Bất thường
Thượng tuần tháng 3/2013 dường như chứng kiến vài biến động bất thường. Động thái đầu tiên đến từ Ngân hàng nhà nước.
Trong cuộc họp với các ngân hàng Đà Nẵng mới đây, thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã hé lộ một thông tin đáng chú ý: Có thể từ đầu tuần tới, Ngân hàng nhà nước sẽ can thiệp rất mạnh vào thị trường vàng.
Phát biểu này của thống đốc diễn ra sau khi có quyết định số 563 của cơ quan này về quy trình mua bán vàng miếng, và trước sự có mặt của Trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh cùng hàng loạt khuyến cáo như “nhiều ngân hàng báo cáo láo thành quen” của ông.
Trước cuộc họp trên, giá vàng cũng đã được ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch HĐQT công ty SJC TP.HCM - “cam kết” sẽ giảm về sát giá thế giới trong một thời gian ngắn. Chưa biết lời khẳng định này có ý nghĩa như thế nào, chỉ biết rằng từ đó đến nay giá vàng trong nước đã không còn duy trì độ chênh cao đến 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Cùng thời điểm với cuộc họp ngành ngân hàng ở Đà Nẵng, trên trang web của Ngân hàng nhà nước cũng xuất hiện một số phân tích liên quan đến vấn đề bình ổn thị trường vàng.
Đáng chú ý, những phân tích này đánh giá khá tiêu cực về xu hướng tăng giá của vàng trong nước và kể cả vàng thế giới. Theo đó, 1.600 USD/ounce là ngưỡng kháng cự rất cứng mà rất có thể giá vàng thế giới sẽ không vượt qua được, hoặc chỉ dao động xung quanh ngưỡng này.
Trong khi đó, “thành tích” của cơ quan quản lý vàng là đã làm cho giá vàng trong nước giảm từ 48 triệu đồng/lượng trước đây xuống còn khoảng 44 triệu đồng/lượng hiện nay.
Tuy không đề cập chi tiết đến kết quả thực hiện “quyết tâm” kéo giá vàng trong nước về tương đương giá vàng thế giới trong thời gian qua, nhưng những phân tích trên cũng không quên khẳng định trong thời gian ngắn nữa, vàng nội có nhiều cơ hội để về ngang giá với vàng ngoại.
Có lẽ từ lâu nay người ta mới nhận ra một vài đánh giá trên trang web Ngân hàng nhà nước về tình hình các thị trường.
Theo đó, thị trường chứng khoán được nêu bật với mặt bằng giá cổ phiếu đang rất thấp. Từ phân tích này, giới đầu tư hoàn toàn có thể hiểu cần phải ném tiền vào đâu trong bối cảnh vàng nội gần như không còn hy vọng nào tăng giá, nếu không muốn nói là ngược lại.
Chứng khoán?
Nếu mọi chuyện diễn biến đúng theo lời hé lộ của thống đốc Ngân hàng nhà nước, tuần cuối cùng của quý 1/2013 sẽ chứng kiến giá vàng trong nước không còn giữ được mốc 44 triệu đồng/lượng, thậm chí vàng còn nhiều cơ hội rớt thấp hơn nữa.
Phía dưới, ngưỡng 41-42 triệu đồng/lượng đang chờ đón. Hiện thời, giá vàng thế giới quy đổi đang tương đương khoảng 40,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, nhiều khả năng giá vàng trong nước cùng lắm cũng chỉ có thể chênh cao khoảng 0,5 - 1 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Khung cảnh trên lại nằm trong bối cảnh lãi suất huy động đang được kéo giảm khá đồng loạt tại nhiều ngân hàng. Vào lần này, mức giảm có thể chỉ khoảng 1%, nhưng cũng có thể đủ làm cho ngưởi gửi tiền tiết kiệm thêm lo lắng, giảm bớt nhiệt tình của người dân vào “kênh đầu tư an toàn nhất Việt Nam”.
Vàng xuống, lãi suất giảm - đó là hiện tượng gì vậy? Chỉ đơn thuần là động cơ bình ổn giá vàng và bình ổn thị trường hay còn hàm chứa lý do nào khác?
Hiểu một cách chân phương, nếu hai kênh đầu tư trên không còn sức sống thì nền kinh tế chỉ còn duy nhất chứng khoán là “sự chọn lựa số một”.
Giới đầu tư Việt Nam - những người có máu mặt đã phải xám mặt trong suốt hơn hai năm qua vì không biết bỏ tiền vào đâu, chẳng lẽ sẽ thêm một lần nữa đánh đố với những rủi ro tràn trề trong một thị trường cổ phiếu quá thất thường?
Cần nhắc lại, suốt thời kỳ kéo giảm lãi suất huy động từ 14% xuống 8% trong vòng một năm qua, lượng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng vẫn không hề giảm sút. Tương quan đó cho thấy cùng với đà suy thoái của nền kinh tế, hầu hết các thị trường đầu cơ chính đều không còn sức hấp dẫn như đã từng được duy trì cách đây ba năm.
Hay bất động sản?
Một vấn đề khác cũng cần nêu ra là cho đến nay, nghị quyết 02 của chính phủ về một số biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đã ban hành được hai tháng rưỡi, và nghị quyết tháng 2/2013 cũng đã nhắc lại sự đôn đốc với các cơ quan thừa hành cần nhanh chóng có giải pháp triển khai nghị quyết 02.
Tuy thế, đã gần hết tháng 3/2013 mà nền kinh tế mới chỉ đón nhận lèo tèo vài văn bản của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng, trong khi về phía Ngân hàng nhà nước chỉ có một thông tư, nhưng lại ở dạng… dự thảo.
Thế nhưng chính bản dự thảo thông tư của Ngân hàng nhà nước về con số 30.000 đồng dự kiến bơm ra thị trường với mức lãi suất 6% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mua nhà lại là tâm điểm của báo chí và dư luận.
Ẩn số còn lại là thị trường chứng khoán. Nếu trong thời gian tới, thị trường này được phục hồi thì không có gì phải bàn cãi, tức dòng tiền từ vàng và tiết kiệm sẽ gần như chắc chắn được san sẻ vào giá trị cổ phiếu, kể cả rất nhiều cổ phiếu ế ẩm.
Nhưng nếu mọi chuyện xảy ra ngược lại, có nghĩa là chứng khoán tiếp tục suy giảm, thì dù không lao dốc, thị trường này vẫn đánh dấu chấm hết cho mọi kỳ vọng của giới đầu tư và đầu cơ.
Khi đó, ngó đi ngó lại chỉ còn duy nhất… bất động sản.
Theo Sống Mới