Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP HCM, một thực trạng nhức nhối vẫn đang tồn tại là vàng trang sức kém chất lượng được đưa ra thị trường ngày càng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín ngành kim hoàn Việt Nam.
"Người tiêu dùng luôn có tâm lý chất lượng vàng trang sức là lĩnh vực mà người mua luôn bị ép và bị lừa; còn người bán là những doanh nghiệp thì giàu lên từng ngày là bởi vì thị trường này hiện chưa được quản lý chặt", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Dưng, các cơ quan quản lý Nhà nước dù đã nhiều lần vào cuộc kiểm tra đành bó tay vì không xử lý được. Nguyên nhân là chính sách không minh bạch, rõ ràng. Chẳng hạn trong các tiêu chuẩn quốc gia về vàng, có tới 17 tiêu chuẩn và được chọn đến 4 phương pháp thử. Do vậy, khi kiểm tra ai cũng đúng theo công bố chất lượng vì có quá nhiều cách lách.
Nhiều kẻ hở trong chính sách khến thị trường nữ trang khó kiểm soát.
Ông Dưng cho rằng Bộ khoa học và Công nghệ cần phải can thiệp ngay bằng những quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng vàng trang sức, vàng mỹ nghệ trên thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP HCM cho biết hiện nay nhiều nước đã có biện pháp can thiệp của nhà nước nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Chẳng hạn ở Ấn Độ hệ thống tiêu chuẩn chỉ gồm 7 độ tuổi, Hong Kong và Malaysia hệ tiêu chuẩn 5 độ tuổi...Do đó, ông kiến nghị Việt Nam cũng cần có hệ tiêu chuẩn riêng cho vàng trang sức, mỹ nghệ từ 17 hiện nay xuống 6 tiêu chuẩn (24K, 22K, 18K, 14K, 12K và 10K).
Ngoài ra, nhận xét về quy định trong Nghị định 24, hoạt động sản xuất gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký mã hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm... ông Dưng cho rằng rất mơ hồ.
Bởi ở đây hàm lượng là chuẩn vàng, khối lượng là trọng lượng của một sản phẩm mà tiêu chuẩn khối lượng chưa có quy định thống nhất nên rất khó thực hiện. "Khi đó, chất lượng vàng trang sức lại tiếp tục bị thả nổi không thể kiểm soát được như từ trước đến nay", ông lo ngại.
Để khắc phục tình trạng này, ông Dưng đề xuất quy định sản phẩm đóng tiêu chuẩn vàng bằng ký hiệu kara (K), hay hàm lượng % khối lượng. Đồng thời Nhà nước nên thống nhất trên toàn quốc tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, kinh doanh mua bán vàng, giao dịch trang sức.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cũng bày tỏ, để tạo dựng lòng tin nơi người mua vàng trang sức, điều quan trọng trước tiên là việc chuẩn hóa chất lượng và trọng lượng. "Làm sao mà vàng nhẫn 2 chỉ, 99,99 mua ở cửa hàng A khi mang bán cho cửa hàng B, trọng lượng và tuổi vàng không bị đánh giá thấp hơn và người mua không bị ép giá và chịu thiệt", bà nói.
Để làm được điều này, bà Nguyệt đề xuất nên quy định chuẩn hóa độ tuổi và trọng lượng, có sự thống nhất trên toàn quốc. Các sản phẩm vàng mua bán trên thị trường ngoài hóa đơn ghi rõ nguồn gốc, chất lượng, trọng lượng vàng cần khuyến khích cửa hàng khắc dấu tuổi vàng, tên từng sản phẩm...
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng nhu cầu về vàng, nữ trang là nhu cầu có thực trong đời sống con người từ lâu đời, vì vậy cần có chính sách kinh tế phù hợp để điều chỉnh, phát triển. Đồng thời, một số chuyên gia cũng đề nghị Nhà nước và ngành vàng Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới chính sách để phát triển thị trường vàng trang sức Việt Nam và cho xuất khẩu.
Theo VNE