Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Chúng ta chậm quá (Ảnh nguồn: Tinkinhte.com) |
Thứ nhất, theo ông Thành, khi Việt Nam nhận ra khó khăn, yếu kém, sai lầm, nhưng hai năm gần đây vẫn kiên trì mục tiêu ổn định.
Thứ hai, ổn định nhưng không đổ vỡ, doanh nghiệp vẫn phải có việc gì đấy mà làm, người lao động vẫn phải có làm, có thu nhập. Tức là tăng trưởng không quá thấp và đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ ba, Chính phủ muốn tái cấu trúc nền kinh tế, muốn sắp xếp lại cơ thể của mình.
Thứ tư là tiếp tục mở rộng hội nhập, trong khi cả thế giới bảo hộ, Việt Nam vẫn tích cực với TPP, FTA với EU….
“Nhưng có làm được không? Câu trả lời của tôi là không tự tin lắm”, ông Thành nói.
Lý do là chúng ta vẫn còn hạn chế, nguồn lực chúng ta còn hạn chế, về nhân lực, tiền bạc. Đồng thời chúng ta đang làm điều đó trong bối cảnh xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi, đòi hỏi minh bạch hơn, giải trình tốt hơn, nói gì là thấy nhóm lợi ích.
Chúng ta còn muốn sửa đổi Hiến pháp, bỏ phiếu giữa kỳ, sửa luật Đất đai. Tham vọng cực kỳ lớn, có thể nói dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam đang ở trong giai đoạn bước ngoặt của sự phát triển, không phải một đêm, một năm chúng ta làm được, chúng ta phải đồng lòng, phải cùng nhau ăn "râu tôm với ruột bầu”.
Đáng chú ý, ông Thành nhấn mạnh đến rủi ro để vượt qua khó khăn, chính là ở các bộ ngành. “Cái từ phổ biến nhất là quyết liệt, nhưng đến nay chậm quá”. Chẳng hạn như việc xử lý nợ xấu. Giờ là tháng 3, mà mới có Thông tư của Bộ Xây dựng chuyển từ nhà to thành nhà bé”.
Trong phần thảo luận, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Hoa Sen chia sẻ, "để vượt qua khủng hoảng, tôi nghĩ nên tập trung vào vấn đề quản trị đồng tiền". Những gì lãng phí, không hợp lý phải cắt, khoản nào đầu tư không sinh lợi cũng cắt nếu cảm thấy sinh mạng DN mình không tồn tại nổi.
Ông Vũ cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải nhìn lại mình. “Chúng ta phải thừa nhận nền kinh tế của chúng ta đang cạnh tranh bằng yếu tố thời cơ và đầu cơ nhiều hơn là cạnh tranh bằng nền tảng tăng trưởng bền vững".
Trong nhiều năm liền, các lĩnh vực mang tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản đã hút đi khá lớn nguồn lực quốc gia. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh chưa đề cao chất lượng, mà cạnh tranh bằng giá, bằng cơ hội.
“Tôi nghĩ cái đó sẽ không bền vững”. Đã đến lúc các nhà làm chính sách phải nhìn lại mình, thực chất nội tại chúng ta yếu kém, so với các nước trong Đông Nam Á. Nhưng trong khó khăn vẫn nảy sinh cơ hội tốt.
Năm 2012 doanh thu của Hoa Sen là 10.000 tỉ, phấn đấu 2013 đạt 12.000 tỉ.Tập đoàn cũng chuẩn bị đầu tư tiếp 7 triệu USD để bảo đảm rằng trong 3 năm tới, chúng tôi sẽ tạo ra 1 tỉ USD doanh thu. Bài học là “hãy đầu tư thực sự, không quá đầu cơ”.
Theo SGTT