Tập đoàn Starbucks vừa mua đồn điền cà phê đầu tiên tại Costa Rica với diện tích 600 mẫu (khoảng 240 ha) để phát triển các giống cà phê mới và thử nghiệm các cách thức loại bỏ bệnh rỉ sắt lá đang hoành hành tại quốc gia này.
Hãng cà phê nổi tiếng có trụ sở tại Seattle quyết định mua đồn điền này một phần vì vị trí của khu đất khá đặc biệt, có độ cao rải rác từ 3.600 - 5.500 feet so với mực nước biển. Việc này cho phép hãng thử nghiệm những cách thức trồng khác nhau và tìm ra các đặc tính của cà phê trồng tại những độ cao khác nhau.
"Những kế hoạch cải tiến sáng tạo của chúng tôi sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu điền trang này", giám đốc điều hành Starbucks Howard Schultz cho biết, đồng thời nói thêm rằng hãng có thể mua thêm những đồn điền kiểu này để phục vụ nghiên cứu. Ông không tiết lộ mức giá nhưng một người có liên quan cho biết, những khu đất kiểu này thường có giá từ 5-10 triệu USD.
Đồn điền cà phê của Starbucks. |
Đồn điền mới này sẽ cho phép Starbucks phát triển thêm nhiều giống cà phê mới độc quyền bằng cách thức lai tạo với các kỹ thuật xử lý khác nhau. Đồn điền này này sẽ hỗ trợ cho 5 trung tâm nghiên cứu của Starbucks đang hoạt động trên khắp thế giới, nơi các chuyên gia nông nghiệp làm việc với nông dân địa phương để tăng sản lượng.
Thương vụ mua bán diễn ra trong bối cảnh cà phê tại Mỹ Latinh đang bị bệnh dịch hoành hành, trong khi Mỹ Latinh là nơi cung cấp phần lớn cà phê cho Starbucks. Hậu quả mà bệnh rỉ sắt lá có thể khiến sản lượng cà phê khu vực này giảm mạnh trong niên vụ tới.
Craig Russell, phó chủ tịch Starbucks cho biết, tập đoàn đã đảm bảo có nguồn cung cà phê không bị tác động bởi dịch bệnh từ nông dân khu vực trong niên vụ này và niên vụ tới. "Chúng tôi sẽ dùng đồn điền này để thử nghiệm những cách thức nhằm loại bỏ hoàn toàn bệnh rỉ sắt lá trên cây cà phê", ông cho biết.
Starbucks cũng tuyên bố sẽ chia sẻ những gì nghiên cứu được với cả những hộ dân không cung cấp cà phê cho hãng.
Starbucks từ lâu đã có một đội ngũ chuyên gia nông nghiệp làm việc với nông dân trồng cà phê trên khắp thế giới nhằm tìm cách đảm bảo sản lượng không bị tổn hại do biến đổi khí hậu.
Theo Gafin