“Lẽ ra, nên thu cả phí nước mưa”

Thứ ba, 09/04/2013, 11:28
Nước mưa thì không phải đóng phí. Thoạt nghe, có vẻ đương nhiên đúng, nhưng không thu phí nước mưa chưa hẳn đúng.

Nước mưa không vô hại

Theo Nghị định 25 về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải vừa được ban hành ngày 29/3, nước mưa không phải đóng phí. Thoạt nghe, điều này có vẻ đương nhiên đúng.

Tuy nhiên, PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh, nguyên Phó cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) chỉ ra sự cần thiết phải thu phí nước mưa. Theo ông, cần chia ra hai loại nước mưa chảy tràn:

Loại nước mưa tự nhiên chảy tràn qua sân hộ gia đình, rồi chảy xuống cống, rãnh... không nên thu phí.

Nhưng nên thu phí với nước mưa tràn qua các khu công nghiệp, bãi trữ nguyên vật liệu, thuốc bảo vệ thực vật... Bởi khi nước mưa tràn qua sẽ cuốn theo chất độc, hóa chất... Nguồn nước ô nhiễm này gây nguy hại khi xả ra môi trường.

Các nước tiên tiến trên thế giới, nước mưa chảy tràn từ các cơ sở sản xuất được kiểm soát chặt chẽ. Sự hạn chế này theo hướng giảm đến mức tối đa lượng nước mưa chảy tràn ra hệ thống tiêu thoát nước tập trung.

thu phí nước mưa
Loại nước mưa tự nhiên chảy tràn qua sân hộ gia đình, rồi chảy xuống cống, rãnh... không nên thu phí.

Vị Phó tổng Thư ký Hội Bảo vệ môi trường Việt Nam này cho biết, tài nguyên nước là thành phần môi trường đặc biệt quan trọng và dễ bị tổn thương. Có nhiều nguồn ô nhiễm môi trường nước, trong đó nghiêm trọng nhất chính là nước thải, chất thải. Minh chứng ở nước ta có những dòng sông chết do nước thải ô nhiễm xả trực tiếp ra như sông Tô Lịch (Hà Nội). Do vậy, nên có chính sách cụ thể kiểm soát nước thải.

“Thu phí để nâng cao ý thức người dân và xã hội trong bảo vệ nguồn nước, môi trường. Không thu phí đối với nước mưa chảy tràn từ các cơ sở sản xuất là không đúng và thiếu nhất quán với chính các quy định khác của Chính phủ”, ông Huỳnh cho biết thêm.

Không có căn cứ để thu


PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi trường tính toán, làm sao để thu được phí nước mưa?

Trước hết, theo ông Chinh, chỉ nên thu phí khi có hệ thống thu gom, tập trung xử lý nước mưa. Ví dụ như, ở Nhật Bản, sau trận mưa, nước trong thành phố được thu về, xử lý trước khi xả ra môi trường. Ở Việt Nam ta nếu làm được vậy quá tốt, nhưng điều kiện hiện nay không cho phép.

Hơn nữa, thu phí nước mưa chảy tràn qua doanh nghiệp, cần có công thức tính lượng nước, chất độc trong nước... Những thứ này, nước ta chưa có. Trong khi đó, thu phí nước mưa không thể dùng cảm tính, phải rõ ràng.

Kinh nghiệm làm quản lý của ông Chinh cho thấy, không dễ gì thu được tiền doanh nghiệp, muốn thu của người ta, phải đưa ra căn cứ chính xác. Ông Chinh ví dụ: “Thu phí nước mưa tràn của doanh nghiệp than, cần trả lời cho họ số lượng nước mưa gây ô nhiễm bao nhiêu? Căn cứ vào đâu có con số đó? Đương nhiên, sẽ chẳng có căn cứ nào”.

Chưa kể, công cụ, phương tiện để thu được phí nước mưa, nước ta cũng chưa có. Ví dụ, thu phí nước thải sinh hoạt trực tiếp trên giá bán đầu vào của một mét khối nước sạch. Nước mưa tự nhiên chảy, không có “đầu vào” như nước sinh hoạt. Như vậy, thu phí nước mưa chỉ có cách... đến từng công ty xí nghiệp đòi tiền. Cách này, chi phí cho người thu tiền có thể còn cao hơn phí nước mưa thu được.

Do vậy, theo vị Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, điều kiện nước ta hiện nay, thu phí nước mưa chảy tràn thiếu tính khả thi.

Kinh nghiệm ở nước Đức, doanh nghiệp cung cấp nước trả tiền cho dân để họ không dùng nước vào việc gây ô nhiễm. Bởi nếu nước ô nhiễm xả ra môi trường, chi phí xử lý đắt đỏ. Do vậy, thà mất tiền để người dân bảo vệ nước, còn hơn để thải ra rồi xử lý.

Theo GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, có thể đặt đồng hồ nước tại cống xả nước mưa ở các doanh nghiệp là căn cứ thu phí. Tuy nhiên, có khi lượng mưa ít, nhưng mang chất độc nhiều và ngược lại, có doanh nghiệp nước mưa nhiều nhưng ít độc. Trong khi đó, công thức tính mức gây hại của nước mưa chảy tràn chưa có, do vậy, không có căn cứ để thu.

“Nếu chưa có công thức tính toán chính xác, khoa học thì đừng thu phí”, ông Hoan cho hay.

Theo Nghị định số 25/2013/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 29/3, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của 1m3 nước sạch. Nhưng tối đa không quá 10% giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Nghị định cũng quy định không thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong 6 trường hợp:

1- Nước xả ra từ các nhà máy thuỷ điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường;

2- Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra;

3- Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội;

4- Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch;

5- Nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; 6- Nước mưa tự nhiên chảy tràn.

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn