Giải tán Tổng Công ty ĐT&KD vốn Nhà nước nếu chỉ... gửi tiết kiệm

Thứ ba, 12/03/2013, 09:20
“Việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dùng vốn nhà nước để đi gửi tiết kiệm lấy lãi được coi là một điều bất thường”, TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Gánh lãi cho chính tiền của mình

Ông đánh giá thế nào về câu chuyện SCIC là một công ty kinh doanh vốn Nhà nước mà hoạt động chính lại là đem số tiền đó đi gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi?

Việc SCIC đem tiền vốn nhà nước đi gửi tiết kiệm khiến tôi thấy băn khoăn. Trong các quy định về kinh doanh và quản lý vốn nhà nước thì không có quy định về việc đem vốn đi gửi ngân hàng. Nhưng thực tế thì tất cả các tổ chức kể cả tư nhân và nhà nước, khi chưa có nhu cầu dùng đến vốn thì có thể đem gửi tiết kiệm. Trong việc này, phải xem xét số tiền gửi tiết kiệm là bao nhiêu, trong khoảng thời gian thế nào. Nếu việc gửi tiết kiệm này diễn ra thường xuyên liên tục thì đó là điều bất bình thường.

Vì sao?

Việc làm này không đúng quy định về kinh doanh vốn của nhà nước. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đều đang cần vốn, khát vốn để kinh doanh. Nhà nước giao vốn cho anh quản lý thì anh lại dùng để tiết kiệm thì hóa ra họ đã tự mình vẽ nên một cái vòng luẩn quẩn nguy hiểm.

Vòng luẩn quẩn gì thế, thưa ông?

SCIC nhận vốn từ Nhà nước lại gửi vào Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước lại dùng nguồn vốn đó để mua trái phiếu Chính phủ. Thế là Nhà nước phải trả lãi suất cho chính Nhà nước. Nó tạo ra vòng luẩn quẩn ở một dòng tiền nhất định. Nếu không tránh điều này thì vô hình chung nhà nước phải bỏ tiền ra để nuôi cả bộ máy của SCIC rồi sau đó lại phải bỏ tiếp tiền ra để trả lãi cho chính mình. Lấy tiền túi này chuyển sang túi nọ rồi lại mất cả chi phí trung gian.

Vậy rõ ràng đó là hành vi phạm pháp?

Thực ra nếu dòng tiền gửi tiết kiệm không quá nhiều và thời gian không quá lâu thì cũng không thể nghĩ một chiều được. SCIC có rất nhiều nhiệm vụ, song chắc hẳn là không có điều khoản nào cho phép đem vốn của nhà nước đi gửi tiết kiệm cả.

Vậy bao nhiêu tiền và gửi trong bao lâu thì chấp nhận được?

Trong báo cáo mới đây của SCIC doanh thu tài chính năm 2012 của đơn vị này chỉ đạt 1.568 tỉ đồng do chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm.
 
Như vậy với so tiền lãi lên đến 1.568 tỉ đồng, ước tính tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng năm 2012 có thể lên tới 19.600 tỉ đồng. Con số này tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỉ đồng, lãi thu về khoảng 1.479 tỉ đồng). Tuy nhiên đây chỉ là những con số ước tính. Giả sử SCIC có tiền nhàn rỗi và gửi trong 1-2 tháng, đến 4-5 tháng, thì vẫn chấp nhận được.

Nói như ông thì cách tính trên chưa phải là chính xác?

Đó là cách tích cơ học. Họ lấy số tiền lãi nhân với lãi suất 8% thì ra tổng số tiền gửi. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, đây không phải là số tiền nhỏ.

Nguyễn Minh Phong
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội.
Thiếu gì cách để biện minh

Có người đặt câu hỏi, phải chăng SCIC có quyền tự chọn đối tác đầu tư? Biểu hiện là những đối tác họ đầu tư không phải là những lĩnh vực cần kíp hay có tác dụng mở đường để doanh nghiệp phát triển?
 
Họ phải đầu tư theo chỉ đạo chứ. SCIC là của Bộ Tài chính hoạt động theo lệnh của hội đồng quản trị, nhóm điều hành chứ nó không được quyền tự chọn thị trường để đầu tư. Đây cũng là thiếu sót. Trong bối cảnh rất nhiều tổ chức có nợ đọng nợ xấu như thế mà SCIC với tư cách là Tổng công ty vốn của Nhà nước lại không tham gia vào quá trình tái cơ cấu là không ổn.

Đầu tư theo lệnh từ trên, thế có nghĩa là từ trên đã có những “lỗ hổng”?

Cũng không hẳn gọi là lỗ hổng mà là nó chưa tới. Nó quy định cứng nhắc, chưa rõ ràng. Những quy định khiến cho doanh nghiệp cứ phải rúm lại. Ví dụ như quy định phải bảo toàn vốn. Nếu không nói rõ thì rất nguy hiểm. Bảo toàn vốn trong lĩnh vực đầu tư nào? Bảo toàn vốn trong lĩnh vực đầu tư rủi ro hay không rủi ro? Lợi nhuận hay không lợi nhuận ở lĩnh vực nào? Còn nếu nguyên tắc chung là phải bảo toàn vốn thì họ phải tìm ra cách tốt nhất, an toàn nhất để họ làm thôi. Gửi tiết kiệm là giải pháp an toàn nhất.

