Vàng trắng hết lấp lánh

Thứ hai, 18/03/2013, 11:55
Có tổng chi phí đầu tư cao, nhu cầu yến lại thấp và có nhiều công ty cùng nhảy vào kinh doanh nên nguy cơ thua lỗ là điều thấy rõ.

Với mức tăng trưởng doanh thu trung bình 20%/năm, thị trường yến vẫn còn sức hấp dẫn lớn.

Tuy nhiên, những rủi ro nội tại chính là lời cảnh báo đối với các nhà đầu tư đã và sắp bước vào lĩnh vực này.

Một ngày đầu tháng 1/2012, khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nhâm Thìn, tác giả bài viết đã có mặt tại tổng hành dinh của Công ty Cổ phần Yến Việt tại tòa nhà Maritime Bank trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP.HCM. Khu vực này được mệnh danh là Phố Wall của Việt Nam với sự tập trung dày đặc của các ngân hàng và công ty chứng khoán.

“Doanh thu 2012 chắc chắn sẽ vượt 400 tỉ đồng vì chỉ riêng lượng đặt hàng Tết năm nay đã tăng khoảng 200%”, ông Võ Thái Lâm, Tổng Giám đốc Yến Việt, hồ hởi khoe.

Từ đích IPO và niêm yết

Chưa qua bất kỳ trường lớp kinh tế nào và xuất thân là giáo viên thể dục thể thao, cách giao tiếp của ông Lâm, một người gốc Phan Rang, khá chất phác. “Bây giờ mình mới cảm nhận được làm kinh doanh thật sự là như thế nào sau khi có sự đồng hành của VinaCapital”, ông Lâm nói.

Trước khi được VinaCapital đầu tư vào tháng 6/2011, tổng doanh thu của Yến Việt là 300 tỉ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm, có nhà máy sản xuất yến trị giá 8 tỉ đồng tại Ninh Thuận cùng hệ thống phân phối 30 cửa hàng và 18 nhà nuôi yến trên cả nước.

Đối với VinaCapital, quỹ đầu tư quản lý hơn 1,5 tỉ USD, ngành hàng tiêu dùng trong nước với tỉ lệ tăng trưởng hơn 30%/năm bất chấp khủng hoảng là mảnh đất đáng quan tâm.

vàng trắng
Tổng chi phí đầu tư cao, nhu cầu yến lại thấp và có nhiều công ty cùng nhảy vào kinh doanh nên nguy cơ thua lỗ là điều thấy rõ.

Quý I/2011 là thời điểm nóng của thị trường kinh doanh yến với hơn 100 Công ty lớn nhỏ góp mặt cùng sự đa dạng của khá nhiều chủng loại như yến sào, nước yến... Trong đó, Yến Việt với thị phần trong nước xấp xỉ 10%, thuộc top 5 các doanh nghiệp kinh doanh yến đã lọt vào tầm ngắm của VinaCapital.

Cuộc hôn nhân giữa Yến Việt và VinaCapital đã diễn ra chóng vánh chỉ sau 2 tháng thẩm định và kiểm toán.

Đồng hành cùng VinaCapital, Yến Việt đã thay da đổi thịt với doanh số hằng tháng tiếp tục tăng trưởng từ mức 20% lên 30% và 40% vào cuối năm 2011. Đỉnh điểm, chiến dịch truyền thông trị giá hơn 30 tỉ đồng trên diện rộng trong dịp Tết 2012 đã giúp doanh số đạt mức tăng trưởng tới 200% so với Tết 2011.

Từ kết quả tích cực trên, đã có lúc Yến Việt tham vọng cao hơn: Cạnh tranh ngang ngửa với thương hiệu số 1 là Yến sào Khánh Hòa (nắm giữ 65% thị trường).

Đến tín hiệu cảnh báo

Khác hẳn với chiến dịch quảng bá rầm rộ hồi Tết 2012, mức độ xuất hiện của Yến Việt trên các phương tiện truyền thông trong dịp Tết 2013 lại khá khiêm tốn. Ông Lâm cho biết tình hình kinh doanh của Yến Việt trong quý IV/2012 và nhất là dịp Tết 2013 có nhiều biến động, gây tác động không nhỏ tới doanh thu của đơn vị. Tuy nhiên, ông không chịu cho biết chi tiết.

