉ tập trung vào xây dựng, đầu tư hoàn thiện hạ tầng các dự án (Nam An Khánh, Văn La – Văn Khê..) và chưa triển khai kinh doanh bán hàng. Do vậy, chưa ghi nhận doanh thu để bù đắp các khoản lỗ từ chi phí của công ty.
SJS cũng cho rằng, việc thị trường chứng khoán năm 2012 chịu tác động từ các thông tin vĩ mô nên phần lớn các khoản đầu tư tài chính vào các công ty con và công ty liên kết đều giảm giá. Vì vậy, công ty đã phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính đối với các khoản đâu tư này.
Đồng thời, một số công ty thuộc diện này đang trong giai đoạn đầu tư và chưa mang lại doanh thu để bù đắp chi phí quản lý, chi phí tài chính.
Ngoài ra, SJS cũng cho rằng, do thị trường bất động sản có nhiều biến động nên để đảm bảo tính thận trọng cho mục tiêu lợi nhuận của các năm tiếp theo, trong kỳ, Công ty đã chủ động trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư vào các dự án (Công ty đã chủ động trích lập 145 tỉ đồng dự phòng giảm giá).
Về giải pháp khắc phục, SJS khẳng định là hoàn toàn có thể xử lý được với khối lượng tài sản lớn là các dự án bất động sản đã đủ điều kiện kinh doanh như Khu đô thị mới Nam An Khánh, Văn La – Văn Khê, Khách sạn Sông Đà – Hạ Long…
Theo đó, SJS cho rằng, những dự án này đều được thực hiện từ năm 2003, 2004 nên có chi phí giá thành thấp, SJS có thể hoàn toàn chủ động kinh doanh với các mức giá khác nhau mà vẫn luôn đảm bảo lợi nhuận cho Công ty do các tài sản này đều có giá trị lớn, mang tính thanh khoản cao.
SJS khẳng định: Với nguồn tài sản hiện có, SJS sẽ đảm bảo bù đắp đủ các khoản lỗ lũy kế trong năm 2012, đồng thời đảm bảo lợi nhuận dương cho các năm tiếp theo.
Và để đảm bảo hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cũng như dòng tiền để trả nợ trong năm 2013, SJS đã có phương án kinh doanh một phần diện tích đất kinh doanh thuộc dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hội đồng Quản trị của SJC đã có nghị quyết về việc triển khai kinh doanh từ 7 – 8 ha đất thương phẩm trong năm 2013 của dự án với giá trị khoảng 1.300 tỉ đồng).
Đồng thời SJS cũng sẽ tiến hành thu hồi 220 tỉ đồng công nợ đối với phần diện tích đất đã chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ phát đã phát sinh trong năm trước…
Bên cạnh đó, SJS cũng đã và đang đàm phán với một số đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh và sẵn sàng hợp tác góp vốn hoặc chuyển nhượng dự án.
SJS tự tin, với những phương án trên và căn cứ vào tình hình thực tế của công ty, năm 2013, SJS sẽ có lợi nhuận, đủ bù đắp cho các khoản lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2012.
Theo Petrotimes