Vén màn bí ẩn ATM

Thứ hai, 18/03/2013, 18:01
Các ngân hàng đưa ra con số về chi phí đầu tư ATM nhưng lại không công bố đầy đủ các lợi ích ATM mang lại cho họ.

Làm sao bù lỗ ATM vẫn là bài toán đau đầu với nhiều ngân hàng, đặc biệt là ở những ngân hàng có quy mô lớn với lượng giao dịch ATM nhiều? Có gì bí ẩn đằng sau những khoản lỗ này? Liệu các ngân hàng đã tính đầy đủ chi phí và lợi ích mà ATM mang lại? Và tại sao các ngân hàng vẫn tiếp tục đầu tư ATM?

Trên thực tế, lắp đặt một thiết bị ATM không phải là chuyện đơn giản. Trước hết, ngân hàng phải lựa chọn mua thiết bị ATM tùy theo công nghệ và giá (trung bình vào khoảng 20.000 USD/thiết bị). Ngoài tiền mua thiết bị, họ còn phải chịu các chi phí khác như vận hành thiết bị, bao gồm mặt bằng, khấu hao, bảo trì thiết bị, chi phí quản lý và nhân sự, phần mềm.

Một cái lợi là các ngân hàng có thể huy động vốn giá rẻ từ lượng tiền gửi tại các máy ATM.

Một khoản chi phí lớn trong hoạt động ATM là lượng tiền mặt bỏ ra để thực hiện các giao dịch. Tính đến cuối năm 2012, toàn hệ thống có khoảng 15.000 máy ATM. Nghĩa là lượng tiền mặt ngân hàng phải bỏ ra thường xuyên là 15.000 tỉ đồng (trữ lượng tiền một máy ATM thường là 1 tỉ đồng nhưng có loại máy chỉ chứa được 600-700 triệu đồng và không phải khi nào cũng luôn đầy tiền). Khoản tiền này vẫn phải trả lãi suất cho dù tiền vẫn nằm im trong ATM. Với mức lãi suất trung bình là 2%/năm, ngân hàng phải chi thêm 300 tỉ đồng mỗi năm.

Một khoản chi lớn khác là chi phí tiếp quỹ. Một lãnh đạo phụ trách ATM của một ngân hàng có hệ thống ATM lớn ở TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết, trung bình 3 ngày ngân hàng phải tiếp 1 tỉ đồng cho một máy ATM, tương đương với 750-900 giao dịch được thực hiện ở địa bàn TP.HCM.

Có lẽ vì những chi phí này mà Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam đã đưa ra con số chi phí cho mỗi giao dịch ở máy ATM là 9.000 đồng. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc từng ngân hàng, như Vietcombank công bố chi phí ở mức 6.000 đồng/giao dịch. Nếu sử dụng con số của Hiệp hội Thẻ, đồng thời giả sử trung bình mỗi máy ATM trên toàn quốc thực hiện 100 giao dịch/ngày thì chi phí các ngân hàng bỏ ra là 4.927 tỉ đồng/năm cho toàn hệ thống ATM. Nghĩa là trung bình mỗi ngân hàng tốn gần 100 tỉ đồng/năm.

Một điều đáng chú ý là các ngân hàng đưa ra con số về chi phí khi phải đầu tư vào ATM nhưng chưa bao giờ công bố đầy đủ các lợi ích mà ATM mang lại cho họ.

Nhiệm vụ của máy ATM không đơn giản chỉ là rút tiền và thực hiện giao dịch cá nhân, mà còn là để tiết kiệm chi phí giao dịch của các chi nhánh ngân hàng. Hãy thử tưởng tượng cảnh người dân, thay vì xếp hàng trước mỗi cây ATM dịp lễ Tết, lại tập trung ở một chi nhánh nào đó để rút tiền thì các ngân hàng sẽ xử lý như thế nào.

ATM còn có lợi ở việc huy động vốn với giá rẻ. Giả định số dư mỗi tài khoản tối thiểu ở mức 50.000 đồng thì số tiền mang lại cho hệ thống là 1.250 tỉ đồng (với tỉ lệ 50% số thẻ thực tế hoạt động, theo báo cáo của Hiệp hội Thẻ ngân hàng). Lợi ích mang lại là khoản chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi không kỳ hạn 2% (trả vào tài khoản của chủ thẻ) và lãi suất huy động 8% (lãi suất huy động vốn thông thường ở các ngân hàng) tương đương với khoản tiền 75 tỉ đồng/năm.

Gần đây, Ngân hàng VIB đề xuất các tài khoản có số dư tối thiểu là 500.000 đồng sẽ không phải mất phí rút tiền, kể cả ngoại mạng. Nếu số dư ở mức này, khoản lợi ích sẽ tăng lên gấp 10 lần. Đó là chưa nói đến việc các ngân hàng có thể dùng số vốn giá rẻ này vào những mục đích kinh doanh khác để tạo lợi nhuận cho mình.

Vì thế, những ngân hàng có lượng ATM lớn vẫn hưởng những lợi ích không hề nhỏ. Tuy nhiên, với tiến bộ công nghệ, các ngân hàng có quy mô ATM nhỏ cũng không chịu thiệt, vì có thể tận dụng ngay hệ thống máy ATM của đối thủ. Một lợi ích dễ thấy nhất là họ không phải tốn chi phí đầu tư vào ATM. Thậm chí, cứ mỗi giao dịch trên ATM của đối thủ, khách hàng mới là người phải chịu khoản chi phí thay vì ngân hàng.

Chẳng hạn, mức thu 3.000 đồng trên mỗi giao dịch rút tiền mặt sẽ được chia một phần cho ngân hàng sở hữu ATM mà khách hàng giao dịch, một phần cho công ty chuyển mạch (thông thường là chia đôi).

Tính ra, ngân hàng sở hữu ATM vừa phải tốn phí đầu tư vận hành ATM, vừa phải chịu chi phí 7.500 đồng trên mỗi giao dịch (sau khi đã được trả tiền “cho mượn” máy ATM là 1.500 đồng mỗi giao dịch). Trong khi đó, ngân hàng của chủ thẻ vẫn được hưởng lợi từ giá trị do chủ thẻ mang lại.

Các ngân hàng có hệ thống ATM rộng khắp vì thế chắc chắn sẽ khó chịu vì sự “ký sinh” này. Nhưng nếu theo lý thuyết trò chơi, hợp tác sẽ mang lại tổng lợi ích lớn hơn cho cả hai, thay vì tự phát triển.

Hầu hết các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đều muốn phát triển thành ngân hàng bán lẻ. Mà trong bán lẻ, địa điểm là số 1. Nghĩa là những cột ATM - chi nhánh ngân hàng hoạt động 24/24 - sẽ quyết định mức độ bán lẻ của ngân hàng trong tương lai.

ATM là một kênh phân phối truyền thống của ngân hàng. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, đó là công cụ cơ bản của ngân hàng bán lẻ và do đó, những ngân hàng có ý định “nương nhờ” cũng sẽ phải phát triển hệ thống ATM riêng. Rõ ràng, các ngân hàng có quy mô ATM lớn vẫn nắm giữ lợi thế.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn