Thương, nhân viên kinh doanh của một ngân hàng có trụ sở đóng trên địa bàn quận 1, TP.HCM thường lân la khắp các khu phố để tiếp cận và làm quen với những vị tổ trưởng. Thông qua những đầu mối quan trọng này, cô xin phép tham gia các buổi sinh hoạt hàng tuần ở khu phố để gặp gỡ và giới thiệu các chương trình cho vay cá nhân đến các hộ dân trên địa bàn.
Nhân viên ngân hàng rốt ráo tìm kiếm khách hàng cá nhân. |
Thương thấy cách làm này khá hiệu quả so với việc "xông tới từng nhà gõ cửa" mời vay vốn. "Trong không khí sinh hoạt vui vẻ, lại được tổ trưởng khu phố đứng ra "nói giúp" nên người dân đón nhận thông tin khá cởi mở", cô bộc bạch.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 3 nhích khá chậm, chỉ đạt 0,3% so với cuối năm ngoái. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP.HCM tâm sự 3 tháng đầu năm, dư nợ tại nhà băng ông chỉ mới thoát khỏi mức âm.
Vị lãnh đạo này thừa nhận hiện nay rất khó đẩy tín dụng ra cho vay doanh nghiệp bởi nợ xấu ngày một nhiều mà chưa có phương án giải quyết. Do đó, đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân được nhiều ngân hàng lựa chọn để tăng trưởng tín dụng, tìm kiếm lợi nhuận.
"Trong tình thế khó khăn như hiện nay, ngân hàng không còn bị động ngồi chờ khách tới như trước mà nhân viên nhà băng phải linh hoạt hơn trong cách tiếp cận khách hàng", ông nói.
Ngoài cách làm như của Thương, chiêu được các nhân viên ngân hàng ưa dùng trước nay là liên tục gửi mail, gọi điện, nhắn tin... để mời vay vốn. Chị Nga Phương, trưởng phòng xuất nhập khẩu của một công ty may mặc đóng trên địa bàn quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, gần như ngày nào chị cũng nhận được mail hoặc tin nhắn từ các nhân viên ngân hàng gửi đến.
Trường hợp của chị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) không chỉ giờ hành chính, ngay cả trong lúc nghỉ trưa chị cũng được các nhân viên nhà băng liên tục săn đón. "Từ ra Tết, những cuộc gọi tương tự ngày càng nhiều và các nữ nhân viên đều cam kết có thể giải ngân đến 10 tháng lương, với lãi suất ưu đãi", chị Thanh kể lại.
Anh Long (nhân viên một công ty truyền thông lớn tại Cầu Giấy) cho biết gần đây không chỉ anh mà hầu hết mọi người trong công ty đều nhận email mời mọc vay tiền. Trong thư, nữ nhân viên tự giới thiệu đang làm ở ngân hàng nước ngoài và nêu rõ cả họ tên của chúng tôi.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Eximbank lý giải, cho vay đối tượng khách hàng cá nhân, nhà băng vừa có thể thu được lãi suất cao hơn doanh nghiệp, lại vừa phân tán được rủi ro. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, việc đẩy mạnh tín dụng thông qua đối tượng này cũng không phải dễ.
Theo ông, ngay cả gói cho vay mua nhà 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 12%, cố định trong vòng 2 năm... mà nhà băng triển khai hôm cuối năm 2012, đến nay vẫn chưa giải ngân được nhiều. Nguyên nhân theo ông là thị trường bất động sản vẫn khó bán trong khi người mua còn khá dè dặt nên không muốn vay.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn cho biết, bản thân các nhà băng cũng muốn bán được sản phẩm (cho vay ra), nên rất nhiều lần hạ lãi suất, đồng thời nhân viên cũng dùng đủ cách thức linh hoạt để tiếp cận, chào mời, song hồ sơ vay vốn vẫn không khả quan.
Riêng Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín do trước giờ mảng bán lẻ là thế mạnh nên tăng trưởng dư nợ có vẻ khả quan hơn đôi chút. Theo Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang, trong 3 tháng đầu năm tuy tổng dư nợ gần như không tăng nhưng tín dụng cho vay tiêu dùng đã tăng được 4-5% so với cuối năm ngoái.
Ông cũng thông tin, mức lãi suất cho vay (có thế chấp) đã giảm nhiều so với trước. Hiện nay mức lãi suất phổ biến 9,9% đối với cho vay tính theo dư nợ ban đầu, và 15-16% theo dư nợ giảm dần.
Tuy nhiên, mức lãi suất "mềm này" thường chỉ áp cho vay thế chấp, còn tín chấp hiện vẫn khá cao. Tại một số ngân hàng nội, lãi suất cho vay tín chấp phổ biến ở 18%-20% một năm, trong khi ngân hàng ngoại có nơi lên tới 23-24% một năm, tính theo dư nợ giảm dần, còn tính theo dư nợ ban đầu dao động 13-15%.
"Mức lãi suất như thế này vẫn là quá cao so với tiền lương hiện nay của chúng tôi", chị Mai, nhân viên kế toán một công ty du lịch bộc bạch.
Theo VnExpress