Đối chiếu thông tin với VinaCapital, bà Đặng Phạm Minh Loan, hiện là Giám đốc Điều hành Yến Việt, cho biết: “Ông Lâm đã bán gần hết phần vốn của mình tại đây và cũng đã rời khỏi Yến Việt. Hiện nay, VinaCapital nắm quyền kiểm soát và Yến Việt sẽ có diện mạo hoàn toàn mới sau một năm nữa”. Bà Loan không chia sẻ tình hình kinh doanh hiện nay của Yến Việt cũng như việc quỹ đầu tư này sẽ điều hành Yến Việt như thế nào. Nhưng bà khẳng định: “Chúng tôi chỉ là nhà đầu tư tài chính nên tất nhiên phải có người đủ năng lực và kinh nghiệm để điều hành mô hình kinh doanh này”.

Trong khi đó, một nguồn tin cho hay, trụ sở chính của Yến Việt tại tòa nhà Maritime Bank, quận 1 đã được dời về quận 7 từ trước Tết cùng sự ra đi của một số nhân sự tại đây.

Từ trường hợp Yến Việt, đã xuất hiện những cảnh báo cho lĩnh vực này.

Anh Lê Danh Hoàng, Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Chấn Hưng, chủ sở hữu thương hiệu Yến sào Hoàng Yến, nay đổi thành Nutrinet, cho biết từ chỉ 5-7 đơn vị kinh doanh yến tại Việt Nam trong giai đoạn 2004-2007, nay thị trường đã có khoảng 200 doanh nghiệp với hàng trăm cửa hàng trên cả nước và bước đầu xuất khẩu ra nước ngoài.

Cảnh báo đầu tiên là sự phân hóa mạnh giữa các thương hiệu lớn nắm giữ tới 80% thị trường như Yến sào Khánh Hòa, Yến Việt, Nutrinet, đã đẩy hàng trăm doanh nghiệp còn lại vào thế hoặc phải tiếp tục đầu tư để tăng thị phần, hoặc biến mất.

Yến sào Khánh Hòa đã đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu yến sào tại huyện Diên Khánh với công suất 30 triệu sản phẩm/năm và nhà máy nước giải khát cao cấp yến sào tại thành phố Cam Ranh với công suất 50 triệu sản phẩm/năm. Ngoài thị trường nội địa, Yến sào Khánh Hòa còn đẩy mạnh xuất khẩu. Năm nay Yến sào Khánh Hòa sẽ mở rộng xuất khẩu sang Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật.

“Các ông lớn càng gia tăng quy mô thì tốp nhỏ sẽ ngày càng bị nguy hơn. Hiện nay, mỗi tháng có hàng chục doanh nghiệp yến phải đóng cửa”, anh Hoàng cho biết.

Trước hết, tình trạng “lớn lấn nhỏ” được lý giải từ tâm lý người tiêu dùng ngại mua phải sản phẩm yến giả nên thường chọn các thương hiệu lớn. Tổng chi phí đầu tư gồm giá thuê mặt bằng khá cao (25%) nên đối với các thương hiệu nhỏ và mới, nguy cơ thua lỗ từ việc kinh doanh các cửa hàng yến là điều thấy rõ.

Hiện nay, tổng sản lượng yến ở Việt Nam vẫn chưa cao do tốc độ phát triển nhà nuôi yến còn thấp, khoảng vài ngàn căn trên cả nước. So với một nước có nguồn thu từ yến đứng thứ tư thế giới là Indonesia với số nhà nuôi yến lên tới 200.000, Việt Nam vẫn còn ở khá xa phía sau. Hơn nữa, mức độ tiêu dùng yến tại Việt Nam không cao. Theo VinaCapital, hiện số người dùng yến tổ chỉ chiếm dưới 3% và yến lọ khoảng 8% trên tổng dân số.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn