Làm thì phá sản, không làm thì chết lâm sàng

Thứ bảy, 09/03/2013, 11:13
Trong khi đang đối mặt với ế ẩm đầu ra thì DN lại tiếp tục đương đầu với nguy cơ tăng giá đầu vào. Tình thế này đẩy DN làm thì thua lỗ, phá sản, không làm thì cũng chết lâm sàng.

Không dám sản xuất

Rất nhiều doanh nghiệp (DN) báo lỗ trong năm qua phần lớn do hàng tồn kho quá cao, đầu ra ế ẩm.

Ông Lê Quang Doãn, Giám đốc Công ty TNHH Minh Diệu cho biết: "Khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường, sức tiêu thụ hàng hóa giảm. DN dù có vốn để sản xuất nhưng không tiêu thụ được hàng hóa thì cũng "chết". Công ty của ông hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất do không bán được hàng. Sản lượng sản xuất hiện chỉ đạt 45% so với trước đây. DN làm cầm chừng vì càng sản xuất nhiều lại càng lỗ vì hàng ứ đọng đã quá nhiều.

Ông Nguyễn Lưu Tường, Giám đốc Công ty CP XNK Nhà Bè nhận định: "Các DN cứ rơi vào vòng luẩn quẩn: không bán được hàng, tồn kho, thiếu vốn, vay ngân hàng lãi suất cao, nợ nần không trả được rồi... chết".

doanh nghiệp phá sản
Các DN cứ rơi vào vòng luẩn quẩn: không bán được hàng, tồn kho, thiếu vốn, vay ngân hàng lãi suất cao, nợ nần không trả được rồi... chết.

Dù biết sản xuất khó bán nhưng DN vẫn buộc phải hoạt động vì giữ quan hệ với khách hàng cũng như duy trì nhân lực và máy móc. Hiện nhiều DN đang phải đưa ra đối sách thu hẹp sản xuất, không tuyển thêm nhân viên, giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày... để chờ qua giai đoạn khó khăn.

Đặt câu hỏi một số doanh nghiệp rằng, nếu có tiền thì các anh sẽ làm gì? Phần lớn đều không biết rằng họ sẽ làm gì để vực dậy tình hình hoạt động đang ngày càng khó khăn. Vì đầu ra bị tắc. Chính vì thế, ông Võ Thái Lâm, Giám đốc Công ty CP Tin học Lạc Tiên nói: "Cứ để doanh nghiệp tự xoay sở nguồn vốn để hoạt động. Nhà nước nên tập trung cho người mua để kích cầu".

Trong khi đó, đại diện HTX Sao Mai nói, nếu có tiền, sẽ chuyển qua mô hình dịch vụ khác để tồn tại. Nếu là DN dịch vụ thì việc chuyển đổi loại hình kinh doanh tương đối đơn giản. Nhưng nếu là DN sản xuất thì không hề dễ dàng".

Theo các chuyên gia, điều chỉnh thị trường không phải trong ngày một ngày hai, các DN cũng khó có thể kiểm soát thị trường trong bối cảnh hiện tại.

Cũng không dám nghỉ hẳn

Khó khăn bủa vây nhưng hầu hết các DN đều buộc phải hoạt động bởi những đơn hàng ký trước. Một số khác thì gồng mình tồn tại để giữ lại các mối quan hệ, khách hàng chờ ngày thị trường khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, trong lúc các DN đang cố gắng để duy trì ở mức thấp nhất thì lại dính đòn tăng giá đầu vào khiến nhiều doanh nghiệp càng cố gắng càng lấn sâu vào khủng hoảng vì vừa làm vừa gánh lỗ.

Ông Trương Chí Thiện, giám đốc công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết: "Các DN nước ngoài cùng ngành hàng luôn được hỗ trợ về giá nguyên liệu đầu vào từ công ty mẹ. Trong khi đó DN trong nước lại đang chống chọi với việc nguyên liệu đầu vào tăng cao nên việc cạnh tranh được là rất khó.

Trước tình hình giá nguyên liệu tăng cao đơn vị đã phải gửi công văn đến khách hàng mong thông cảm, đồng thời xin phép điều chỉnh tăng giá. Để tránh gây sốc cho khánh hàng chúng tôi chỉ điều chỉnh giá ở mức vừa phải, chỉ khoảng 1/4 so với giá nguyên liệu tăng.

"Điều này đồng nghĩa với công ty phải chấp nhận điều chỉnh sản xuất, siết lại toàn bộ chi phí sản xuất để giảm lỗ. Nhưng cũng khó tránh tình trạng càng sản xuất càng lỗ"

Tình trạng này được các DN ví là: Làm thì phá sản không làm thì chết lâm sàng.

Mới đây, đối với các DN xây dựng thì thông tin giá thép tăng đã tạo nên không ít khó khăn. Trong tuần đầu tháng 3 giá thép đã đồng loạt tăng giá 160.000 - 200.000 đồng/tấn.

Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Pomina, việc điều chỉnh giá thép do giá nguyên liệu đầu vào đang tăng vọt, đặc biệt là nguyên liệu thép phế liệu nhập khẩu dùng để sản xuất phôi thép.

Song song với thu hẹp sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân công, tăng lương cùng với tăng giờ để không tuyển dụng thêm lao động mặc dù nguồn cung vẫn thiếu.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã giảm bớt các vị trí trung gian, chỉ tuyển dụng những vị trí thật sự quan trọng hoặc yêu cầu một nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc với mức lương cao hơn. Mặt khác, đưa ra tiêu chí tiết kiệm điện, nước; phải tiết kiệm trên 15%/một đầu sản phẩm; giảm tiêu hao nguyên vật liệu vật tư trên 20%...

Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Thái Dương, cho hay: "Giải pháp căn cơ hiện nay là chỉ dám đưa ra kế hoạch kinh doanh ở mức bằng với năm trước, thậm chí không dám đưa ra chỉ tiêu về lợi nhuận. Đó là chưa biết phản ứng của phía đối tác, nếu họ không chấp nhận đồng nghĩa với sức tiêu thụ sụt giảm thì doanh nghiệp cũng phải gánh chịu.

Theo VEF 

Các tin cũ hơn