Tín dụng mong manh: Nới chỉ tiêu, giữ chất lượng

Thứ hai, 03/09/2012, 09:01
Một số ngân hàng (NH) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng hạn mức tín dụng, lên đến 25% - 30% thay cho các mức 17%, 15%, 8% và 0%/năm dành cho bốn nhóm ngân hàng được công bố hồi đầu năm. Tuy nhiên, dấu hiệu này vẫn chưa đủ để lạc quan về tín dụng ngân hàng.
NH Tiên Phong, NH Đại Dương được nới tăng trưởng tín dụng tối đa lên 27% so với thời điểm cuối năm 2011. NH Quân đội (MB) cũng được nâng hạn mức tín dụng lên 25% so với năm 2011. NH Việt Nam thịnh vượng và NH Phát triển nhà TP.HCM được nới tín dụng lên khoảng 30%.

Trước đó, một số ngân hàng 100% vốn nước ngoài được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo kiểu cộng gộp chỉ tiêu tăng trưởng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và chỉ tiêu của ngân hàng con.

Ở một số ngân hàng nước ngoài, do tín dụng ngoại tệ nhiều hơn nội tệ và nhiều tín dụng xuất nhập khẩu nên hợp đồng bảo lãnh thanh toán một số khoản vay cũng được tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng mới.

 
NHNN đã xét các hạn mức tín dụng mới dựa trên một số yếu tố, như chất lượng tín dụng, cơ cấu khách hàng, kết quả tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm của các NH.

Giới NH cho rằng đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh hầu hết các NH hiện còn cách xa giới hạn tăng trưởng tín dụng được phép và nhiều ngân hàng thậm chí vẫn tăng trưởng tín dụng âm. Song, các NH cũng cho rằng chưa đủ để lạc quan với nền tín dụng vẫn rất mong manh hiện nay.

 
Trước hết, thị phần của nhóm NH cổ phần nhóm trung và ngân hàng nước ngoài được điều chỉnh tín dụng này quá nhỏ, chỉ chiếm dưới 8%. Cho nên, nếu các NH này tăng tín dụng gần hết hay kịch trần "room" đã nới cũng không thay đổi nhiều cục diện thị trường.
 
Các chuyên gia phân tích của SSI cho biết, việc nâng trần tăng trưởng tín dụng có vẻ như một động thái kích thích các NH nhỏ nhưng không cải thiện được tình hình tín dụng của toàn hệ thống bởi vấn đề ở đây không phải là room tín dụng cao mà là làm sao để các ngân hàng lớn cho vay được.
 
"Tốc độ tăng trưởng bao nhiêu phần trăm không nói lên nhiều mà khối lượng tăng trưởng tín dụng tăng lên mới đáng chú ý. Một NH nhỏ tăng tín dụng từ 1.000 tỉ lên tới 2.000 tỉ (100%) thì dễ, nhưng với một ngân hàng có tín dụng 300 nghìn tỉ lên 600 nghìn tỉ là không tưởng", một lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chia sẻ.

Ông cho rằng chưa nên lạc quan rằng các NH sẽ tăng trưởng hết hạn mức mới và việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống cuối năm ở mức 8 - 10% là "cực kỳ chông gai".

 
Hiện các ngân hàng đang chiếm giữ thị phần lớn nhất tăng trưởng tín dụng rất ì ạch. Theo số liệu của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 3% so với cuối năm 2011.
 
taichinh1312788808_1346420454.jpg - 247.89 KB
 
Một số ngân hàng (NH) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng hạn mức tín dụng

Trong khi đó, huy động thị trường I tăng trưởng cao hơn nhiều so với tín dụng, đạt 5,7% trong sáu tháng. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm của ngân hàng này sẽ thấp hơn so với kế hoạch tăng lợi nhuận 15% và tín dụng 17% đã đưa ra. "Chỉ cần tăng tín dụng 10% đã là thành công rất lớn", một vị lãnh đạo Viecombank nói.
 
Vẫn theo VCBS, ở Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng đầu năm đã âm 3,1% so với cuối năm 2011 trong khi đó tốc độ gia tăng nợ nhóm 3-5 của ngân hàng lên tới 220% so với cuối 2011 khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao đột biến từ 0,75% cuối 2011 lên 2,4% trong quý II năm nay.
 
Ở các ngân hàng phía Nam, tăng trưởng tín dụng của Sacombank cũng âm 1,9% trong sáu tháng, mặc dù huy động tăng tới 9%. Tín dụng của Eximbank chỉ tăng nhẹ 0,97% so với đầu năm trong khi huy động từ thị trường I tăng trưởng mạnh, 16,8%. Tăng trưởng tín dụng trong quí II của ACB đạt 0,86% so với đầu năm, tương đương với mức tăng của toàn ngành trong khi huy động từ thị trường I tăng cao hơn tín dụng, đạt 3,9% so với đầu năm.

Các số liệu trên cho thấy, lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực lớn và các công ty tư nhân sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn.

 
Đừng chạy theo chỉ tiêu
 
Tín dụng chưa có dấu hiệu cải thiện. Thông tin của chúng tôi cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8 là 1,4%. Theo NHNN, trong 7 tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58% so với cuối năm 2011. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tăng đáng kể.

Sự sôi động của thị trường trái phiếu, tín phiếu với tỷ trọng tham gia nhiều vào thị trường trái phiếu hơn mức dùng cho quản trị thanh khoản và tăng trưởng tín dụng thấp cũng cho thấy dòng tiền vẫn luẩn quẩn trong ngân hàng.

 
Một yếu tố khác khiến tín dụng tuy tăng cao ở một số ngân hàng nhỏ nhưng rất mong manh chính là nền khách hàng của các ngân hàng này.

"Mỗi nhóm ngân hàng có bài tập riêng của mình", một chuyên gia đang làm việc trong ngân hàng nước ngoài nói - "ở một số ngân hàng mới, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được áp đặt từ trên xuống, các chi nhánh phải "chạy" cho ra chỉ tiêu đó nên việc cho vay nhiều khi thiếu bài bản, vì không xác định rõ khách hàng về lâu dài và chiến lược dài hơi của mình".

 
Các chuyên gia của công ty VCBS cho rằng sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ hơn trong hệ thống với lợi thế thuộc về các ngân hàng có chi phí vốn thấp, chất lượng quản lý rủi ro tốt và cơ sở khách hàng chất lượng.
 
Một điểm đáng chú ý khác, là ở một số ngân hàng đang xảy ra tình trạng tái cấu trúc nợ với các nhóm khách hàng tự phát. Nền khách hàng của các ngân hàng mới chưa có thị trường ngách của riêng mình, do đó, một số khách hàng nhóm C của ngân hàng cũ khi chuyển sang ngân hàng mới có thể trở thành khách VIP của ngân hàng mới này.

Trước đây dư nợ trung bình của một ngân hàng nhỏ cấp cho một doanh nghiệp khoảng 10 tỉ đồng đổ lại nay có thể tăng đến vài lần, vì thế cũng khiến ngân hàng nhỏ phải xin thêm ngoại lệ tăng trưởng tín dụng để giữ khách. Ở một góc độ nào đó, nợ xấu dường như đang chạy từ chỗ này sang chỗ kia.


 
Theo Vef

Các tin cũ hơn