Nghĩa là việc đem vốn nhà nước gửi tiết kiệm có thể biện minh được ở góc độ chiểu theo các quy định?

Đúng là thế. Họ hoàn toàn có thể giải thích được vì quy định nó thế, bất cập có sẵn thế rồi. Thứ nữa là họ phải đầu tư theo luật, phải có chỉ đạo từ trên xuống. Hay họ bảo hiện đang có một số dự án cần cân nhắc, trong lúc cân nhắc đó thì gửi vốn tiết kiệm. Chả thiếu gì cách để biện minh.

Nghĩa là nếu có tiền nhàn rỗi trong một thời gian nào đó, SCIC hoàn toàn có quyền gửi tiết kiệm?

Đúng vậy, nguyên tắc là tất cả các dòng tiền đều không được để trong két sắt mà phải để trong kho bạc, trong ngân hàng nào đó. Tài khoản đó bản thân nó đã được trả lãi không thời hạn rồi.

Nếu chỉ gửi tiết kiệm thì nên giải tán

Theo ông thì giải pháp nào trong tình huống này?

Trong thời gian tới, tính chất của SCIC nên chuyển sang tập trung mạnh vào hướng thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế. Tập trung hỗ trợ các hoạt động tái cấu trúc cũng như các hoạt động để phục hồi và định hướng phát triển nền kinh tế thay vì lợi nhuận. SCIC phải tập trung vào những đầu tư mồi, đầu tư tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, đầu tư định hướng phát triển tái cấu trúc đã được phê duyệt, đó mới là mục tiêu chính.

Tôi tưởng đó phải là nhiệm vụ từ trước đến nay của SCIC?

Không, họ kinh doanh mà, nên bản chất của nó vẫn phải là lợi nhuận. Đó chính là khiếm khuyết trong luật của SCIC. Kinh doanh thì phải bảo toàn vốn cộng với có lãi. Mà nếu không có lãi thì làm sao bảo toàn vốn được, anh phải tự nuôi bộ máy của mình chứ. Thứ nữa, nếu anh làm ra nhiều lợi nhuận thì anh còn được khen mà. Nếu không có lãi làm sao có Huân chương Lao động hạng Ba.

Nghĩa là tới đây, SCIC sẽ phải làm rõ lĩnh vực phi lợi nhuận của mình?

Trong luật về SCIC tới đây phải điều chỉnh, định rõ những lĩnh vực có lợi nhuận và lĩnh vực không có lợi nhuận. Tránh hiện tượng SCIC sợ trách nhiệm không dám đầu tư ra ngoài, không đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro. Mà đầu tư vào rủi ro mới là bản chất của vốn đầu tư nhà nước trong tình hình tái cấu trúc này.

Vì sao lại phải đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro?

Để nó tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, khoa học công nghệ. Thời kỳ đầu của SCIC là có danh mục nhiệm vụ phải đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ cao. Có điều từ trước giờ, SCIC không đầu tư kiểu đó. Họ đầu tư vào những công ty cổ phần có lời chắc chắn. Điển hình là đầu tư vào xây dựng, sữa. Đó đâu phải là những lĩnh vực cần kíp có đầu tư của nhà nước.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng nếu chỉ lấy vốn để đầu tư ăn lãi thì những cán bộ công nhân viên của SCIC sẽ có việc gì để làm?

Hy vọng đó chỉ là một bộ phận dòng vốn nhỏ. Chứ nếu cực đoan mà nhìn nhận, tất cả dòng vốn của SCIC mà đi gửi tiết kiệm thì có lẽ là nên giải tán. Chỉ cần 1 thủ quỹ, 1 kế toán là đủ để thay thế cả một bộ máy cồng kềnh mà SCIC đang có. Nhưng đấy là chỉ một trong các hoạt động trong thời điểm nào đó thôi.

Xin cảm ơn ông!

Luật của SCIC phải được kiện toàn, cả về chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là làm rõ hơn nhiệm vụ lợi nhuận hay phi lợi nhuận, bảo toàn vốn hay không cần bảo toàn vốn.

Hơn nữa có những quy định liên quan quy chế hoạt động bên trong sao cho mềm dẻo hơn, để có bộ phận thực sự là kinh doanh vốn, phản ứng nhanh với những biến động của thị trường. Chứ hiện nay hoạt động của SCIC còn kém, toàn xin ý kiến, rồi ý kiến thì lơ mơ hoặc chậm chễ, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp .

Thứ nữa phải tập trung hỗ trợ đầu tư tái cấu trúc, phát triển công nghệ cao hoặc tập trung phát triển những ngành nghề lĩnh vực mà tư nhân không muốn làm. Cuối cùng nó phải có sự phân công phối hợp với các cơ quan nhà nước khác, với các bộ, các UBND tỉnh, thành. 

Theo Kiến Thức

Các tin cũ hơn