Các chuyên gia thực hiện báo cáo đánh giá rằng, nền kinh tế Việt Nam khá chật vật trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ì ạch. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 1 tăng gần 4,9%, so với mức tăng 5,8% đạt được trong quý 4/2012.
JPMorgan Chase nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế vẫn là một mối lo của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Năm 2012, GDP Việt Nam tăng 5%, giảm mạnh từ mức 5,9% đạt được trong năm 2011, đồng thời là mức tăng thấp nhất kể từ đầu thập niên 2000. Ngoài ra, mức tăng này cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ đề ra.
“Mức tăng trưởng khiêm tốn này phản ánh thực trạng về bảng cân đối kế toán của các ngân hàng còn bất ổn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, năng lực quản trị yếu. Những yếu tố này cản trở sự tăng trưởng của tín dụng và đầu tư, bất chấp xuất khẩu vẫn tăng trưởng tích cực, quản lý kinh tế tốt hơn và những lợi thế về dân số”, báo cáo viết.
Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm các lãi suất điều hành từ 0,5-1%. |
“Chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ tiếp tục tăng trưởng dưới mức trung bình, đạt khoảng 5,2%. Tăng trưởng sẽ còn ở ngưỡng này cho tới khi Chính phủ làm sạch được số nợ xấu trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng”, báo cáo nhận định.
Dù lạm phát đang vững dần lên, nhưng JPMorgan Chase cho rằng, các áp lực lạm phát vẫn còn yếu trong thời gian tới. Trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 7% trong tháng 2 - tháng có kỳ nghỉ Tết âm lịch. Từ tháng 9 tới nay, lạm phát dao động trong khoảng 6,5-7,1%.
Theo dự báo của ngân hàng này, trong những tháng tới, lạm phát sẽ tăng dần, có thể đạt đỉnh 7,7% vào tháng 7, sau đó giảm dần về khoảng 5,5% vào cuối năm. Như vậy, lạm phát cả năm 2013 có thể ở mức 6,6%, so với mức 9,1% trong năm 2012.
Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm các lãi suất điều hành từ 0,5-1%, đưa lãi suất chiết khấu về 6% từ 7%, lãi suất tái cấp vốn về 8% từ 9%, và trần lãi suất tiền gửi về 7,5% từ mức 8%.
“Trước kia, Việt Nam nới lỏng chính sách quá mạnh và quá nhanh, theo đuổi tăng trưởng mà chưa chú trọng nhiều vào ổn định kinh tế. Tuy nhiên, từ tháng 11 năm ngoái tới trước lần hạ lãi suất này, Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên lãi suất trong khi CPI giảm về 6,6% từ mức 7,1%”, JPMorgan Chase nhận định.
Trong bối cảnh tăng trưởng còn yếu, JPMorgan Chase dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn giữ lãi suất thực thế thực dương lâu thêm nhiều. “Chúng tôi dự báo lãi suất sẽ giảm thêm 1% trong năm nay”.
Cũng theo báo cáo, việc cán cân thương mại của Việt Nam xấu đi gần đây không phải là điều gì đáng lo ngại. Trong tháng 3, cán cân này thâm hụt 300 triệu USD. Mức thặng dư 900 triệu USD của tháng 2 cũng được điều chỉnh thành khoản thâm hụt 94 triệu USD.
Với sự điều chỉnh này, thặng dư thương mại từ đầu năm giảm còn 481 triệu USD. Tuy nhiên, đây là sự khởi đầu tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây, ngoại trừ năm 2009 khi cán cân thương mại quý 1 được hỗ trợ tạm thời bởi xuất khẩu vàng.
Báo cáo nêu rõ, trong mấy năm qua, cán cân thương mại của Việt Nam đã được cải thiện nhanh chóng. Thâm hụt thương mại đạt đỉnh gần 20% GDP vào năm 2008. Tiếp đó, mức thâm hụt giảm còn 13,2% GDP vào năm 2009, 11,8% vào năm 2010, và 7,9% vào năm 2011.
Theo dự báo của JPMorgan Chase, thặng dư thương mại của Việt Nam năm nay sẽ ở mức khoảng 0,2%, từ mức thặng dư 0,7% trong năm ngoái. “Ngay cả khi thâm hụt trở lại, thì nguồn kiều hối lớn và đều đặn cùng với các dòng vốn FDI vẫn sẽ hỗ trợ cho cán cân thanh toán”, báo cáo viết.
Báo cáo cho rằng, mấu chốt vẫn là cần giữ lạm phát ổn định. Lạm phát cao có thể dẫn tới việc người dân chuyển vốn từ VND sang USD và vàng. Trước đây, việc chuyển vốn này là nguyên nhân chính dẫn tới sự bất ổn của cán cân thanh toán.
“Tuy nhiên, với trần lãi suất tiền gửi VND ngắn hạn ở mức 7,5%/năm, tăng trưởng tín dụng và kinh tế còn yếu, chúng tôi nhận thấy hầu như không có rủi ro của sự chuyển vốn do lạm phát”, báo cáo kết luận.
Theo VnEconomy