“Take away” đang trỗi dậy

Thứ năm, 14/03/2013, 15:28
Khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều cửa hàng thức ăn và nước uống diện tích khá nhỏ mọc lên nhiều ở các thành phố lớn gắn liền với 2 chữ “take away”. Với sự bùng nổ số lượng như hiện nay, mô hình kinh doanh này hứa hẹn sẽ còn tăng trưởng trong thời gian tới.

Cú hích Effoc

Sự sôi động của mô hình take away chỉ bắt đầu khi lần lượt các thương hiệu khác nhìn thấy tiềm năng của thị trường và nối tiếp ra đời như Effoc, Comix, Caztus… Khi Effoc rầm rộ khai trương và mở rộng, Passio mới bắt đầu nhìn lại thị trường và lên kế hoạch giành thị phần.

Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, mô hình take away (thức ăn, thức uống mang đi) đang lên ngôi khi thu hút được đông đảo khách hàng là giới trẻ.

Tại các nước châu Âu, mô hình này được hình thành cùng lúc với mô hình fastfood, xuất hiện khi hàng rong bị triệt tiêu, sau đó lan dần đến thị trường Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.

Du nhập vào Việt Nam từ năm 2004, mô hình take away giúp thực khách có thể thưởng thức cà phê kiểu Tây với mức giá thấp hơn nhiều so với khi vào các cửa hàng nổi tiếng như The Coffee Bean & Tea leaf, Angle in Us hay Gloria Jeans.

Bắt đầu cho trào lưu này là sự xuất hiện của thương hiệu Passio với một phong cách kinh doanh trẻ trung, mới lạ với đặc trưng là dòng sản phẩm cà phê Capuchino đậm phong cách Italia với mức giá trung bình.

take away coffee

Tiếp đó là sự xuất hiện của Bông Crepe, bánh crepe mang đi. Dù đi tiên phong, song hoạt động của Passio trước đó vẫn khá im ắng với một cửa hàng duy nhất tại quận 1, TP.HCM. Còn Bông Crepe sau khi mở cửa hàng đầu tiên đã lên kế hoạch mở tiếp cửa hàng thứ hai, nhưng sau một thời gian kế hoạch này vẫn không được triển khai. Và một thời gian sau đó, Bông Crepe biến mất khỏi thị trường.

Do có tiềm lực tài chính mạnh, Passio đã mở ra một chuỗi cửa hàng ở khắp các quận tại TP.HCM với mô hình trang trí bắt mắt. Passio còn mở rộng chi nhánh khi cho khai trương 1 cửa hàng tại Hà Nội. Ngoài ra, Passio còn đầu tư thêm kiểu ghế ngồi chân cao nhìn ra đường phố tấp nập để thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, sự đầu tư của Passio cũng không cạnh tranh lại thương hiệu đi sau Effoc.

Dù chỉ mới xuất hiện, Effoc đã thu hút được một lượng khách hàng lớn. So sánh fanpage của Passio và Effoc, số lượng người hâm mộ của Effoc cao gấp 6 lần so với Passio. Thực tế, tại các chuỗi cửa hàng Effoc, lượng khách đứng mua và chờ đợi luôn đông đúc.

Nguyên nhân được cho là dù Effoc xây dựng theo kiểu cà phê Italia, nhưng sản phẩm tại đây lại mang hương vị phù hợp với khách hàng Việt Nam. Trước sự cạnh tranh đó, Passio đã “tung chiêu” giành khách khi triển khai chương trình bốc thăm trúng iPad dành cho khách hàng. Chỉ riêng cuộc chiến của 2 thương hiệu này đã làm thị trường take away ở Việt Nam nóng lên.

Nhiều tiềm năng

Theo chia sẻ của đại diện một số cửa hàng, vốn đầu tư cho một cửa hàng take away vào khoảng 200-250 triệu đồng. Các cửa hàng này thường được mở ở các khu vực trung tâm, nơi đông khách nước ngoài hoặc ở những khu vực thu hút đông đảo giới trẻ có thu nhập tốt.

Dù cửa hàng nhỏ, nhưng các vật dụng trang bị phải sang trọng, tinh tế để tạo sức hút. Do số vốn đầu tư không cao nên nếu kinh doanh tốt, sau 3 tháng các cửa hàng take away sẽ bắt đầu thu lời.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, đồng hành với sự phát triển của các loại thức uống, các cửa hàng thức ăn “cupcake to go” chuyên các loại bánh donut, cupcake (loại bánh ăn nhẹ) hay bánh mì với sự tham gia của nhiều DN Việt như Kinh Đô Bakery, Hỷ Lâm Môn, ABC bắt đầu nở rộ theo.

Đóng góp vào sự sôi động của thị trường, nhiều thương hiệu ngoại cũng bành trướng để chiếm lĩnh thị phần. Cụ thể, sau khi mở cửa hàng đầu tiên tại tòa nhà Kumho Asiana, Subway đã khai trương thêm 2 cửa hàng khác trong một thời gian rất ngắn.

Thương hiệu bánh Tour Les Jours cũng bắt đầu mở thêm các chi nhánh và tăng cường sự có mặt tại các trung tâm thương mại. Cạnh tranh với Tour Les Jours, thương hiệu BreadTalk đến từ Singapore cũng ra sức tìm kiếm mặt bằng, phát triển gần chục cửa hàng tại TP.HCM.

Đặc biệt sự xuất hiện mới đây của Starbuck, dù có nhiều thay đổi để đáp ứng thói quen dùng cà phê của người Việt Nam, không gian được cơi nới rộng hơn, mô hình take away cũng được hạn chế cho phù hợp với tập quán địa phương, nhưng cũng góp phần tạo thêm sức hút phát triển take away tại Việt Nam.

Mặc dù có sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các cửa hàng take away để giành khách hàng, song trên thị trường, hiện các mô hình kinh doanh trong nước đang chiếm ưu thế. Có thể khẳng định, khi theo đuổi hình thức kinh doanh này, chủ các thương hiệu trong nước khá nhanh nhạy trong việc học hỏi công nghệ để tạo ra một sản phẩm tốt.

Một lợi thế lớn nữa là dù sản phẩm có chất lượng tương tự, nhưng chính sách giá lại rất tốt. Ngoài ra, các DN Việt còn hiểu được thị hiếu, khẩu vị của người tiêu dùng trong nước nên dễ dàng nắm bắt được sở thích, linh hoạt hơn trong việc nghiên cứu, cải tiến sản phẩm trước sự thay đổi của thị trường so với những thương hiệu nước ngoài.

Tuy vậy, trong tương lai, để không lép vế trong cuộc cạnh tranh này, các DN nội cần sự bắt tay để cùng nhau xây dựng một thương hiệu có tầm cỡ lớn, gia tăng nội lực trước sức ép của cuộc đổ bộ take away đang diễn ra.

Theo SG ĐTTC

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích