Nổi lên là nhà đầu tư số một của Việt Nam vào Lào trong những năm gần đây, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không chỉ đem đến hàng chục nghìn cơ hội việc làm, mở ra những ngành công nghiệp mới mà còn mang đến cung cách làm ăn mới trên những vùng đất vốn chỉ quen nếp làm ăn truyền thống.
Attapeu (Lào) là tỉnh giáp giới với Kon Tum của Việt Nam với gần 120.000 dân. Thị xã chỉ cách cửa khẩu Bờ Y hơn một giờ chạy ôtô. Đây là một trong những tỉnh nghèo nhất tại Lào với phần lớn là những căn nhà mái tôn truyền thống phơi mình dưới nắng nôi bụi bặm. Ngày đầu, thị xã nhà vườn còn ở lẫn với cây rừng.
Bầu Đức đang ăn nên làm ra tại Lào. |
Thấy được tiềm năng Attapeu, từ năm 2005, Hoàng Anh Gia Lai đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu để chính thức đầu tư vào đây năm 2007. Cao su được coi là cây công nghiệp nằm trong chiến lược đầu tư số một.
Ngày 25/2, nhà máy chế biến mủ cao su trị giá 19 triệu USD cùng cụm công nghiệp mía đường gồm nhà máy đường, nhà máy nhiệt điện dùng nguyên liệu bã mía cũng đã được cắt băng khánh thành.
Tính cả năm dự án thủy điện tổng công suất 400MW, hai dự án khai thác mỏ đồng và sắt tại Sê Kông cùng hai dự án sân bay khác thì Hoàng Anh Gia Lai đang dẫn đầu các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào với tổng số vốn đạt gần 1 tỷ USD. Nếu tất cả các dự án của họ được thực hiện và đưa vào sử dụng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn này sẽ đạt khoảng 400 triệu USD - trong đó 90% là ở Attapeu.
Tuy nhiên, đất ở Attapeu không được tốt, gần như dạng rừng nghèo được chuyển sang trồng cao su ở Tây Nguyên. Chỉ móc sâu xuống chừng vài tấc đã thấy lổn nhổn đá. Dù vậy, giữa cái nắng mùa khô như vốc lửa, cao su Hoàng Anh Gia Lai vẫn phát triển mạnh.
Thường khi trồng cao su, người ta chỉ đào hố sâu đến 60cm. Tuy nhiên, ở đây hố được khoan sâu tới 1,2m. Hố sâu, rễ cây sẽ ăn sâu, hấp thụ tốt chất dinh dưỡng và lại còn được tưới nước suốt trong những tháng mùa khô. Từ đầu lô, nước được bơm vào những bể chứa, sau đó sẽ theo một hệ thống ống tỏa đến từng cây. Đây là công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel được nhập khẩu. Bình quân mỗi ngày đêm, mỗi cây cao su được cung cấp 2 lít nước.
Được cấp nước thường xuyên, cao su không rụng lá về mùa khô, tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản xuống chỉ 4 năm (thông thường phải từ 6 - 7 năm). Đồng thời kéo dài thời gian khai thác mủ do cân bằng được cung cấp dinh dưỡng (mùa khô vẫn bón được phân, thay vì chỉ tập trung vào mùa mưa).
Sự "khác người" trong cung cách làm ăn của Hoàng Anh Gia Lai đã thu hút sự quan tâm của các hãng sản xuất lốp xe lớn như Michelin (Pháp), Dunlop và Bridgestone (Nhật Bản). Chuyên gia các hãng này đã nhiều lần đến Lào đánh giá tiềm năng và đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm với Hoàng Anh Gia Lai.
Không riêng cao su, mía đường cũng một cung cách làm ăn rất "Hoàng Anh Gia Lai". Sản xuất mía ở đây đã được cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, làm cỏ, bón phân đến sản xuất và đóng gói thành phẩm. Áp dụng cơ giới hóa lại được tưới nước nên năng suất mía ở đây rất cao, đẩy giá thành phẩm mía đường Hoàng Anh Gia Lai xuống thấp.
Chính vì vậy, "ông bầu" của tập đoàn này mới tuyên bố: “Chúng tôi có sự tin tưởng lớn rằng sản phẩm mía đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào đủ sức cạnh tranh với bất kỳ công ty sản xuất đường nào trên thế giới".
Tại Attapeu, ở đâu có họ, ở đó mang dấu ấn Hoàng Anh Gia Lai. Từ tường rào bao quanh đến người mẫu của các hội sở - và đặc biệt là cung cách làm không thể trộn lẫn. Ví dụ như việc xây khách sạn 5 tầng Hoàng Anh - Attapeu. Toàn bộ vật liệu đều phải chở từ Việt Nam sang, tuy nhiên, thời gian hoàn thành chỉ trong vòng 7 tháng.
Ngoài đầu tư, nhưng việc "chơi" của Hoàng Anh Gia Lai cũng rất khoáng đạt. Trong lễ khánh thành cụm công nghiệp mía đường và nhà máy chế biến mủ cao su hôm 25/2, số ôtô huy động để chở khách Lào, khách từ Việt Nam sang lên tới cả trăm chiếc. Khách sạn Hoàng Anh Attapeu không đủ chỗ, nhiều khách mời còn phải thuê thêm cả nhà nghỉ bên ngoài.
Theo Dân Việt