Liên minh châu Âu (EU) vừa yêu cầu đánh thuế 9,9% lên các khoản tiền gửi ngân hàng trên 100.000 euro tại Cộng hòa Síp, như một phần trong kế hoạch cứu trợ 10 tỷ USD giúp nước này thoát cảnh vỡ nợ. Với các khoản tiền gửi nhỏ hơn, thuế suất yêu cầu là 6,75%. Cộng hòa Síp là quốc gia thứ 5 trong eurozone cần cứu trợ tài chính.
Đây cũng là lần đầu tiên EU đề nghị điều khoản đánh thuế tiền gửi với một gói giải cứu. Đối với các quốc gia khác trong 3 năm qua, như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, cơ quan này chỉ đòi hỏi thắt chặt ngân sách. Quốc hội Síp sẽ tiến hành bỏ phiếu về yêu cầu này trong hôm nay. Các ngân hàng ở đây đang đóng cửa nghỉ lễ. Và nếu được thông qua, việc đánh thuế sẽ áp dụng từ ngày thứ Ba (19/3).
Người dân Cộng hòa Síp xếp hàng rút tiền quanh các ATM ở Larnaca. Ảnh: AFP |
Ngay khi biết tin, người dân Cộng hòa Síp đã rồng rắn xếp hàng bên ngoài các trạm ATM để rút tiền. Giới hạn rút của ngân hàng ở đây là 400 euro và rất nhiều ATM đã hết nhẵn tiền trong hai ngày cuối tuần.
Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades đã cố trấn an người dân hôm Chủ Nhật và thuyết phục các nhà làm luật bỏ phiếu thông qua kế hoạch cứu trợ này. Ông giải thích: "Vỡ nợ có thể buộc chúng ta từ bỏ đồng euro và phá giá tiền tệ".
Từ ngày mai, người dân có thể phải nộp thuế 9,9% nếu tài khoản có trên 100.000 euro. Ảnh: AFP |
Động thái của người dân đang được theo dõi sát sao bởi các nhà làm luật, do nó có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính châu Âu. Họ lo ngại những người gửi tiền ở các quốc gia có tài chính yếu, hoặc đang phải nhận cứu trợ sẽ đề phòng động thái tương tự từ EU trong tương lai.
Thị trường vàng châu Á sáng nay tỏ ra nhạy cảm trước diễn biến tại Síp. Giá hợp đồng giao ngay bật nhanh qua mốc 1.600 USD một ounce sau một tuần chỉ đi ngang.
Steven Englander - Giám đốc Chiến lược ngoại hối toàn cầu tại Citi cho biết: "Vấn đề là việc này sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng to hay khủng hoảng nhỏ mà thôi. Cả người gửi tiền và nhà đầu tư ở một quốc gia nào đó đều sẽ dễ dàng coi việc này là có thể xảy ra và phản ứng tiêu cực".
So với các gói khẩn cấp mà các quốc gia trước như Hy Lạp, được nhận, gói cứu trợ có quy mô tương đối nhỏ. Tuy nhiên, nó lại tương đương hơn một nửa nền kinh tế trị giá 18 tỷ euro của Cộng hòa Síp. Đây là quốc gia nhỏ nhất châu Âu, chỉ đóng góp 0,2% GDP toàn khu vực. Vấn đề nghiêm trọng nhất là quy mô hệ thống ngân hàng nước này còn gấp vài lần kinh tế quốc gia.
Cộng hòa Síp đệ đơn xin giải cứu từ tháng 6 năm ngoái, sau khi hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng nặng từ các khoản cho vay với Hy Lạp. Năm ngoái, GDP nước này giảm 2,4% và được dự đoán tiếp tục co lại hai năm tới. Tỷ lệ thất nghiệp cũng chạm mốc 12% năm ngoái và sẽ tăng lên 14% năm 2014.
Kế hoạch giải cứu sẽ giúp Cộng hòa Síp quản lý khối nợ dễ dàng hơn. Nợ nước này đã lên tới 87% GDP và được dự đoán tăng lên 100% năm 2020.
Theo VnExpress