TPG có 5 quỹ thành viên, đứng đầu là TPG Capital - chuyên đầu tư vào các công ty đã lớn mạnh với trị giá mỗi thương vụ đầu tư từ 10 triệu USD lên tới 1 tỷ USD. Hiện nay TPG Capital đã thực hiện đầu tư với tổng số tiền là 31,1 tỷ USD ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm Mỹ, châu Âu, châu Á, Úc, và Mỹ La tinh.
Quỹ thứ hai là TPG Growth - chuyên đầu tư vào các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng trên toàn cầu - đây cũng là quỹ đã đầu tư vào FPT và Masan của Việt Nam. Quỹ thứ ba là TPG Biotech - là quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các lĩnh vực y tế và y khoa. Quỹ thứ tư là TPG Opportunities Partners - chuyên đầu tư mua bán các tài sản trong tình huống đặc biệt phải bán tháo. Cuối cùng, TPG Specialty Lending là quỹ chuyên đầu tư cho vay.
Masan Consumer là một trong những công ty con của Masan Group”. |
TPG Growth, là quỹ chuyên đầu tư vào thị trường trung cấp và cổ phiếu tăng trưởng trên toàn thế giới với trọng tâm là khu vực Bắc Mỹ và châu Á. TPG Growth đầu tư vào nhiều lĩnh vực, bao gồm hàng tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ, internet, y tế, năng lượng, công nghệ sạch và có thể tái sử dụng, giao thông, công nghiệp và dịch vụ kinh doanh.
TPG Growth tận dụng cấu trúc đầu tư đa dạng bao gồm mua bán và sáp nhập sử dụng đòn bẩy tài chính (leverage buyout), cổ phần tăng trưởng (growth equity), và đầu tư tư nhân vào các cổ phần công chúng (private investment in public equity). Hiện TPG Growth đã huy động 4 tỉ đô-la Mỹ vốn đầu tư dài hạn kể từ khi thành lập và có văn phòng đại diện tại nhiều thành phố lớn trên thế giới. Quỹ này đã đầu tư vào tập đoàn FPT và tập đoàn Masan của Việt Nam.
Năm 2009, TPG Growth đầu tư 35 triệu đô la Mỹ vào tập đoàn Masan, đây là khoản đầu tư ngoại lớn nhất vào khu vực kinh tế tư nhân cho một công ty trong nước ở thời điểm bấy giờ. Trước khoản đầu tư vào tập đoàn Masan, TPG Growth cũng đã từng thu hút sự chú ý của thị trường với khoản đầu tư vào Công ty cổ phần FPT.
Ngày 24/10/2006, hai tháng trước khi cổ phiếu lên sàn, FPT chính thức chào bán 10% cổ phần cho TPG Growth thông qua hai đối tác là TPG Growth Ventures và Intel Capital với giá 36,5 triệu đô-la Mỹ.
Vào thời điểm của giao dịch, FPT có vốn điều lệ là 608 tỉ đồng, có nghĩa là TPG Growth đã mua cổ phần FPT với giá gần 100.000 VNĐ/cổ phần. Sau khi thời hạn cam kết nắm giữ cổ phần kết thúc (gần 9 tháng từ ngày giao dịch), TPG đã bán ra toàn bộ số cổ phần này theo phương thức khớp lệnh trên HOSE. Với mức giá thị trường lúc đó 250.000-300.000 đồng/cổ phần FPT, TPG Growth cũng đã thu được khoản lợi nhuận gấp khoảng 3 lần giá trị đầu tư ban đầu.
Nếu như thương vụ đầu tư vào FPT có tính chất cơ hội - đầu tư trong lúc thị trường đang sôi sục và bán ngay khi có cơ hội thực hiện lợi nhuận - thì tính chất của khoản đầu tư vào MSN hoàn toàn khác. Trong suốt giai đoạn từ khi TPG đầu tư vào Tập đoàn này, thị trường Việt Nam đã liên tục trong trạng thái trầm lắng. Phần lớn các công ty trên sàn đều chịu trung số phận cổ phiếu bị rớt giá thảm hại do nhà đầu tư tháo chạy và do tình hình sản xuất kinh doanh đi xuống vì khủng hoảng kinh tế.
Thế nhưng Masan lại nằm trong số rất ít các công ty “trụ” được trong cơn sóng gió, thậm chí còn liên tục tăng trưởng mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận. Vì thế, cổ phiếu của Masan không những giữ được giá mà còn nằm trong số vài mã cổ phiếu liên tục tăng giá trong nhiều năm trở lại đây bất chấp xu hướng đi xuống của thị trường.
Việc thị trường đánh giá cao cổ phiếu MSN có thể xuất phát từ nhiều lý do: Hoạt động kinh doanh của công ty rất tốt (nhiều sản phẩm đứng đầu và thống lĩnh thị trường hàng tiêu dùng như Chinsu, Omachi, Vinacafe; ngoài TPG ra còn có nhiều cổ đông ngoại hỗ trợ nguồn vốn như KKR, IFC, Dragon Captial, Goldman Sachs, Richard Chandler, BankInvest, Mount Kellett); hoạt động đầu tư ổn định...
Giá trị cổ phiếu phản ánh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và Masan không phải là một doanh nghiệp yếu kém khiến nhà đầu tư phải lo lắng nhiều, theo nhận định của một chuyên gia tài chính. Vì lẽ đó mà TPG vẫn đang là một trong những cổ đông ngoại lớn của Masan cho đến thời điểm này.
Theo Thanh Niên