Sau buổi họp báo ra mắt sáng 13/3 tại Hà Nội, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã tiến hành đại hội lần thứ nhất và bầu ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, làm chủ tịch nhiệm kỳ 2013-2018.
Theo ông Ruệ, VINPA ra đời muộn hơn so với các hiệp hội, ngành hàng khác nhưng để thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường, sự ra đời của hiệp hội hiện nay là cần thiết.
Khó có độc quyền nhưng trái quy luật thị trường
Điều đáng lưu ý trong buổi họp báo là phát biểu của ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Ông nói:
Trong số các mặt hàng thiết yếu hiện nay, giá xăng dầu là minh bạch nhất. Nhiều năm qua, giá xăng dầu ở Việt Nam không minh bạch là do giá dầu thế giới không minh bạch. Giá dầu thế giới tác động nhanh, mạnh cuốn theo giá trong nước. Hiện tại giá xăng dầu thế giới không ai tiên đoán được sẽ biến động ra sao…
Do đó, vị lãnh đạo Petrolimex kỳ vọng “VINPA sẽ là cầu nối giữa cơ quan Chính phủ, người tiêu dùng, cơ quan thông tin và doanh nghiệp (DN) để làm tính minh bạch, công khai trong kinh doanh xăng dầu được minh bạch hơn”.
Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, thực tế các DN xăng dầu mới chỉ minh bạch khi nào tăng - giảm giá và đưa ra cấu trúc cơ bản về giá xăng. |
Ngoài ra, chia sẻ với báo giới bên lề đại hội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Tuyến, thành viên VINPA, nói rõ vấn đề lớn nhất hiện nay của thị trường xăng dầu Việt Nam là chưa thực sự thả nổi theo cơ chế thị trường. Việc vận hành Nghị định 84/2009 chưa hiệu quả, chưa có sự cạnh tranh đúng nghĩa.
“Thực tế, một số DN chiếm thị phần lớn, có thể bị xem là độc quyền nhưng về cơ bản, họ không điều chỉnh giá vượt mức chung mà phải chịu sự điều hành của Bộ Tài chính. Vì thế khó xảy ra độc quyền nhưng lại trái với quy luật thị trường” - ông Tuyến nói.
Con số còn tù mù, mập mờ
Ngay sau phát biểu của ông Bảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu đã phản biện lại.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, có hai yếu tố liên quan đến giá xăng mà người dân luôn muốn được biết.
Thứ nhất là giá DN mua vào theo giá thế giới là giá nào và giá đó là giá đấu thầu hay chưa? Thứ hai, các DN xăng dầu đưa ra chi phí ở mức 600 đồng/lít mới đủ, vậy người dân cần các DN nêu rõ cụ thể từng chi phí và có kiểm toán vào cuộc.
“Tôi cho rằng khi nào DN xăng dầu đưa tất cả thông số cụ thể như vậy thì mới có thể nói là minh bạch” - ông Phong nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo ông Phong, các DN thỉnh thoảng công bố giá thế giới. Thế nhưng thời điểm mua với thời điểm giá thế giới lên - xuống và dự trữ 30 ngày của DN là một khoảng còn mập mờ.
Đồng tình, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng thực tế các DN xăng dầu mới chỉ minh bạch khi nào tăng - giảm giá và đưa ra cấu trúc cơ bản về giá xăng.
Trong khi đó, các con số DN nhập là bao nhiêu? Chi phí cơ bản DN đưa ra đã hợp lý chưa? Đã có cơ quan độc lập nào vào cuộc và chứng minh sự hợp lý đó chưa?... Tất cả băn khoăn đó chưa thấy ai trả lời.
“Như vậy, điều mà DN xăng dầu nói công khai, minh bạch mới chỉ là hình thức chứ chưa phải minh bạch triệt để” - ông Sơn nhấn mạnh.
Hiệp hội có thể ép giá?
Bàn về việc VINPA ra đời, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều ủng hộ bởi đây là một chủ trương đúng nhằm khích lệ DN sản xuất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo ngại có tình trạng hiệp hội “ép” Chính phủ để tăng giá xăng bất hợp lý.
“Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy sự ra đời của hiệp hội sẽ thúc đẩy thị trường, bảo vệ sự cạnh tranh trong trường hợp ngăn chặn sự chèn ép lẫn nhau. Nhưng chúng ta cần có cơ chế để tránh tình trạng hiệp hội trở thành một diễn đàn thỏa thuận, một diễn đàn liên minh bất chính” - ông Sơn bày tỏ lo ngại.
Về điều này, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng ở nước ngoài luôn có hai hiệp hội đối nghịch nhau. Đó là hiệp hội của người cung cấp và hiệp hội của người tiêu dùng. Hai hiệp hội này sẽ đấu tranh và giám sát nhau. Nhưng ở nước ta chỉ mới có hiệp hội của những người sản xuất còn hiệp hội của người tiêu dùng chỉ là hình thức.
“Cần tăng thêm các thông tin và có sự giám sát để tránh tình trạng lạm dụng của các hiệp hội. Vì trước đây đã từng có tình trạng hiệp hội là “công cụ” để ép giá Chính phủ” - ông Phong nói thêm.
Lợi dụng tạm nhập tái xuất xăng dầu để thu lãi cao Bất cập hiện nay trong ngành xăng dầu không chỉ nằm ở giá cả. Đó mới chỉ là bề nổi. Cái đem lại lợi nhuận cho kinh doanh xăng dầu là tạm nhập tái xuất. DN sẽ lợi dụng chính sách này để bán hàng ở thị trường Việt Nam hưởng thuế. Chẳng hạn, một DN khai nhập 1.000 tấn xăng để xuất sang Lào nhưng sau đó lại bán ở nội địa thì được hưởng mức thuế tới 12%. Mỗi lít họ đã ăn không tiền thuế cả ngàn đồng, cộng thêm giá bán thì DN sẽ có mức lãi rất cao. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Tuyến, thành viên VINPA |
Theo PLTP