Suốt từ năm 2010 đến nay, lãi suất cho vay luôn ở mức cao nhằm đối phó với lạm phát. Việc này khiến không ít kế hoạch kinh doanh đổ bể, nhiều doanh nghiệp và đơn vị sản xuất lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí dừng hoạt động, giải thể và phá sản. Doanh nghiệp luôn muốn lãi suất giảm nhưng mong mỏi này cũng làm đau đầu các cơ quan chức năng bởi lạm phát vẫn chưa được kiềm chế vững chắc.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng nên tìm cách phá băng tín dụng thay vì loay hoay đòi giảm lãi suất mà chưa hiệu quả. |
Với tốc độ lạm phát tính quanh 7% vào cuối năm 2012, cơ hội kéo trần lãi suất huy động từ 8% xuống 7% một năm đã có song lại thiếu căn cứ vững chắc. Nguyên nhân là còn một số yếu tố khiến lạm phát có thể lại ngóc đầu dậy như khả năng tăng giá xăng dầu, điện, gas… hay ảnh hưởng của các biện pháp nới lỏng tín dụng để giải quyết nợ xấu, hỗ trợ thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ.
Nếu Ngân hàng Nhà nước vội vàng ép trần lãi suất huy động xuống khi thiếu điều kiện cần và đủ vững chắc, rất có thể hoặc là lại phải tăng trần lãi suất hoặc lại nhắm mắt làm ngơ cho các ngân hàng phá trần như trước. Chính vì vậy, suốt cả năm 2013, vẫn nên thận trọng trong điều hành chính sách lãi suất.
Dự báo lạm phát tính theo CPI của Việt Nam nửa đầu năm 2013 sẽ thấp hơn so với nửa cuối năm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể hạ trần lãi suất huy động xuống thấp nhất là 7% một năm trước khi tăng lại phù hợp với diễn biến của lạm phát.
Hơn nữa, mức độ điều chỉnh có thể chỉ 0,5% mỗi lần thay vì 1% như gần đây để đảm bảo tính linh hoạt đồng thời chủ động phát tín hiệu điều chỉnh lãi suất mà không gây ra cú sốc đột ngột có thể làm đảo ngược dòng tiền gửi đang ồ ạt đổ vào hệ thống tài chính từ đầu năm 2012.
Lạm phát là yếu tố quyết định tăng hay giảm lãi suất, cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Việc hạ lãi suất huy động, thu hẹp khoảng cách giữa huy động với cho vay cần được gắn chặt với tiến trình cơ cấu lại hệ thống tài chính ngân hàng.
Lãi suất cho vay phải giảm từ mức phổ biến 13-15% một năm từ cuối năm 2012 xuống còn dưới 10% một năm trong năm 2013 thì các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung mới có điều kiện để phục hồi.
Mặt khác, giả định lãi suất cho vay bị đẩy xuống quá thấp, dưới 10% một năm trong khi lạm phát vẫn gần 2 con số thì “bong bóng tín dụng” lại có thể phình to một lần nữa trong khi “bong bóng tín dụng” cũ còn chưa kịp “xì hơi”. Nợ xấu mặc dù được công bố chỉ còn khoảng 6% nhưng vẫn tiếp tục gây trở ngại lớn đến khả năng giảm lãi suất cho vay cũng như việc thu hẹp chênh lệch với lãi suất huy động.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 chỉ đạt gần 9% đã góp phần tích cực “xì hơi quả bóng” tín dụng tương đương 110-120% GDP mấy năm gần đây.
Tuy vậy, sự sụt giảm đột ngột tốc độ bơm tín dụng trong khi cả nền kinh tế vẫn duy trì thói quen dựa dẫm quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và các kênh tài chính khác chưa phát triển đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp lao đao, đổ vỡ.
Tính đến tháng 2/2013, tổng tín dụng vẫn giảm khoảng 0,16% so với cuối năm 2012 song không đáng lo ngại do một mặt, chính sách tín dụng năm 2013 vẫn tiếp tục quán triệt chủ trương giải quyết “bong bóng tín dụng”.
Theo đó về mặt vĩ mô là duy trì qui mô tổng tín dụng khoảng 100% GDP đi đôi với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng và xử lý nợ xấu, về mặt vi mô là đưa tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của các tổ chức tín dụng về mức hợp lý nhằm giảm bớt rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản.
Mặt khác, chính sách tín dụng năm 2013 điều hành theo hướng tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp, các dự án thật sự có hiệu quả, không phân biệt ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh dựa trên nâng cao khả năng và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong thẩm định dự án cho vay.
Đó cũng là nội dung cơ cấu lại vốn tín dụng cho vay trong tổng thể đề án cơ cấu lại hệ thống tài chính với trọng tâm là các ngân hàng thương mại. Để chống co cụm và đóng băng tín dụng thì tiến trình xử lý nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cần được đẩy nhanh, quyết liệt và bài bản ngay trong năm 2013 này.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động vẫn tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với tỷ lệ tồn kho cao, tiêu thụ chậm. Số liệu tính đến tháng 2/2013 so với cùng kỳ năm trước cho thấy, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 6,8% thì chỉ số tồn kho tăng tới 19,9% và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng có 3,6% - mức rất thấp trong vòng nhiều năm gần đây.
Tóm lại, lãi suất tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố song nhìn chung khả năng điều chỉnh rất hạn chế trong năm 2013 và trọng tâm chính sách nên ưu tiên “phá băng” tín dụng hơn là ưu tiên hạ lãi suất.
Nói cách khác, luồng vốn tín dụng cần được khơi thông trên nguyên tắc tôn trọng hiệu quả sử dụng vốn đồng thời tháo gỡ khó khăn cho cả bên cung tín dụng - các tổ chức tài chính tín dụng - cũng như bên cầu tín dụng - các doanh nghiệp và người dân. Đến lượt mình, lãi suất huy động và cho vay sẽ được xác lập dựa vào sự vận động cung cầu tín dụng đã được khơi thông đó.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Theo VnExpress